Tuy nhiên, do chưa có sự chuẩn bị kỹ càng nên phần mềm xét tuyển liên tục xảy ra sự cố, nhiều trường hợp sai sót làm ảnh hưởng đến quyền lợi của thí sinh cũng như việc tuyển sinh của các trường.
Thí sinh làm thủ tục nhập học tại Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TPHCM
Khâu nào cũng trục trặc
Theo TS Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM, sự rối rắm xuất phát từ việc quy chế tuyển sinh và hướng dẫn thực hiện quy chế được ban hành quá muộn, sau khi hầu hết các trường đã triển khai nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển (ĐKXT) và xét tuyển theo các phương thức khác (xét tuyển sớm) từ đầu năm 2022. Đến ngày 22-8, Bộ GD-ĐT vẫn nhấn mạnh “năm 2022 việc ĐKXT sẽ thực hiện sau khi thi tốt nghiệp THPT”.
Thế nhưng, thực tế thí sinh phải thực hiện 3 lần ĐKXT: lần 1 là khi thí sinh nộp hồ sơ đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT (tháng 4 đến giữa tháng 5); lần 2 thí sinh phải ĐKXT tại các trường ĐH (các phương thức xét tuyển khác); lần 3 là tất cả thí sinh đã ĐKXT tại trường bằng bất kỳ phương thức nào cũng phải ĐKXT lại trên hệ thống xét tuyển chung (từ ngày 22-7 đến ngày 20-8). Việc quy định rối rắm này khiến hàng ngàn thí sinh tự do (đã tốt nghiệp THPT những năm trước) không có tài khoản để đăng nhập lên hệ thống đăng ký nguyện vọng… Bộ GD-ĐT lại phải thay đổi quy định để tiếp tục mở cổng cho thí sinh tự do đăng ký.
Tiếp đến là phần mềm thanh toán lệ phí xét tuyển. Do “nền tảng phần mềm bị sự cố về kết nối” nên Bộ GD-ĐT tiếp tục rơi vào cảnh “sáng làm, chiều sửa”. Trong khi đó, một cán bộ tuyển sinh của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TPHCM) cho biết: Mong muốn của Bộ GD-ĐT là áp dụng triệt để công nghệ thông tin vào công tác tuyển sinh, nhưng do chưa có sự chuẩn bị nên làm quá cập rập, dẫn đến khâu nào cũng gặp vấn đề.
Ngay như việc nộp lệ phí, nhiều thí sinh đến khi trúng tuyển vẫn chưa thể nộp trực tuyến được. Rồi việc đăng ký nguyện vọng cũng làm đến hai lần và áp theo quy định của Bộ GD-ĐT, nên thí sinh hoàn toàn bị rối và có nhiều sai sót. Điều này dẫn đến quy chế quy định “thí sinh chỉ trúng tuyển 1 nguyện vọng cao nhất vào 1 trường” nhưng thực tế lại tréo ngoe: thí sinh trúng tuyển hàng loạt nguyện vọng hoặc từ trúng tuyển thành
không trúng tuyển!
Thí sinh N.K.D. (Trường THPT Lê Thị Pha, TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng) kể: “Tất cả các giai đoạn từ lúc đăng ký tài khoản, đăng ký nguyện vọng, đến nộp lệ phí, điều chỉnh nguyện vọng, em đều làm trực tuyến. Tuy nhiên, khâu nào em cũng gặp nhiều rắc rối, như vào hệ thống thì không thao tác được và chờ đợi rất lâu. Ở khâu nộp lệ phí, em phải mất 3 ngày mới thực hiện được nhưng sau đó vẫn bị báo “đã ghi nhận NV - NV chưa được thanh toán”. Đến khi công bố điểm chuẩn, em trúng tuyển vào Trường ĐH Công nghiệp TPHCM, nhưng lên hệ thống kiểm tra lại không có trong danh sách. Sau đó em phải liên hệ với nhà trường, và nhà trường yêu cầu em lên trường để giải quyết…”.
Làm thay việc của các trường
Theo TS Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo (ĐH Quốc gia TPHCM), những rắc rối từ việc Bộ GD-ĐT thay đổi về kỹ thuật xét tuyển năm nay đã được cảnh báo và có rất nhiều ý kiến đóng góp, nhưng không hiểu vì sao bộ vẫn kiên quyết làm. Cho đến nay, những sự cố mà báo chí liên tục phản ánh là do phần mềm và hệ thống xét tuyển chưa thật sự ổn định... Điều này cũng là kinh nghiệm mà Bộ GD-ĐT cần phải nhìn nhận một cách nghiêm túc.
Th.S Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM, thẳng thắn nhận xét: Lỗi của Bộ GD-ĐT là phần mềm chưa được thử nghiệm, nếu có thử nghiệm thì thử nghiệm trên số lượng quá ít. Do đó, Bộ GD-ĐT nên xem xét lại để làm tốt hơn cho năm sau: nên tổ chức tập huấn để các thí sinh biết về quy trình xét tuyển, xác nhận nhập học (có thể làm trực tuyến thì sẽ bớt đi lại); nên có những clip quảng bá về quy trình xét tuyển để các thí sinh và phụ huynh biết về quy trình làm trực tuyến; phải có mức phí xét tuyển phù hợp (khoảng 100.000 đồng/nguyện vọng) để các thí sinh bớt nguyện vọng đăng ký và để dành thời gian nghiên cứu thật kỹ trước khi ĐKXT. Ngoài ra, vì quy chế tuyển sinh ban hành quá trễ đã khiến các thí sinh lo lắng, các trường thì hoàn toàn bị động. Do đó, Bộ GD-ĐT không nên thay đổi quy chế tuyển sinh, kỹ thuật xét tuyển một cách cập rập như năm nay. Nếu có thay đổi thì phải có sự chuẩn bị, phải thử nghiệm ít nhất 1 năm để các trường, thí sinh có sự chuẩn bị.
Một chuyên gia tuyển sinh của Trường ĐH Cần Thơ cho rằng, Bộ GD-ĐT đã “ôm” việc tuyển sinh của các trường và không có kinh nghiệm nên phải hứng chịu nhiều phản ứng của thí sinh cũng như các trường. Mỗi trường, mỗi ngành hiện có nhiều phương thức và tiêu chí xét tuyển khác nhau, nên khi gom tất cả lên hệ thống (phần mềm xét tuyển chung) và khi xét tuyển, lọc ảo chung một lần thì nảy sinh nhiều vấn đề. Phần mềm không thể xử lý được vô số điều kiện xét tuyển của từng trường, từng ngành và từng phương thức.
Ông Nguyễn Quốc Cường, nguyên cán bộ tuyển sinh của Bộ GD-ĐT tại phía Nam, nêu ý kiến: Nên trả lại việc tuyển sinh cho các trường, Bộ GD-ĐT không nên làm thay, điều này đã được luật định. Năm 2023, để không vấp phải những rối rắm, Bộ GD-ĐT không nên cải tiến, thay đổi nữa mà nên duy trì công tác tuyển sinh như năm 2021 trở về trước. Các phương thức xét tuyển khác (xét học bạ THPT, điểm thi đánh giá năng lực, xét tuyển thẳng theo đề án của các trường…) nên để các trường tự làm. Với phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT thì sẽ lọc ảo chung và duy trì hai nhóm lọc ảo phía Nam, phía Bắc sẽ không làm nảy sinh nhiều vấn đề, các trường cũng sẽ chủ động hơn, không phải chờ đợi và thay đổi kế hoạch đào tạo vì tuyển sinh quá trễ như năm nay. |