Trà Vinh đã làm gì để đứng đầu chỉ số xanh PGI?

(ĐTTCO) - Tại lễ công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2022 diễn ra ngày 11-4 vừa qua, lần đầu tiên VCCI và USAID công bố chỉ số PGI, trong đó Trà Vinh là 1 trong 5 tỉnh đứng đầu về chỉ số này.
Toàn hệ thống chính trị cùng tham gia vào công tác bảo vệ môi trường một cách đồng bộ.
Toàn hệ thống chính trị cùng tham gia vào công tác bảo vệ môi trường một cách đồng bộ.

Trà Vinh là 1 trong 5 tỉnh đầu tiên đạt được chỉ số này ở thứ hạng cao nhất. Để làm được điều này, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Lê Văn Hẳn khẳng định, đây là kết quả của quá trình nỗ lực, hành động, kỷ cương có kế thừa và phát triển. Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Trà Vinh đã ban hành các Chỉ thị số 15, Chỉ thị số 48, Chỉ thị số 27 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ môi trường trong đô thị, khu dân cư trên địa bàn tỉnh, đồng thời ban hành các kế hoạch triển khai thực hiện, toàn hệ thống chính trị cùng tham gia vào công tác bảo vệ môi trường một cách đồng bộ.

Theo ông Lê Văn Hẳn, tỉnh luôn quan tâm tới công tác quản lý, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường như: Kiểm tra thường xuyên tình trạng cát bay và công tác bảo vệ môi trường tại các khu đổ bùn, đặc biệt trong năm 2022 tỉnh xử lý dứt điểm cơ sở gây ô nhiễm môi trường còn tồn đọng và đảm bảo không còn cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn theo đề nghị của Bộ TN-MT.

Đối với chỉ số đánh giá bảo vệ môi trường của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (chỉ số PEPI) được áp dụng chính thức từ năm 2020, Trà Vinh luôn phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu đánh giá và được Bộ TN-MT công nhận top 5 các tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước về kết quả bảo vệ môi trường trong năm 2020 và vươn lên vị trí thứ 3 cả nước vào năm 2021.

Trà Vinh đẩy mạnh chính sách thu hút xã hội hóa công tác xử lý chất thải, chất thải rắn sinh hoạt nông thôn.

Trà Vinh đẩy mạnh chính sách thu hút xã hội hóa công tác xử lý chất thải, chất thải rắn sinh hoạt nông thôn.

Trà Vinh cũng đã hoàn thành dự án Thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển tỉnh Trà Vinh với mục tiêu bảo vệ hệ sinh thái, cảnh quan tự nhiên vùng bờ, giảm thiểu sạt lở bờ biển, ứng phó biến đổi khí hậu (BĐKH), nước biển dâng, đảm bảo quyền tiếp cận của người dân với biển.

Cùng với thực hiện theo các quy định từ Bộ TN-MT, tỉnh còn thực hiện phương châm không đánh đổi môi trường lấy kinh tế, kiên quyết không đưa vào vận hành các dự án, cơ sở sản xuất chưa đáp ứng các yêu cầu về môi trường. Công tác thanh tra, kiểm tra về môi trường hàng năm được tăng cường, kịp thời phát hiện, uốn nắn và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường, không để tái diễn các trường hợp vi phạm nhiều lần…

Tỉnh đã lắp đặt hệ thống cụm camera giám sát tại các điểm nóng về môi trường, khoáng sản trên địa bàn tỉnh, nhằm quản lý, theo dõi chất lượng các thành phần môi trường như: Không khí, nước mặt, nước dưới đất, nước biển ven bờ, nước thải… quan trắc môi trường hàng năm được tăng cường, tập trung tại các khu, cụm công nghiệp, làng nghề, các khu nuôi trồng thủy sản để có những cảnh báo, dự báo kịp thời tình trạng ô nhiễm.

Hầu hết, các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh Trà Vinh trước khi đi vào vận hành đều phải thực hiện thủ tục hành chính về môi trường theo quy định, cam kết thực hiện công tác bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.

Trong lĩnh vực xúc tiến, thu hút và cấp phép đầu tư, tỉnh luôn quan tâm tới phát triển kinh tế gắn với việc bảo vệ môi trường, chọn lọc được các dự án đầu tư thân thiện với môi trường. Điển hình như dự án Nhà máy hydro xanh Trà Vinh (xã Đông Hải, huyện Duyên Hải) của Công ty Cổ phần TGS Trà Vinh Green Hydrogen.

Đây là dự án sản xuất hydro có quy mô lớn nhất hiện nay với tổng mức đầu tư gần 8.000 tỷ đồng và là dự án sản xuất hydro xanh từ nguồn năng lượng tái tạo đầu tiên được đầu tư tại Việt Nam. Dự án định hướng phát triển theo chiến lược phát triển ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam và được kỳ vọng là nguồn năng lượng của tương lai, chìa khóa cho chiến lược chuyển đổi năng lượng của thế giới theo xu hướng bền vững, thân thiện với môi trường.

Bên cạnh đó, tỉnh đẩy mạnh chỉ đạo phát huy hiệu quả hoạt động Dự án thích ứng BĐKH vùng ĐBSCL (AMD) tỉnh Trà Vinh với tổng kinh phí gần 24,8 triệu USD để xây dựng năng lực thích ứng và đầu tư sinh kế bền vững cho 30 xã thuộc 7 huyện trên địa bàn tỉnh. Chỉ tính riêng lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản đã có 45 mô hình sinh kế thích ứng và 45 mô hình tổng hợp được lựa chọn để nhân rộng về mô hình thích ứng BĐKH.

Đến ngày 10-1-2023, Trà Vinh tổ chức khởi động Dự án “Phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp thông minh thích ứng biến đổi khí hậu (CSAT) tại tỉnh Trà Vinh” để tiếp tục hỗ trợ phát triển nông nghiệp bền vững thích ứng với BĐKH vùng đồng bằng sông Cửu Long tại tỉnh, góp phần giảm thiểu các tác động xấu về môi trường.

“Kết quả này sẽ là một tín hiệu tốt để góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư vào tỉnh. Đây còn là động lực để Trà Vinh nỗ lực hơn nữa phát triển khu vực tư nhân theo tinh thần Chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia và chiến lược quốc gia ứng với phó với BĐKH, thúc đẩy xây dựng hệ sinh thái kinh doanh thân thiện với môi trường”, Chủ tịch Lê Văn Hẳn khẳng định.

Để tiếp tục giữ vững niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp dành cho Trà Vinh, Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng cần có những giải pháp thiết thực để tiếp cận cụ thể hơn về bộ Chỉ số PGI, về phương thức đánh giá, về những tác động mà PGI mang lại. Trong đó, cần nhất quán trong chỉ đạo điều hành, triển khai thực hiện giữa lãnh đạo cấp cao đến cán bộ cấp dưới phải thực sự sâu sát, cầu thị có trách nhiệm trước các phản hồi từ cộng đồng doanh nghiệp đối với các hạn chế của cơ quan, ngành, lĩnh vực và địa bàn phụ trách.

Ngoài ra, tập trung chú trọng vào các nhiệm vụ, lĩnh vực, cụ thể như: Rà soát và tham mưu xây dựng văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh để quy định chi tiết các nội dung được giao trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường, khai thác và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên; kêu gọi sự tham gia của cộng đồng.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn tỉnh. Phát huy tốt hơn nữa vai trò của công tác quan trắc môi trường phục vụ công tác dự báo, cảnh báo và kiểm soát môi trường.

Đặc biệt là đẩy mạnh chính sách thu hút xã hội hóa công tác xử lý chất thải, chất thải rắn sinh hoạt nông thôn; xử lý nước thải tại các đô thị. Hướng dẫn, giám sát các doanh nghiệp, dự án phải thực hiện đầu tư các hệ thống xử lý nước thải cho các khu công nghiệp, khu kinh tế. Thực hiện có hiệu quả đề án tăng cường năng lực và hạ tầng kỹ thuật thực hiện quản lý chất thải rắn cho giai đoạn 2021-2025 và giai đoạn 2026-2030.

Các tin khác