Tại phiên họp thứ 23 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu: “TPHCM riêng năm 2022 đã hỏi Bộ 584 văn bản, Bộ phải trả lời 604 văn bản. Nhưng các vấn đề đó không quan trọng, điều quan trọng là các nội dung hỏi đều thuộc thẩm quyền của thành phố, cho thấy hiện tượng né tránh, đùn đẩy lên trên rồi lại ngồi chờ”. Thực hư câu chuyện về “cơn mưa” văn bản qua lại này cần hiểu như thế nào? TPHCM đã có gì bất ổn chăng?
Không. Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho rằng những số liệu do ông Nguyễn Chí Dũng đưa ra hoàn toàn có thật, nhưng có nhiều mức độ khác nhau chưa được làm rõ. Trong hơn 600 văn bản trả lời có rất nhiều nội dung không rõ, căn cứ vào trả lời cũng không biết sao làm.
584 văn bản xin ý kiến của UBND TPHCM bao gồm 4 nhóm: (1) Có những vấn đề thực tiễn của TPHCM phát sinh mà quy định pháp luật chưa có nên phải hỏi. (2) Có những vấn đề đã có quy định, nhưng luật này khác, luật kia khác cần phải hỏi. (3) Có những vấn đề đã có quy định rồi nhưng cách hiểu khác nhau nên phải hỏi. (4) Có những vấn đề rõ rồi nhưng do nghiên cứu chưa chắc ăn nên hỏi.
Nhìn một cách tổng thể, TPHCM đang đối mặt với nhiều thử thách để phát triển. Tốc độ tăng trưởng của TPHCM quý I-2023 ở mức thấp kỷ lục, GRDP chỉ tăng 0,7%, chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh PCI của TPHCM tụt hạng. Để lấy lại vị trí đầu tàu kinh tế cả nước và đạt mục tiêu tăng trưởng 7,5% trong năm 2023, TPHCM phải nỗ lực trên nhiều phương diện. Bên cạnh việc đôn đốc tinh thần cống hiến và sáng tạo của đội ngũ cán bộ viên chức, thì TPHCM cũng cần sự hỗ trợ tích cực từ các ngành.
Ông Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh: “Trung bình mỗi ngày Bộ phải trả lời cho TPHCM 2 văn bản, mà chúng tôi còn trăm ngàn việc khác”. Lời than vãn ấy, đúng là rất đáng suy ngẫm. Thế nhưng, một thành phố lớn như TPHCM cũng có hàng ngàn công trình và hàng trăm dự án cần được giải quyết thấu đáo và triệt để.
Tiếc thay, Luật thì nhiều và đủ, mà những văn bản dưới luật như nghị định và thông tư lại chồng chéo và vướng mắc, đã tạo ra không ít rào cản cho sự năng động của thực tiễn đời sống. Hầu hết những văn bản mang tính phổ quát toàn quốc lại giống như một manh áo chật cho cơ thể trẻ trung của một đô thị tầm cỡ quốc tế như TPHCM. Chính vì vậy, ngày 22-5-2023 tới đây, Chính phủ sẽ trình Quốc hội nghiên cứu một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM, thay thế Nghị quyết 54.
Do vậy trước khi có Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54, TPHCM luôn mong đợi sự chung tay của các ngành trung ương trong việc tháo gỡ những điểm nghẽn để phát triển. Nhiều văn bản xin ý kiến càng thể hiện sự sốt ruột thì văn bản hướng dẫn chuyên môn càng phải rõ ràng. Bởi lẽ đây là sự phối hợp công tác, chứ không phải trò chơi chữ nghĩa “xuất đối dị, đối đối nan”.
Văn bản hướng dẫn từ cơ quan quản lý ngành càng mạch lạc thì việc triển khai tại chính quyền địa phương càng thuận lợi. Nếu văn bản hướng dẫn chuyên môn mà để xảy ra tình trạng “căn cứ vào trả lời cũng không biết sao làm”, thì bài toán trách nhiệm không phải lỗi riêng ai. Bởi lẽ, không thể dùng phương pháp “phỏng đoán” và “suy diễn” để tiếp cận một văn bản hướng dẫn chuyên môn.
Hiện tượng một số cán bộ, viên chức ở TPHCM có biểu hiện né tránh, đùn đẩy trong khi thi hành công vụ là một vấn nạn đã được nhận diện và đang chủ động khắc phục. Tuy nhiên, muốn giảm thiểu hệ lụy liên tục phải xin ý kiến, thì văn bản trả lời phải quan tâm đến giá trị đích về chuyên môn, chắc chắn mọi thứ sẽ hanh thông.