Trách nhiệm xã hội

Trong quá trình hội nhập quốc tế, hàng hóa Việt Nam không chỉ cần đảm bảo chất lượng khi xuất khẩu mà phải đảm bảo được trách nhiệm xã hội trong quá trình sản xuất.

Tuy nhiên, việc thực hiện trách nhiệm xã hội của DN Việt Nam, nhất là DNNVV đối với người lao động hiện rất lỏng lẻo. Hơn nữa, không ít DN còn gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, tác động xấu đến đời sống của cộng đồng.

Các DN không thực hiện trách nhiệm xã hội một phần do vấn đề này chưa được luật hóa ở Việt Nam. Hiện chỉ mới có các DN lớn, có thị trường xuất khẩu, do yêu cầu của khách hàng nên buộc phải thực hiện trách nhiệm xã hội, còn các DNNVV thiếu ràng buộc về pháp lý nên không thực hiện.

Mặt khác, nhận thức chưa đầy đủ của DN về trách nhiệm xã hội cũng là nguyên nhân khiến họ "quên" đi trách nhiệm của mình. Mới đây, để khởi tạo ý thức trách nhiệm xã hội cho các DNNVV, Hiệp hội Da giày Việt Nam (Lefaso) đã lên kế hoạch hỗ trợ DN Việt Nam tham gia hiệu quả vào tiến trình hội nhập quốc tế và phát triển bền vững, đẩy mạnh thực hiện tốt trách nhiệm xã hội cho DN.

Cụ thể, Lefaso sẽ triển khai dự án ISO 26000 để hướng dẫn các DNNVV thực hiện trách nhiệm xã hội. Dự án này tập trung các hoạt động đào tạo, triển khai và nâng cao nhận thức cho DN để tạo uy tín khi tham gia thị trường quốc tế. Về lâu dài, đây cũng là một cách để DN nâng cao sức cạnh tranh với sản phẩm da giày đến từ các quốc gia khác. Với các ngành hàng khác, đây cũng là một điều cần học hỏi để tránh vấp phải vướng mắc trong thời gian tới.

Trên thực tế, các DNNVV đang có tác động rất lớn đến môi trường mà chưa có ý thức bảo vệ, giảm thiểu tác hại và chưa hoàn thiện các chính sách lao động một cách tốt nhất. Đòi hỏi đang đặt ra là DN phải xem việc thực hiện trách nhiệm xã hội gắn liền với chiến lược sản xuất, kinh doanh bền vững.

Lúc đó, khách hàng mới tin tưởng vào uy tín của DN. Hiện nay, các DN có nhu cầu đẩy mạnh phát triển trách nhiệm xã hội có thể tìm kiếm sự hỗ trợ về kinh nghiệm của các DN đến từ châu Âu, từ đó vừa có thể nâng tầm sự hợp tác của các DN châu Âu và châu Á, vừa có thể chung tay giảm bớt tác động xấu đến môi trường và cải thiện đời sống người lao động trên thế giới.

Hơn nữa, hiện nay các tập đoàn đa quốc gia đang cần nguồn hàng lớn nhưng lại rất chặt chẽ trong khâu kiểm soát chất lượng lẫn nguồn gốc sản phẩm. Do vậy, nếu không đáp ứng được những tiêu chí khắt khe về nguồn gốc, các DN Việt Nam sẽ dễ đánh mất khách hàng lớn.

Ngoài sự nỗ lực của các hiệp hội để kêu gọi sự tự nguyện, tự giác của DN, các nhà quản lý, cơ quan chức năng cần vào cuộc bằng cách hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, nhằm quản lý chặt chẽ, chấn chỉnh hoạt động, xử lý nghiêm các DN vi phạm, gây hại cho cộng đồng, xã hội, cho môi trường, hủy hoại nguồn tài nguyên thiên nhiên... hướng DN tới nền sản xuất bền vững hơn trong tương lai.

Các tin khác