Trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam - Lãi suất bị đẩy lên cao

(ĐTTCO) - Nếu như trước đây việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) rất khó khăn do quy định tại Nghị định 90/2011 của Bộ Tài chính. Song kể từ khi Nghị định 163/2018 thay thế Nghị định 90, thị trường TPDN vốn còn nhiều dư địa đã nhanh chóng phát triển bởi hành lang pháp lý đã thông thoáng hơn.

 Tuy nhiên, cửa rộng mở cho DN gọi vốn cũng kèm theo rủi ro khi nhiều DN phát hành đã cạnh tranh nâng lãi suất lên quá cao để thu hút nhà đầu tư. 

Trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng có xu hướng giảm, cũng như không để DN quá dựa vào vốn ngân hàng, phát hành TPDN trở thành kênh huy động được các DN ngày càng quan tâm, lựa chọn.

Bùng nổ TPDN
Nhu cầu vốn của DN tại Việt Nam rất lớn và thường có 3 cách để huy động vốn là vay NH, phát hành TP và phát hành cổ phiếu (CP). Trước đây, các DN ở Việt Nam thường huy động bằng cách vay NH hoặc phát hành CP hơn là phát hành TP. Song khi cửa huy động rộng mở, chỉ trong một thời gian ngắn thị trường TPDN đã gia tăng về số lượng DN phát hành và tăng trưởng khối lượng phát hành.
 Bộ Tài chính, UBCKNN và NHNN phải rà soát quy định cụ thể phát hành TP riêng lẻ và khả năng đánh giá rủi ro. Nếu có dấu hiệu bất thường, thiếu an toàn, thiếu minh bạch phải chấn chỉnh ngay.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ
Và cuộc đua cạnh tranh hút vốn bùng nổ, hiện đang có những DN phát hành TP nâng lãi suất cao gấp đôi lãi suất huy động của ngân hàng thương mại (NHTM). Mặc dù được đánh giá là rủi ro song TPDN lãi suất cao vẫn rất hút khách.
Theo số liệu của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, khối lượng đăng ký phát hành năm 2018 là 427.000 tỷ đồng và khối lượng phát hành thành công 224.000 tỷ đồng, tăng 94,5% so với năm 2017. Tổng mức phát hành 6 tháng đầu năm 2019 đạt 116.085 tỷ đồng, tăng 7,4% so với cùng kỳ 2018.
Trong đó, NHTM phát hành 36.700 tỷ đồng (chiếm 36%), DN bất động sản (BĐS) 22.122 tỷ đồng (19%), các công ty chứng khoán chiếm 3,5%, còn lại 58,5% là các DN khác. Quy mô vốn hóa tới hết tháng 6 có mức bằng 10,22% GDP, tăng 21% so với cùng kỳ 2018, vượt mục tiêu đặt ra là 7% GDP vào năm 2020. 
Ghi nhận của Hiệp hội Thị trường TP Việt Nam (VBMA), trong tháng 7-2019 đã có 22/23 thương vụ phát hành TPDN thành công, trong đó chỉ có một thương vụ phát hành ra công chúng, còn lại là phát hành riêng lẻ. Trong tháng 8 - 2019, CTCP Kinh doanh F88 (chuỗi cho vay cầm đồ F88) công bố kết quả phát hành thành công TPDN không chuyển đổi có kỳ hạn 2 năm với quy mô 100 tỷ đồng chỉ sau 2 tuần chào bán. Bên cạnh đó, Agribank thông báo đã thông qua kế hoạch phát hành 5.000 tỷ đồng TPDN kỳ hạn 7 năm.

Lãi suất tăng mạnh
Về lý thuyết, quy mô TPDN gia tăng là điều đáng mừng. Tuy nhiên, đến nay DN phát hành TP vẫn chưa có chấm điểm tín nhiệm, bởi trong nước thiếu các công ty định giá. Chính vì vậy, để hút vốn lãi suất TPDN cũng ngày càng nóng lên. 
Trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam - Lãi suất bị đẩy lên cao ảnh 1 Nhiều doanh nghiệp BĐS đã đẩy mức lãi suất huy động trái phiếu lên mức cao nhằm thu hút vốn bất chấp rủi ro.
Điểm lại năm 2018 ở khối NH, các nhà băng đẩy mạnh phát hành TPDN nhằm tăng quy mô vốn cấp 2 và bổ sung nguồn vốn dài hạn, lãi suất phát hành thành công dao động quanh 7,5%/năm. Ở khối DN, lợi tức TPDN phát hành của nhóm này trong khoảng 8-10,5%/năm.
Nhưng năm 2019, các NH có xu hướng phát hành những TP kỳ hạn dài 5-7 năm với lãi suất thả nổi, có thể đạt tới 8-9%/năm. Còn các thương vụ phát hành TP riêng lẻ thành công của khối DN gần đây có mặt bằng lãi suất phổ biến từ 10 - 12%/năm, cao hơn lãi suất cho vay trung và dài hạn của các NHTM (phổ biến ở mức 9-11%/năm). 
Đáng chú ý, mức lãi suất cao tập trung chủ yếu ở nhóm DN BĐS, như CTCP Ðầu tư kinh doanh nhà Khang Ðiền, CTCP Ðầu tư Văn Phú… Song mức lãi suất 10-12% mới là mặt bằng chung, còn đỉnh của lãi suất TPDN đã được CTCP Phát triển BĐS Phát Đạt đẩy lên mức xấp xỉ 14,5%/năm. Đây cũng là DN phát hành TPDN khá dày đặc, tính từ đầu năm đến nay Phát Đạt đã phát hành 6 đợt với lãi suất lần lượt là 14,45%, 12%, 10,5%, 14% , 13,5% và 9,5%/năm.
Thống kê cho thấy, trong cơ cấu sở hữu năm 2018, công ty chứng khoán nắm giữ 40,85% lượng TPDN sơ cấp, NHTM sở hữu 35,5%, các nhóm khác sở hữu 23,65%. Còn trong năm 2019, hiện nhà đầu tư tổ chức như công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, NHTM vẫn tiếp tục là khách hàng chính. Đơn cử trong tháng 5 và 6-2019, CTCP Đầu tư và Phát triển Du lịch Phú Quốc đã 3 lần phát hành thành công TP riêng lẻ cho CTCP Chứng khoán Kỹ thương, với tổng giá trị 1.400 tỷ đồng.
Trong đợt phát hành TP riêng lẻ lần 1 năm 2019, Phát Đạt đã huy động được 200 tỷ đồng với lãi suất kỷ lục 14,45%/năm cho 3 nhà đầu tư trong nước (CTCP Chứng khoán Thành Công, Tổng CTCP Bảo hiểm Bảo Long, CTCP Thương mại dịch vụ và tư vấn đầu tư Sài Gòn 3) và một nhà đầu tư nước ngoài là Vietnam Debt Fund SPC. 
Với NH hoạt động mua TPDN cũng không kém sôi động. Cụ thể, MB chi nhánh Sài Gòn và OCB chi nhánh Bến Thành đã lần lượt mua 100% tổng giá trị trong đợt phát hành TP riêng lẻ lần 3 và lần 6 của Phát Đạt với giá trị lần lượt là 550 tỷ đồng và 225 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhóm NH mua TPDN của công ty này với lãi suất thấp hơn, lần lượt ở mức 10,5%/năm và 9,5%/năm. TPDN không chỉ hấp dẫn với các tổ chức tài chính, hiện một số nhà đầu tư cá nhân cũng đã đổ hàng chục tỷ đồng để sở hữu TPDN lãi suất cao trong thời gian qua.

Rủi ro hiện hữu 
Trao đổi với ĐTTC, một chuyên gia kinh tế nhận định, mức lãi suất TPDN khoảng 10-12% là mức chấp nhận được, vì DN thường huy động đến 5 năm, còn NH chỉ cho vay tối đa 3 năm. Hơn nữa, không phải DN nào cũng được vay NH với lãi suất rẻ. Những DN tốt thông thường vay trung hạn ở mức 9-11%/năm.
Những DN tiếp cận được vốn trung và dài hạn 6-7%/năm là những DN có dòng vốn lưu động hàng ngàn tỷ đồng trên tài khoản vãng lai mở tại chính NH đó. Khi đó, NH có thể sử dụng nguồn vốn trả lãi không kỳ hạn này để cho các đối tượng khác vay lại với lãi suất cao hơn. Vì lý do đó, NH mới áp dụng chính sách giảm lãi vay thấp cho những DN này.
Tuy nhiên, khi DN BĐS đẩy lãi suất huy động TPDN lên mức 13-14%/năm lại là một vấn đề đầy rủi ro và sẽ nguy hiểm nếu kéo dài. Bởi lâu nay, các DN BĐS chủ yếu hoạt động dựa vào vốn của các khách hàng, nhà đầu tư thứ cấp, hộ gia đình cá nhân là chính, còn lại một phần vốn vay NH. Nhưng Luật Kinh doanh BĐS 2018 đã kiểm soát chặt việc huy động vốn từ người dân. Một dự án chỉ được phép huy động vốn khi đã hoàn tất pháp lý đất đai, xây dựng, hoàn thành nghĩa vụ thuế, được Sở Xây dựng cấp tỉnh cấp giấy xác nhận đủ điều kiện huy động vốn… 
Hơn nữa, thời điểm này không dễ huy động tiền của người dân để triển khai dự án gối đầu. Trong khi đó, định hướng của NHNN là đẩy mạnh sự chuyển dịch sang cơ cấu tín dụng bền vững, giữ tỷ trọng vừa phải với khu vực cho vay BĐS. Điều này đã tạo ra áp lực cho những DN nhỏ đi vay tiền nóng thông qua TPDN lãi suất cao. 
Do vậy, nhà đầu tư cá nhân cần phải cẩn trọng, vì nếu rủi ro xảy ra nhà đầu tư phải hoàn toàn gánh chịu. TPDN chỉ an toàn khi các DN phát hành được công ty uy tín định giá để nhà đầu tư thấy rõ mức độ rủi ro như thế nào, có tương ứng với mức lãi suất mà DN trả, từ đó đưa ra quyết định.
Tuy nhiên, loại hình công ty này ở Việt Nam hầu như chưa có. Một vấn đề nữa cũng cần lưu ý, phát hành TPDN không loại trừ trường hợp DN phát hành mới để trả cho các khoản nợ của TPDN cũ, hoặc trả những khoản nợ đang vay tại NH; cũng không loại trừ tình trạng một số NH thay vì cấp tín dụng BĐS lại chuyển sang mua TPDN do DN BĐS phát hành. Đây là vấn đề cơ quan quản lý cần rà soát để tránh rủi ro về sau. 
Thời điểm hiện tại diễn biến lãi suất cao của TPDN cũng đã dấy lên những lo ngại từ phía nhà quản lý. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ mới đây đã lưu ý, nếu không kiểm soát tốt việc phát hành TPDN sẽ có rủi ro, ảnh hưởng tới thị trường tín dụng và cân đối vĩ mô.
Phó Thủ tướng yêu cầu rà soát quy định cụ thể phát hành TP riêng lẻ, theo hướng chỉ dành cho nhà đầu tư chuyên nghiệp có năng lực phân tích tài chính và khả năng đánh giá rủi ro. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán và NHNN rà soát, báo cáo tình hình TPDN để xem xét các dấu hiệu bất thường trong bối cảnh nhiều DN phát hành TP riêng lẻ với lãi suất cao. Nếu có bất thường, thiếu an toàn, thiếu minh bạch phải chấn chỉnh ngay.

Các tin khác