Trái phiếu vẫn là nỗi 'ám ảnh' của doanh nghiệp bất động sản

(ĐTTCO) - Theo số liệu thống kê, giá trị trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) được đánh giá có rủi ro cao sẽ chậm trả gốc, lãi trong năm 2024 khoảng 40.000 tỷ đồng (chiếm 19% lượng TPDN đáo hạn trong năm 2024).

Trái phiếu vẫn là nỗi 'ám ảnh' của doanh nghiệp bất động sản

Thị trường TPDN vẫn ảm đạm

Mới đây, CTCP Xếp hạng tín nhiệm đầu tư Việt Nam (VIS Rating) đã đưa ra báo cáo về góc nhìn thị trường TPDN năm 2024 với những nội dung đáng chú ý. Cụ thể, giá trị TP có rủi ro cao sẽ chậm trả gốc, lãi trong năm 2024 là 40.000 tỷ đồng, con số này thấp hơn đáng kể so với năm 2023 là 147.000 tỷ đồng. Xu hướng giảm này do dòng tiền từ hoạt động kinh doanh cải thiện và khả năng tiếp cận các nguồn tài chính mới tăng lên nhờ vào các chính sách hỗ trợ và môi trường lãi suất thấp.

Trong khi đó, báo cáo về thị trường TPDN của Công ty Chứng khoán MB (MBS) cũng ghi nhận, tổng giá trị TPDN phát hành thành công trong tháng 2 cũng ở mức khiêm tốn, ước đạt hơn 1.000 tỷ đồng, giảm tới 87% so với tháng trước, với 2 đợt phát hành duy nhất thuộc về CTCP Vận tải và Xếp dỡ Hải An, với giá trị phát hành 500 tỷ đồng, kỳ hạn 5 năm, lãi suất 6%/năm, và CTCP Đầu tư và Xây dựng xa lộ Hà Nội với giá trị phát hành 550 tỷ đồng, kỳ hạn 10 năm, lãi suất 10,1%/năm.

Lũy kế từ đầu năm đến nay, tổng giá trị TPDN phát hành đạt hơn 9.400 tỷ đồng, gấp 3 lần so với cùng kỳ; lãi suất bình quân 11,1%/năm, cao hơn so với mức trung bình 8%/năm của năm 2023.

Trong 2 tháng đầu năm, xây dựng - vật liệu xây dựng là nhóm ngành có giá trị phát hành cao nhất, với khoảng 5.800 tỷ đồng (cùng kỳ năm trước phát hành 110 tỷ đồng), chiếm tỷ trọng 62% so với tổng giá trị; lãi suất bình quân gia quyền 10,6%/năm, kỳ hạn bình quân 8,8 năm.

Các DN trong nhóm có phát hành giá trị lớn nhất bao gồm: CTCP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TPHCM (2.800 tỷ đồng), Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp (1.300 tỷ đồng), Công ty TNHH MTV BOT tỉnh Ninh Thuận (1.200 tỷ đồng).

Xếp sau là nhóm ngành bất động sản, với tổng giá trị phát hành đạt hơn 2.600 tỷ đồng (tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ), chiếm tỷ trọng 28%; lãi suất bình quân gia quyền 14%/năm, kỳ hạn bình quân 3 năm. Tổng giá trị phát hành thuộc về 2 doanh nghiệp: CTCP Đầu tư Văn Phú - Invest (650 tỷ đồng) và Tập đoàn Vingroup (2.000 tỷ đồng).

Dẫu vậy, trái ngược với lượng TP đã phát hành, hoạt động mua lại TPDN diễn ra ảm đạm trong các tháng đầu tiên của năm. Trong tháng 2, giá trị TP mua lại trước hạn ước tính khoảng hơn 1.900 tỷ đồng, giảm 60% so với tháng trước, do đây là diễn ra kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Lũy kế từ đầu năm đến nay, khoảng hơn 6.800 tỷ đồng TPDN đã được mua lại trước hạn, giảm 58% so với cùng kỳ.

MBS ước tính, có khoảng 200.000 tỷ đồng TPDN sẽ đáo hạn trong năm 2024 (đã trừ đi các khoản TPDN mua lại), tăng 4% so với năm trước, trong đó nhóm bất động sản và ngân hàng chiếm lần lượt 58% và 8%. Ngay trong quý I-2024, sẽ có khoảng 38.000 tỷ đồng TP đáo hạn. Tuy nhiên, áp lực đáo hạn mạnh nhất sẽ rơi vào quý II (74.000 tỷ đồng) và quý III (52.000 tỷ đồng).

Những TPDN rủi ro cao

Vẫn theo báo cáo của VIS Rating, có 17 trong số 35 tổ chức phát hành có rủi ro cao (chiếm khoảng 61% giá trị TP rủi ro chậm trả gốc, lãi) là các công ty phục vụ mục đích đặc biệt (SPEs), được thành lập chỉ cho mục đích huy động vốn, trong khi hầu như không có doanh thu và dòng tiền từ hoạt động kinh doanh. Những SPEs này có liên quan đến 6 nhóm công ty lớn, trong đó có 3 nhóm đã gặp tình trạng chậm trả gốc, lãi đối với các TP khác.

Theo tìm hiểu của ĐTTC, dựa trên dữ liệu Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) cho thấy, 2 tháng đầu năm có 12 DN chậm trả lãi hơn 833 tỷ đồng và 6 đơn vị chưa tất toán gần 5.300 tỷ đồng nợ gốc TP. Trong nhóm này chủ yếu là DN bất động sản, chậm hoàn thành các nghĩa vụ về TP.

Đơn cử CTCP Tập đoàn FLC, từ ngày 22-12-2023 đến ngày 28-12-2023, FLC phải thanh toán số gốc lô TP FLCH2123003 với giá trị gần 997 tỷ đồng và hơn 113 tỷ đồng tiền lãi. Tuy nhiên đến thời điểm ngày 28-12-2023 (ngày đáo hạn), FLC chưa thể thanh toán nợ cho lô TP này. Tổng cộng số tiền nợ 1.100 tỷ đồng.

Theo thông báo mới nhất, Công ty Đất Xanh Miền Nam đã chậm thanh toán lãi lần thứ 12 cho lô TP MNRCH2123001, với tổng số tiền lãi khoảng 19 tỷ đồng và gốc 150 tỷ đồng. Ngày dự kiến thanh toán gốc của TP này là 2-1, tuy nhiên công ty dự kiến kéo dài thời gian thanh toán cả gốc và lãi cho đến cuối năm 2024. Đây là lô TP phát hành vào ngày 31-12-2021 và đáo hạn vào ngày 31-12-2023, có tổng giá trị là 150 tỷ đồng, với chu kỳ trả lãi 1 tháng/lần.

Hoặc đối với CTCP Đầu tư và Phát triển Bất động sản An Gia (mã: AGG), tổng dư nợ TP của công ty tính đến thời điểm hiện tại khoảng 300 tỷ đồng và dự kiến được tất toán hết trong nửa đầu năm nay, đưa dư nợ về 0. Nguồn tiền chi trả đến từ việc thu tiền theo tiến độ đối với các sản phẩm đã bán tại dự án Westgate (Bình Chánh).

Bên cạnh đó, một số DN có kết quả kinh doanh năm 2023 bết bát với khoản lỗ lớn và nợ gấp nhiều lần, thì áp lực chuẩn bị nguồn tiền để trả nợ gốc và lãi TP trong năm 2024 càng tăng lên. Đơn cử, Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam Vinaconex (mã: VCG), hiện vẫn còn 1.300 tỷ đồng dư nợ gốc của lô TP mã VCGH2124011 (đáo hạn vào tháng 6-2024).

Đây là lô TP được công ty phát hành hồi tháng 6-2021, có tổng mệnh giá phát hành 2.500 tỷ đồng, đã được công ty mua lại trước hạn 1.200 tỷ đồng. Đáng chú ý, theo báo cáo tài chính quý IV-2023 của công ty này, lợi nhuận sau thuế của công ty thu về gần 132 tỷ đồng, so với cùng kỳ lỗ 38,4 tỷ đồng. Lũy kế năm 2023, lãi sau thuế chỉ hơn 336 tỷ đồng, giảm 64% so với năm trước và cũng là mức thấp nhất kể từ năm 2013.

Theo nhận định của VNDirect, TPDN nhóm bất động sản đáo hạn năm 2024 tăng khoảng 24% so với 2023. Áp lực dòng tiền TP đáo hạn vẫn là thách thức với bất động sản. Nguyên nhân bởi thị trường trầm lắng, việc tháo gỡ pháp lý các dự án chậm so với kỳ vọng khiến nhiều DN bất động sản vẫn chưa hết khó khăn.

Các tin khác