Trục lợi đất công
Một trong những doanh nghiệp để xảy ra nhiều sai phạm trong việc quản lý, sử dụng đất công điển hình tại TPHCM là Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn (Sagri). Theo đó, Sagri và Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu Nông lâm hải sản (100% vốn của Sagri) đã ký 10 hợp đồng góp vốn thành lập pháp nhân mới, để hợp tác đầu tư trên 24 khu đất rộng 1.900ha.
Những vụ việc tiêu cực liên quan đến đất công có sự cấu kết giữa tư nhân và người có thẩm quyền, nhằm hợp thức hóa việc biến tài sản công thành tài sản tư. Có những dự án sử dụng đất công nghe báo cáo rất đúng quy trình, nhưng soi lại ở một số điểm, một số giai đoạn lại cố ý thực hiện sai. Ở đó, luôn thấp thoáng bóng dáng cán bộ công chức có thẩm quyền và cá nhân có thế lực chi phối hoạt động của cơ quan nhà nước. Luật sư Trần Đức Phượng, Đoàn Luật sư TPHCM |
Trong số này, Sagri đã bàn giao 140ha của Công ty TNHH MTV Bò sữa TPHCM cho Công ty TNHH Nông nghiệp Trung Thủy Sagri, giao 450ha cho Công ty TNHH Nông nghiệp Vineco Sagri. Kiểm toán Nhà nước xác định, số đất này được giao khi chưa có văn bản chấp thuận của UBND TP, chưa có quyết định thu hồi và giao đất của cơ quan có thẩm quyền.
Tại khu đất số 7 Phạm Văn Hai (phường 1, quận Tân Bình), theo tìm hiểu dù trong hợp đồng thuê đất nêu rõ làm văn phòng và cửa hàng trưng bày giới thiệu sản phẩm, nhưng CTCP Cơ khí Ngân hàng (trực thuộc Ngân hàng Nhà nước) đã bắt tay với một đơn vị tư nhân mở nhà hàng để thu lợi bất hợp pháp.
Cụ thể, tháng 2-2009, Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM (TN-MT), đại diện UBND TP đã cho CTCP Cơ khí Ngân hàng thuê lại khu đất số 7 Phạm Văn Hai diện tích hơn 2.000m2, với giá chỉ 64.800 đồng/m2/năm, tương đương giá thuê cả khu đất khoảng 130 triệu đồng/năm, thời hạn thuê đất đến năm 2058. Tuy nhiên, mãi đến tháng 10-2015, thay vì sử dụng đất theo đúng hợp đồng đã ký, CTCP Cơ khí Ngân hàng và Chi nhánh Công ty TNHH Anh Em Anh Lễ - Nhà hàng Quê Nhà, lại cùng nhau mở nhà hàng ăn uống.
Đến tháng 4-2018, Thanh tra Sở TN-MT phát hiện, ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai đối với đơn vị này. Thanh tra xác định việc CTCP Cơ khí Ngân hàng tự ý cho Chi nhánh Công ty TNHH Anh Em Anh Lễ - Nhà hàng Quê Nhà, thuê lại tài sản gắn liền với đất được Nhà nước cho thuê để thu tiền hàng năm, là vi phạm pháp luật. CTCP Cơ khí Ngân hàng đã bị xử phạt hành chính 15 triệu đồng, và buộc phải nộp lại số tiền thu lợi bất hợp pháp gần 7,4 tỷ đồng.
Khu vực nhà hàng Quê Nhà tại góc ngã tư Phạm Văn Hai-Nguyễn Trọng Tuyển với diện tích 2.000m2 đã sử dụng sai mục đích.
Trao đổi với ĐTTC, ông Nguyễn Nam Hải, Trưởng phòng Quản lý Đô thị quận Thủ Đức, cho biết từ năm 2016 đã tiến hành rà soát tình trạng quản lý đất của 46 tổ chức với 49 mặt bằng trên địa bàn do các doanh nghiệp (trung ương, TP, quận) đang quản lý. Qua kiểm tra, UBND quận Thủ Đức ghi nhận trên địa bàn quận hiện có 25 mặt bằng sử dụng không đúng mục đích, chậm triển khai theo Luật Đất đai 2013.Tăng cường công tác quản lý
Theo ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN-MT TPHCM, giai đoạn 2011-2017, UBND TP đã ban hành 727 quyết định giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích đất với tổng diện tích hơn 2.663ha. Sau khi được giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích đất, có nhiều trường hợp chậm đưa vào sử dụng, ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng đất. TP đã phê duyệt phương án xử lý, sắp xếp 10.832 mặt bằng nhà đất, trong đó cho các đơn vị tiếp tục sử dụng 6.597 mặt bằng; tiến hành thu hồi 197 mặt bằng; cho bán nhà và chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng 1.597 mặt bằng.
Có thể thấy, công tác quản lý đất đai tại TPHCM thời gian qua đã bộc lộ nhiều kẽ hở, thiếu kiểm tra, giám sát, đã làm thất thoát tài sản nhà nước cũng như gây bức xúc trong nhân dân. Nhằm chấn chỉnh công tác quản lý đất đai trên địa bàn, UBND TP vừa chỉ đạo các sở ngành liên quan rà soát, kiểm tra đề xuất xử lý các dự án chậm triển khai; làm rõ trách nhiệm quản lý để xảy ra tình trạng lấn chiếm, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép, giao đất không đúng thẩm quyền.
Cụ thể, Sở TN-MT rà soát, đề xuất xử lý các công trình, dự án đã có quyết định thu hồi đất và phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư nhưng chưa triển khai thực hiện, nhất là các dự án, công trình trọng điểm và các trường hợp có quyết định thu hồi đất trước ngày 1-7-2014; tham mưu việc điều chỉnh hoặc hủy bỏ các dự án, công trình có trong kế hoạch sử dụng đất hàng năm đã quá 3 năm phải điều chỉnh, hoặc hủy bỏ thực hiện.
UBND các quận, huyện được giao đề xuất điều chỉnh hoặc hủy bỏ các dự án, công trình có trong kế hoạch sử dụng đất hàng năm đã quá 3 năm chưa thực hiện, dự án thu hồi đất, dự án có sử dụng đất lúa, đất rừng; tăng cường quản lý về đất đai tại địa phương, phát hiện và ngăn chặn kịp thời hành vi lấn, chiếm, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép, sử dụng đất sai mục đích hoặc chậm đưa đất vào sử dụng.
Các quận, huyện kiên quyết xử lý những trường hợp cho thuê, cho mượn trái phép, sử dụng không đúng mục đích, đối tượng, không lập hồ sơ cho thuê đất công ích hoặc hồ sơ không đầy đủ, rõ ràng, không thực hiện đăng ký đất đai.UBND TP giao thanh tra tăng cường thanh tra công tác quản lý nhà nước về đất đai tại các địa phương, cơ quan, đơn vị; đề xuất xử lý nghiêm người đứng đầu của các cơ quan, đơn vị buông lỏng quản lý để xảy ra tình trạng lấn chiếm, chuyển nhượng, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép, giao đất không đúng thẩm quyền; đôn đốc việc thực hiện các kết luận thanh tra, kiểm tra đã ban hành; giải quyết các tranh chấp, khiếu kiện đông người, kéo dài, gây mất trật tự xã hội, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế và môi trường đầu tư.