Trăn trở vấn đề nợ đọng xây dựng, Hiệp hội Nhà thầu xây dựng "cầu cứu" Thủ tướng

(ĐTTCO)-Theo Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam, nợ động đang khiến các doanh nghiệp xây dựng, đặc biệt doanh nghiệp vừa và nhỏ, đứng trước nguy cơ phá sản nếu không thu hồi được nợ...
Trăn trở vấn đề nợ đọng xây dựng, Hiệp hội Nhà thầu xây dựng "cầu cứu" Thủ tướng

Tại hội nghị toàn quốc giữa Thủ tướng và doanh nghiệp diễn ra sáng 11/8, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam, chia sẻ một loạt trăn trở, vướng mắc chính của ngành, trong đó có vấn đề nợ đọng xây dựng. 

Theo ông Hiệp, các doanh nghiệp xây dựng Việt Nam có khoảng 90% là doanh nghiệp vừa và nhỏ quy mô vốn dao động dưới 100 tỷ đồng. Các doanh nghiệp lớn trong ngành chũng phổ biến quy mô vốn từ 500-1.000 tỷ và chưa có tới 10 doanh nghiệp vốn trên 1.000 tỷ. Trong khi đó, nợ đọng không thanh toán được khá phổ biến ở tất cả các doanh nghiệp.

"Tất cả doanh nghiệp gồm cả các tổng công ty, tập đoàn xây dựng hầu hết đều có nợ đọng từ vài trăm đến vài nghìn tỷ, trong khi vốn eo hẹp phải vay ngân hàng để trang trải thi công với lãi suất thông thường khoảng 9-10%/năm. Do đó, có những tập đoàn một quý năm 2022 đạt doanh thu đến 3.000 tỷ nhưng hiệu quả chỉ đạt xấp xỉ 10 tỷ", ông Hiệp cho biết.

Theo ông, chính vì những khoản nợ đọng này nên các doanh nghiệp xây dựng, đặc biệt doanh nghiệp vừa và nhỏ, đứng trước nguy cơ phá sản nếu không thu hồi được nợ.

Đại diện Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam chỉ rõ hai loại nợ đọng.

Thứ nhất là nợ công trình vốn đầu tư công. Các khoản nợ này chủ yếu từ các công trình đã kết thúc 2-3 năm trước nhưng chưa quyết toán và thanh toán được do có phát sinh hoặc do hồ sơ thanh toán chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt nên vẫn còn tồn đọng.

Thứ hai là nợ vốn đầu tư ngoài ngân sách. Do một số chủ đầu tư chây ì cố tình không thanh quyết toán đặc biệt ở 25% cuối của dự án, mặc dù đã đưa vào khai thác sử dụng.

Do đó, Hiệp hội đưa ra một loạt đề xuất với Thủ tướng Chính phủ về vấn đề này.

Cụ thể, đối với vốn đầu tư công, ông Hiệp đề nghị Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính rà soát lại các chủ đầu tư vốn ngân sách để thống kê chính xác số lượng nợ tồn xây dựng trong các năm trước, báo cáo Thủ tướng phương án cắt hết các nợ dồn toa để giải quyết dứt điểm cho các nhà thầu.

Đối với vốn đầu tư ngoài ngân sách, đại diện Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam đề nghị Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng nghiên cứu chế tài yêu cầu chủ đầu tư phải có bảo lãnh thanh toán của ngân hàng cho 20% vốn thanh toán cuối dự án, khi dự án kết thúc để đảm bảo sự bình đẳng cho các nhà thầu với chủ đầu tư.

"Trước mắt, có chế tài cụ thể để cơ quan chức năng giải quyết cho các khoản nợ đọng kể cả biện pháp công bố tình trạng chây ì thanh toán của một số chủ đầu tư", ông Hiệp kiến nghị.

Ngoài vấn đề nợ đọng, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam cũng nêu thực trạng về đơn giá – định mức trong các công trình xây dựng hiện nay. Đó là hiện tại các công trình, đặc biệt là công trình vốn đầu tư công, đều sử dụng hệ thống đơn giá định mức do Bộ Xây dựng ban hành làm căn cứ cho cả khâu lập tổng mức đầu tư và thanh toán cho các dự án ở tất cả các loại hình công việc.

Tuy nhiên, do trình độ công nghệ trong nước phát triển rất nhanh nên một số công việc không có định mức, một số công việc định mức đã trở nên lạc hậu không cập nhật kịp thời với giá thực tế nên dẫn tới những khó khăn cho các nhà thầu, đặc biệt với khu vực đầu tư công.

Đối với tình trạng một số doanh nghiệp xây dựng không muốn đảm nhận các dự án đầu tư công, Hiệp hội đề nghị Thủ tướng giao Bộ Xây dựng cùng với các hiệp hội doanh nghiệp nghiên cứu bổ sung, thay đổi hệ thống định mức đơn giá theo lộ trình.

"Trước mắt, bổ sung các định mức chưa có và điều chỉnh từng bước cậpp nhật với công nghệ xây dựng mới đồng thời chuyển hướng dần theo hướng xây dựng đơn giá tổng hợp để lập tổng mức đầu tư cho các dự án, bỏ dần hệ thống định mức chi tiết", ông Hiệp kiến nghị.

Đại diện Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam cũng đề xuất có chế tài với các địa phương trong việc công bố các chỉ số giá vật liệu không cập nhật với giá thị trường.

Cũng chia sẻ tại hội nghị về vấn đề nguồn vốn tín dụng và lãi suất, ông Hiệp cho biết các doanh nghiệp xây dựng đại đa số là các doanh nghiệp vừa và nhỏ quy mô vốn hạn hẹp, khi thực hiện các Hợp đồng xây dựng phần lớn chỉ được tạm ứng 10-15% giá trị hợp đồng nên khi triển khai thực hiện phải sử dụng vốn tín dụng ngân hàng để mua vật tư, huy động xe máy, nhân công.

"Thực chất công trường xây dựng cũng phải lo sản xuất, lo đời sống, công ăn việc làm cho người lao động không khác gì một nhà máy. Nhưng tín dụng cho các doanh nghiệp xây dựng lại hoàn toàn chưa được ưu tiên như cho sản xuất, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay nhiều ngân hàng bị xiết room tín dụng nên tín dụng cho doanh nghiệp xây dựng cũng bị hạn chế và mặt bằng lãi suất còn cao", ông Hiệp cho biết.

Do đó, Hiệp hội đề xuấtThủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước có hướng dẫn bổ sung những ưu tiên hợp lý cho tín dụng xây dựng, đặc biệt là các dự án trọng điểm theo quan điểm hỗ trợ cho sản xuất.

"Chúng tôi cũng tin tưởng chắc chắn nếu các vướng mắc này sớm được tháo gỡ, các dự án đầu tư công, đặc biệt các dự án hạ tầng kỹ thuật trọng điểm, sẽ được đẩy nhanh góp phần tích cực vào việc phục hồi phát triển kinh tế toàn xã hội", Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam bày tỏ.

Các tin khác