Trình độ phát triển ở gần mức trung bình cao nhưng còn nhiều đặc trưng của nước thu nhập trung bình thấp. Tuy nhiên, chỉ trong vòng gần 20 năm, Nhật Bản chuyển hẳn lên vị trí của nước có thu nhập cao, trở thành cường quốc công nghiệp vào thập niên 1970.
Kinh nghiệm Nhật Bản
Giai đoạn 1955-1973 được gọi là thời đại phát triển cao độ. Đặc trưng của giai đoạn này là phát triển trung bình 10%/năm kéo dài gần 20 năm, để “6.000 ngày làm thay đổi nước Nhật”. Các yếu tố kích thích kinh tế phát triển ngoạn mục có thể giải thích ở một số điểm. Đó là tỷ lệ đầu tư/GDP cao, chủ yếu là khu vực tư nhân; đầu tư đi liền với cách tân công nghệ qua đổi mới thiết bị và tích cực du nhập công nghệ.
Trong giai đoạn này (và kéo dài đến năm 1980), tỷ lệ đầu tư tư nhân luôn cao hơn đầu tư chính phủ và xu hướng tăng, từ tỷ lệ 28,1% đầu tư chính phủ và 71,9% tư nhân năm 1955, đến năm 1980 tương ứng là 22,2% và 77,8%.
Việt Nam có thể phát triển tốc độ cao, vượt qua bẫy thu nhập trung bình dễ dàng nếu có chiến lược tận dụng tiềm năng đang có và lợi thế nước đi sau. Dư địa để tăng năng suất là chuyển dịch lao động từ nông sang công nghiệp, từ khu vực cá thể sang hình thức tổ chức DN hiện đại, tăng quy mô DN đang quá nhỏ hiện nay; khuyến khích du nhập công nghệ, kết hợp với phát triển thị trường vốn sẽ thúc đẩy đầu tư công nghệ, tăng năng suất. |
Các ngành truyền thống như thép, đóng tàu cũng cách tân công nghệ chiếm vị trí hàng đầu thế giới về năng suất và chất lượng. Kết quả là năng suất lao động tăng nhanh nhờ phân bổ lại lao động, tăng quy mô nhà máy và cải tiến công nghệ. TFP (chỉ tiêu đo lường năng suất của đồng thời cả lao động và vốn trong một hoạt động cụ thể hay cho cả nền kinh tế) đóng góp phần lớn vào tốc độ tăng trưởng ngoạn mục của nền kinh tế. Thị phần của Nhật Bản trên thị trường xuất khẩu hàng công nghiệp thế giới tăng từ 4,2% lên 11,3%; riêng trong các loại máy móc tăng từ 1,7% lên 12,5%...
Chính sách công nghiệp Nhật Bản đối với các ngành cụ thể được chọn lựa, công cụ chính sách là các kế hoạch, luật hoặc pháp lệnh lâm thời chỉ có hiệu lực trong thời gian ngắn (5 năm). Chẳng hạn, chính sách nuôi dưỡng ngành hóa dầu (1955), Luật Lâm thời chấn hưng công nghiệp máy móc (1956), Luật Công nghiệp điện tử (1957), Luật Phát triển các ngành cơ khí (1957) để thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ. Chính sách hỗ trợ có thời hạn rất quan trọng.
Ngoài chính sách cho một số ngành cụ thể còn có chính sách chung cho các ngành nhằm tạo môi trường, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy DN ứng dụng công nghệ, đầu tư vào những lĩnh vực mới, tăng năng lực cạnh tranh trên thị trường thế giới; tạo điều kiện cho DNNVV tiếp cận vốn, công nghệ với việc lập quỹ cho DNNVV vay (1953), và phần lớn vốn đầu tư của DNNVV là từ hệ thống tín dụng hiện đại.
Chiến lược tăng năng suất
Chiến lược tăng năng suất
Đặc trưng của kinh tế Việt Nam hiện nay là lao động dư thừa trong nông nghiệp và khu vực kinh tế cá thể còn rất lớn. Vì thế, dư địa tăng năng suất qua tái phân bổ nguồn lao động rất lớn.
Bên cạnh đó, tỷ lệ đầu tư không thấp nhưng cơ cấu không hiệu quả. DNNN giữ vị trí cao và được ưu đãi về vốn, về đất đai, trong khi DN tư nhân nhỏ bé, bất lợi trong thị trường các yếu tố sản xuất như vốn, đất đai. Do đó, cải cách thể chế trong thị trường yếu tố sản xuất và khu vực DN sẽ tăng hiệu quả sử dụng nguồn lực, tăng năng suất.
DN FDI hiện chiếm vị trí lớn nhưng chất lượng đầu tư còn thấp, ít tác động đến sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Vì vậy, cần phải thay đổi chiến lược thu hút vốn FDI để góp phần tăng năng suất. Mặt khác, liên kết hàng dọc giữa DN FDI và DN trong nước còn quá yếu nên tác động lan tỏa công nghệ, tri thức kinh doanh đến nền kinh tế cũng chưa được nhiều. Điều này đòi hỏi có chiến lược tăng liên kết hàng dọc sẽ tăng năng suất khu vực DN trong nước.
Tuy nhiên, do tư nhân Việt Nam có quy mô quá nhỏ, năng suất thấp, đã kéo theo không có năng lực xuất khẩu và không kết nối được với chuỗi giá trị toàn cầu của các công ty đa quốc gia; không đổi mới thiết bị, không có đầu tư lớn để ứng dụng công nghệ vảo sản xuất để tăng sức cạnh tranh.
Đối với một nước còn ở mức thu nhập trung bình, nhất là trung bình thấp, công nghiệp là khu vực năng động nhất, năng suất cao nhất và dư địa cho đổi mới cũng lớn nhất. Do đó, cần đẩy mạnh công nghiệp hóa theo hướng hiện đại sẽ thu hút lao động dư thừa trong nông nghiệp, sẽ “phá hoại một cách sáng tạo” khu vực kinh tế cá thể làm cho năng suất lao động tăng nhanh. Công nghiệp hóa không tiến triển, lao động sẽ chuyển sang các ngành dịch vụ giá trị thấp.
Vấn đề của Việt Nam trong công nghiệp hóa là sắp hết giai đoạn dân số vàng, nhưng công nghiệp hóa Việt Nam còn ở vị trí thấp trong nền kinh tế và ở giai đoạn thấp trong chuỗi giá trị sản phẩm.
Với lực lượng lao động của một quốc gia sắp đạt 100 triệu dân, cần đẩy mạnh công nghiệp hóa trong diện vừa rộng vừa sâu mới tránh hiện tượng giải (hậu) công nghiệp quá sớm.
Về diện rộng, 2 lĩnh vực có thị trường lớn và Việt Nam có lợi thế và thu hút nhiều lao động là các loại máy móc và công nghiệp thực phẩm. Về thâm sâu, quá trình công nghiệp hóa, xuất phát từ lắp ráp, chế biến tiến sâu vào sản phẩm trung gian để tăng giá trị tính thêm.
Cùng với đó là cải thiện thị trường lao động, thị trường vốn để các nguồn lực di chuyển đến các khu vực có năng suất cao. Không phải chỉ khuyến khích khởi nghiệp mà còn có chính sách nuôi dưỡng để mỗi DN sớm đạt quy mô. Những ngành công nghiệp nhẹ như dệt may… cũng phải tăng quy mô DN mới tăng năng suất, tăng sức cạnh tranh.
Theo đó, Việt Nam cần khuyến khích DN đẩy mạnh đầu tư công nghệ mới, thay đổi chiến lược thu hút FDI theo hướng ưu tiên những dự án thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu công nghiệp, liên doanh với DN trong nước với mạng lưới cung ứng toàn cầu.