Trung Quốc tiên phong
Theo Cục SHTT Trung Quốc (CNIPA), quốc gia này đã có được một hệ sinh thái gồm: văn phòng SHTT, tổ chức tài chính, đơn vị định giá SHTT và công ty bảo hiểm. Hệ sinh thái này cho phép các công ty lấy SHTT làm tài sản thế chấp để vay vốn với quy mô 309,8 tỷ nhân dân tệ (tương đương 43,69 tỷ USD) vào năm 2021.
Hoạt động này cho đến nay đã bao phủ 17.000 dự án, mang lại lợi ích cho 15.000 doanh nghiệp. Đây cũng là quốc gia có thị trường SHTT lớn nhất châu Á hiện nay.
Theo Xinming Ma, CEO công ty định giá Beijing Zhongjinhao Assets Appraisal, có 4 lý do chính giúp Trung Quốc vượt xa các nước khác trong khu vực về thị trường SHTT. Thứ nhất, các cơ quan Chính phủ Trung Quốc bao gồm CNIPA, Cục Khoa học và Công nghệ, Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin, Cục Giám sát Tài chính… đã hỗ trợ mạnh mẽ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ về chính sách tài chính SHTT, làm tài sản thế chấp và chứng khoán hóa SHTT.
Thứ hai, các tổ chức tài chính, công ty bảo lãnh, công ty bảo hiểm, cơ quan đánh giá SHTT và cơ quan dịch vụ SHTT, đã tạo ra một số mô hình sáng tạo có lợi cho sự phát triển của thị trường tài chính SHTT. Các đơn vị này nỗ lực thúc đẩy thị trường này đạt được sự phát triển toàn diện, quy mô lớn và thường xuyên, bao phủ và tiếp cận nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ dựa trên công nghệ hơn.
Thứ ba, các cơ quan đánh giá và dịch vụ đã phát triển các công cụ và mô hình kiểm soát và đánh giá rủi ro. Thậm chí, thị trường SHTT của Trung Quốc đã đưa lên chương trình nghị sự của các công ty, thúc đẩy việc cải thiện dần dần các chuẩn mực và hệ thống tiêu chuẩn có liên quan để đánh giá giá trị của SHTT.
Tháng 12-2018, Trung Quốc đã chào đón chứng khoán được bảo đảm bằng SHTT đầu tiên, sau khi Sở Giao dịch Chứng khoán Thượng Hải và Sở Giao dịch Chứng khoán Thâm Quyến cùng thí điểm chứng khoán hóa SHTT. Theo đó, mỗi bên đều chấp thuận một sản phẩm chứng khoán hóa, phát hành tổng cộng 1,2 tỷ nhân dân tệ. Đến cuối năm 2023, có 150 sản phẩm chứng khoán hóa SHTT đã được phát hành trên toàn quốc và tổng số tiền phát hành đạt 33 tỷ nhân dân tệ.
Hàn Quốc tăng tốc
Tuy nhiên, sự gia tăng lớn nhất của các dịch vụ tài chính SHTT tại châu Á chính là Hàn Quốc. Quốc gia này đặt mục tiêu tăng quy mô thị trường tài chính SHTT của mình lên 12.200 tỷ won vào năm 2026. Điều này có nghĩa đưa một thị trường có giá trị từ 1,9 tỷ USD vào năm 2021 lên mức 14,7 tỷ USD (tăng 773%).
Theo Hiệp hội Xúc tiến sáng chế Hàn Quốc (KIPA), tổng số dư tài chính SHTT được phát hành từ năm 2018 đến năm 2021 lên tới 6.900 tỷ won. Các lĩnh vực chứng kiến khoản đầu tư lớn nhất dựa trên bằng sáng chế của họ là ô tô, chất bán dẫn và công nghệ sinh học.
Kết quả này phần lớn là nhờ vào nỗ lực của chính phủ và Văn phòng SHTT Hàn Quốc (KIPO). Hồi đầu năm, KIPO cho biết sẽ tập trung vào các SHTT là bằng sáng chế và phát minh, nhưng cũng đang đặt nền tảng để đưa các loại SHTT khác vào bằng cách thực hiện một nghiên cứu về mô hình định giá nhãn hiệu.
KIPO gần đây cũng đã ra mắt Trung tâm Quản lý định giá SHTT, nơi khảo sát một mẫu từ danh sách kết quả định giá cho SHTT được chọn ngẫu nhiên để chẩn đoán chất lượng. Các công ty cũng sử dụng công cụ đánh giá bằng sáng chế 'SMART 3' của KIPA, và sẽ sớm có quyền truy cập vào hệ thống định giá dựa trên trí tuệ nhân tạo (AI) của KIPO.
Trên thực tế, các tổ chức cho vay tư nhân hàng đầu, được chính phủ hỗ trợ, bao gồm Woori Venture Partners, Shinhan và KEB Hana… đang giúp thúc đẩy tăng trưởng thị trường SHTT. Tuy nhiên, điều quan trọng là KIPA có hàng trăm chuyên gia, bao gồm các kỹ sư, luật sư về bằng sáng chế và kế toán, những người thực hiện định giá công nghệ cho các công ty.
Bên cạnh đó, họ còn đóng vai trò kết nối doanh nghiệp với các tổ chức cho vay, khuyến khích họ tận dụng nguồn tài chính SHTT. Thậm chí, nếu công ty vỡ nợ, khoản vay được bảo đảm bằng SHTT sẽ được KIPA mua lại, thông qua một cơ quan hỗ trợ phục hồi do chính phủ tài trợ một phần, giúp giảm thiểu rủi ro cho các tổ chức tài chính.
Năm 2022, hơn 80% các khoản vay được bảo đảm bằng SHTT tại Hàn Quốc đã được mở rộng cho các doanh nghiệp có xếp hạng tín dụng thấp. Điều này có nghĩa là các công ty có tài sản SHTT có giá trị, nhưng khả năng tín dụng hạn chế có thể sử dụng các quyền SHTT chất lượng cao làm tài sản tài chính có giá trị.
Gần đây, có một xu hướng mới là các tổ chức tài chính thành lập các quỹ đầu tư SHTT mà không cần trung gian là chính phủ. Nhờ đó, khu vực tư nhân sẽ ngày càng tham gia nhiều hơn vào các quỹ tư nhân dành cho SHTT, giúp giảm thiểu rủi ro bị sử dụng sai mục đích.
Các quốc gia còn lại
Thị trường định giá SHTT của Nhật Bản cũng bắt đầu khởi sắc trong những năm gần đây. Đặc biệt là sau khi Nhật Bản trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới, yêu cầu các doanh nghiệp niêm yết công khai phải phản ánh giá trị SHTT của họ trên bảng cân đối kế toán. Một số công ty trên khắp Nhật Bản như Asics Corp, Kyocera, Asahi Kasei, NEC, NTT, Bridgestone… đã sử dụng yêu cầu công bố thông tin này như một cơ hội để thu hút đầu tư.
Tại Singapore, chính phủ nước này gần đây đã đưa ra một bản thiết kế trong chiến lược SHTT 2030, nhằm thu hút các doanh nghiệp sáng tạo với các chương trình hỗ trợ và xây dựng lòng tin và uy tín trong định giá.
Một ví dụ là việc Văn phòng SHTT Singapore và Cơ quan Quản lý kế toán và doanh nghiệp Singapore, ra mắt Khung công bố thông tin vô hình đầu tiên trên thế giới vào tháng 9-2023, nhằm mục đích thúc đẩy thông tin nhất quán và có thể so sánh được về các tài sản vô hình, tạo điều kiện cho các cơ hội tài trợ và giao dịch SHTT.
Singapore cũng có kế hoạch phát triển một bộ hướng dẫn định giá chuẩn hóa, để giúp các bên liên quan hiểu rõ hơn và xây dựng lòng tin vào việc định giá các tài sản vô hình.
Trong khi đó, Indonesia đã đưa ra một quy định tài trợ SHTT mới có hiệu lực vào tháng 7-2023, cho phép các doanh nghiệp sử dụng SHTT của mình làm tài sản thế chấp để vay vốn từ các ngân hàng và tổ chức tài chính phi ngân hàng.
Nếu công ty vỡ nợ, khoản vay được bảo đảm bằng SHTT sẽ được KIPA mua lại, thông qua một cơ quan hỗ trợ phục hồi do chính phủ tài trợ một phần, giúp giảm thiểu rủi ro cho các tổ chức tài chính.