Người lao động khó khăn do dịch Covid-19 nhận quà hỗ trợ. Ảnh: BÙI ANH TUẤN
Lấy danh sách đến đâu chi trả đến đó
Hiện các phường, xã trên địa bàn TPHCM đang nhanh chóng triển khai hỗ trợ tiền cho người lao động tự do và hộ kinh doanh bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 theo Nghị quyết 09 của HĐND TPHCM. Nhiều địa phương đã tổ chức thực hiện theo phương thức cuốn chiếu, tổ dân phố lấy danh sách đến đâu địa phương sẽ chi trả đến đó, thủ tục chi trả đơn giản, nhanh gọn, với mục tiêu chính là không để người lao động gặp khó khăn phải chờ đợi.
Anh Trần Quốc Hậu (ngụ đường Thống Nhất, phường 10, quận Gò Vấp) phấn khởi khi nhận được khoản hỗ trợ 1,5 triệu đồng, nói: “Tôi làm nghề bảo vệ cho một cửa hàng bán quần áo, bị mất việc làm từ đầu tháng 6. Gia đình rất túng thiếu, vay mượn khắp nơi. Vừa qua, tổ dân phố đến ghi danh sách để hỗ trợ, và sau 7 ngày thì nhận được tiền trợ cấp”. Chị N.T. (ngụ hẻm 73/4, đường Miếu Bình Đông, khu phố 26, phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân) cho hay: “Dãy trọ nơi tôi ở có khoảng 30 phòng, nhiều hộ gia đình mất việc làm, thất nghiệp do dịch bệnh. Cách đây 2 tuần, tổ trưởng dân phố có tới dãy trọ lấy danh sách các hộ gia đình khó khăn để hỗ trợ và đến nay người dân đã nhận được khoản trợ cấp 1,5 triệu đồng/người”.
Bên cạnh đó, nhiều địa phương cũng vận động nhà hảo tâm tổ chức trao tặng quà, hỗ trợ thực phẩm thiết yếu đến những hộ dân trong khu vực phong tỏa, cách ly y tế hoặc các hộ tạm trú, mất việc làm, có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch. Khi toàn phường 19, quận Bình Thạnh bị phong tỏa tạm thời, bà Lê Thị Ngọc Bối (Tổ trưởng tổ dân phố 46, khu phố 3) đã cùng các nhà hảo tâm đến từng nhà trong khu phố hỗ trợ thực phẩm. Nhiều người dân mất việc làm, mất thu nhập trên địa bàn cũng được kịp thời giúp đỡ. “Từ khi giãn cách xã hội đến nay tôi không có khoản thu nhập nào nhưng không bị đói. Ngày nào cũng được các nhà hảo tâm, tổ trưởng phát suất ăn từ thiện. Vừa rồi, tôi đã được chú tổ trưởng đến tận nhà trao tiền hỗ trợ”, ông Lê Đức Linh, chạy xe ôm ở chợ Thị Nghè (quận Bình Thạnh) cho biết.
Nhanh chóng rà soát
Con hẻm 75 thuộc tổ dân phố 43B, khu phố 6, phường Hiệp Bình Chánh (TP Thủ Đức) vừa được dỡ phong tỏa tạm thời cách đây vài ngày. Nhiều hộ dân nơi đây tỏ ra vui mừng nhưng cũng lo lắng. Bà Trương Thị Gái (nhà số 75/7, tổ dân phố 43B) trầm ngâm: “Hơn tháng nay cả nhà tôi đều nhịn ăn sáng. Ăn trưa phần lớn mì tôm là chính. Từ khi giãn cách xã hội đến nay, cả khu vực 5 căn nhà cấp 4 liền kề với gần 30 nhân khẩu chưa được trợ cấp gì”.
Còn chị Trương Thị Thanh Thủy (cháu bà Gái) cho biết: “Tôi bị mất việc làm từ ngày giãn cách xã hội. Công ty yêu cầu có giấy xác nhận bị phong tỏa để được hỗ trợ 70% lương nhưng nhiều lần tôi liên hệ với tổ trưởng tổ dân phố vẫn chưa được giải quyết. Biết gói hỗ trợ của thành phố, chúng tôi cũng đăng ký nhưng mấy đợt rồi mà chưa có tên trong danh sách”. Cách đó không xa, đời sống người dân hẻm 69 cũng khó khăn. Bà Trần Thị Kim Thoa (cư dân hẻm 69) cho biết, hơn 10 hộ dân bị phong tỏa nhưng đến nay chưa nhận được sự hỗ trợ nào.
Tương tự, tại huyện Bình Chánh, chị Võ Thị Kim Hiền (giáo viên mầm non, ngụ A4/18D, tổ 27, ấp 1B, xã Vĩnh Lộc) than thở: “Tôi tạm nghỉ dạy học từ đầu tháng 5 nhưng đến thời điểm hiện tại vẫn chưa nhận được khoản trợ cấp nào, chưa nghe thông tin hỗ trợ từ chính quyền địa phương. Hai vợ chồng thất nghiệp nhiều tháng nay, không có nguồn thu nhập, lại có thêm con nhỏ nên rất khó khăn”.
Anh Nguyễn Cao Kỳ (31 tuổi, ngụ tại số 308 đường Nguyễn Thị Kiểu, phường Hiệp Thành, quận 12) cũng cho biết: “Tôi làm nghề lái xe công nghệ, đã nghỉ chạy xe hơn tháng nay. Tổ dân phố có đến ghi danh sách nhận hỗ trợ, nhưng đã gần 2 tuần qua vẫn chưa nhận được trợ cấp hay thông tin phản hồi”.
Theo Sở LĐTB-XH TPHCM, các gói hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo Nghị quyết 09 và gói 26.000 tỷ đồng của Chính phủ đều thực hiện cho người dân có đăng ký tạm trú. Tính đến nay, tổng kinh phí đã duyệt chi là trên 932,4 tỷ đồng, hỗ trợ hàng trăm ngàn lao động, hộ kinh doanh. Tuy nhiên, thực tế nhiều người lao động nghèo đang sinh sống ở các khu nhà trọ, xóm lao động nghèo, khu vực bị phong tỏa, các hộ nghèo, cận nghèo không có việc làm và cũng không có tích lũy trước đó nên đang rất khó khăn giữa mùa dịch.
Trong đó, nhiều người không có tạm trú. Vì vậy, cần sớm xem xét, rà soát các trường hợp người dân khó khăn để hỗ trợ bằng nguồn ngân sách TPHCM cũng như nguồn Quỹ phòng chống dịch Covid-19 và các nguồn vận động hợp pháp khác để người dân có thể tiếp tục duy trì cuộc sống trong thời gian giãn cách. Mặt khác, cần nêu cao trách nhiệm của chính quyền cơ sở trong việc kịp thời rà soát, xác minh, hỗ trợ công bằng, trợ giúp người dân qua giai đoạn khó khăn này.