VinaCapital gọi vốn từ nước ngoài và đầu tư vào các doanh nghiệp trong nước, không phải như một số người cho rằng chúng tôi đầu tư vào các công ty nước ngoài. Điều này thể hiện qua các thương vụ đầu tư lớn của VinaCapital đều với doanh nghiệp Việt Nam. Thí dụ, thương vụ đầu tiên của VinaCapital là đầu tư vào Kinh Đô.
Trước đây, Kinh Đô là công ty bánh kẹo nhỏ, không cạnh tranh được với một số công ty của Thái Lan do bao bì, mẫu mã của họ rất đẹp. Kinh Đô muốn đầu tư dàn máy mới để làm mẫu mã đẹp hơn. Nhận thấy nhu cầu đó, VinaCapital đã rót vào Kinh Đô vài triệu USD.
Thí dụ thứ 2 là Hòa Phát. Khoảng 10 năm trước, Hòa Phát là một công ty nhỏ, chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán. Hòa Phát muốn nguồn vốn lớn lâu dài, ổn định để đầu tư sản xuất thép.
Thời điểm đó, mọi người đều biết chi phí vốn ngân hàng cao hơn vốn Hòa Phát lấy của chúng tôi. Chúng tôi đầu tư cho Hòa Phát cũng như Kinh Đô, mục đích là giúp doanh nghiệp Việt Nam phát triển dài hạn.
Tóm lại, chúng tôi dùng vốn đầu tư nước ngoài nhưng tập trung đầu tư vào các công ty Việt Nam để họ phát triển. Lý do, lúc đó thậm chí cả thời điểm hiện nay, Việt Nam vẫn không có thị trường vốn trung và dài hạn cho doanh nghiệp. Bạn không thể xây nhà máy 10 năm nhưng lại đi vay vốn 3-4 năm.
PHÓNG VIÊN: - Tại sao VinaCapital lại thường đầu tư lâu dài và ông có khuyến cáo gì với các nhà đầu tư cá nhân?
Ông DON LAM: - Quan điểm của chúng tôi là đầu tư vào công ty tốt, có tiềm năng và không suy nghĩ về thị trường nhiều lắm. Bạn có công ty tốt, tôi đầu tư, còn thị trường lên, xuống chỉ là ngắn hạn, 6 tháng này giá cổ phiếu xuống, 6 tháng sau lên, chúng tôi không quan tâm.
Tôi nghĩ rằng đối với những người không chuyên nghiệp đừng tập trung vào các diễn biến của thị trường. Quan sát diễn biến thị trường hàng ngày dành cho nhà đầu tư chuyên nghiệp vì phải thay đổi rất nhanh mới lãi. Nếu không hiểu biết lắm, chỉ theo guồng để đầu tư sẽ rất nguy hiểm.
Nghĩa là, nếu đầu tư nên nhìn 5-10 năm, đừng có nghĩ 5-10 tháng vì điều đó không hiệu quả. Thậm chí, nhìn bảng giá cổ phiếu hàng ngày, lúc giá cổ phiếu xuống, nóng lòng bán, sau đó tăng mua lại không kịp.
- Vậy chiến lược đầu tư của VinaCapital hiện có thay đổi để phù hợp với tình hình mới, thưa ông?
Nếu bạn cho tôi thấy cách giải quyết được những vấn đề cụ thể, khoản đầu tư dù 500.000USD hay 5 triệu USD không quan trọng. |
Ngoài ra, năm nay VinaCapital sẽ đầu tư mảng mới là năng lượng sạch. Ở lĩnh vực mới này có 3 mảng gồm điện mặt trời, điện gió và điện khí (gas), trong đó chúng tôi tập trung vào gas. Lý do VinaCapital tập trung vào gas là Việt Nam sẽ thiếu điện và điều này rất nguy hiểm.
Mặt khác, Việt Nam kêu gọi đầu tư nước ngoài (FDI), trong khi các doanh nghiệp FDI sản xuất cần điện ổn định, nếu không sẽ bị ảnh hưởng ngay lập tức. Nếu 1 nhà máy phát điện công suất 1.000MW phải mua 500 triệu USD tiền gas/năm.
Theo tôi biết, vấn đề này Việt Nam đang rất ủng hộ. Đây sẽ là mảng đầu tư mới bên tôi tập trung đầu tư. Bên cạnh đó, theo công nghệ hiện nay, điện gas rất hiệu quả, vì giá gas đang giảm trên toàn cầu và Mỹ đang xuất khẩu rất nhiều. Việt Nam cũng cần phải nhập gas từ Mỹ để giảm thâm hụt về thương mại, không thể giảm bằng “lúc nào cũng mua máy bay Mỹ được”.
- Còn mảng công nghệ, startup thì sao và VinaCapital có ưu tiên lĩnh vực đầu tư, thưa ông?
- Về đầu tư mảng công nghệ, cách đây hơn 3 năm, trước khi Grab và Uber vào, Việt Nam không ai dùng app. Sau khi dùng Grab và Uber qua app đặt xe nhiều và thành thói quen. Thuận lợi ở Việt Nam là thị trường lớn, thời gian sử dụng app của người Việt rất cao, trong đó có lý do quan trọng là dùng internet ở Việt Nam rất rẻ. Cước internet ở Việt Nam có thể gọi là giá thấp nhất thế giới.
Chúng tôi đã chuẩn bị nguồn vốn 100 triệu USD cho lĩnh vực công nghệ. Việc đầu tư này dựa trên nhu cầu thị trường cũng như chính kinh nghiệm và thành quả của VinaCapital. VinaCapital không tập trung vào lĩnh vực cụ thể nào.
Quan điểm của chúng tôi là đầu tư vào những công ty có thể tạo ra các giải pháp công nghệ để xử lý những vấn đề hàng ngày. Nghĩa là, nếu bạn cho tôi thấy cách giải quyết được vấn đề đó, khoản đầu tư dù 500.000USD hay 5 triệu USD không quan trọng. Bên cạnh đó, bây giờ các công ty công nghệ phải có tầm nhìn ra khu vực VinaCapital mới đầu tư.
Thí dụ, FastGo ban đầu làm ở Việt Nam, sau đó chúng tôi đã giúp họ sang Myanmar và họ đang dự định mở rộng sang Indonesia và Singapore. Hay Logivan là startup chuyên về xe tải và làm ở Việt Nam nhưng VinaCapital đang giúp họ bước sang thị trường Thái Lan. Tôi thấy công nghệ là thứ đơn giản nhất để Việt Nam xuất khẩu sang nước ngoài.
- Công nghệ cũng là lĩnh vực doanh nghiệp nước ngoài đang đổ bộ vào Việt Nam khá nhiều nhưng tính pháp lý chưa hình thành, ông có cảm thấy lo ngại?
- Công nghệ thông tin có triển vọng rất lớn ở Việt Nam. Điều tôi lo ngại nhất là Hồng Kông, Singapore, Đài Loan, Hàn Quốc đều đã cấp cho phép cho các ngân hàng số, trong khi Việt Nam lại chưa làm việc này.
Như vậy, họ sẽ phát triển ngân hàng số trước Việt Nam, sau đó trong khuôn khổ các cam kết hội nhập, họ sẽ vào Việt Nam hoạt động ngay. Điều này sẽ khiến doanh nghiệp trong nước gặp khó khăn trong cạnh tranh.
Có ý kiến nói sự dè dặt này có lý khi hành lang pháp lý chưa có. Tôi cho rằng không cần phải suy nghĩ nhiều, cứ lấy luôn khung pháp lý (về ngân hàng số) của Singapore về điều chỉnh cho phù hợp theo điều kiện Việt Nam. Khung pháp lý của Singapore hiện nay là chuẩn mực nhất trong khu vực ASEAN.
- Xin cảm ơn ông.