Với mục tiêu tiếp tục hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn, đẩy nhanh tốc độ hồi phục nền kinh tế trong năm 2023, từ đầu năm đến nay, Quốc hội và Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách về gia hạn, miễn giảm tiền thuế, tiền thuê đất, thuê mặt nước cho doanh nghiệp và người dân.
Để đảm bảo các chính sách này đến với tất cả đối tượng thụ hưởng, từ đầu năm đến nay ngành thuế đã triển khai nhiều giải pháp trên tinh thần “không để trường hợp người nộp thuế không được thụ hưởng do không có thông tin.”
Tổng cục Thuế cho biết 9 tháng của năm 2023, tổng số tiền thuế, tiền thuê đất thuộc diện được gia hạn, miễn, giảm là khoảng 148.292 tỷ đồng; trong đó, số tiền thuế, tiền thuê đất thuộc diện được gia hạn khoảng 102.939 tỷ đồng; số tiền thuế, tiền thuê đất được miễn, giảm khoảng 45.353 tỷ đồng.
Theo các chuyên gia kinh tế, sau khi đại dịch COVID-19 xảy ra, rất nhiều doanh nghiệp đã phải ngưng hoạt động, rơi vào tình trạng “chết lâm sàng,” vì vậy, chính sách này giống như một “liều thuốc hà hơi tiếp sức” vực dậy các doanh nghiệp tránh khỏi tình trạng đóng cửa hàng loạt.
Đánh giá về chính sách các chính sách thuế khi được áp dụng, chuyên gia kinh tế Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính cho rằng, việc thực hiện các chính sách này là "một mũi tên trúng nhiều đích," mang lại kết quả tốt cho cả doanh nghiệp, người dân và nhà nước.
Bởi số tiền thuế được miễn, giảm, gia hạn nộp đồng nghĩa với việc giúp doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất, tăng vốn lưu thông. Trong khi đó, thu ngân sách nhà nước vẫn không giảm, thậm chí còn tăng nhờ nuôi dưỡng được nguồn thu.
Là một trong những thành phố trực thuộc Trung ương, theo thống kê của Cục Thuế thành phố Cần Thơ, số tiền thuế, tiền thuê đất được gia hạn theo Nghị định số 12/2023/NĐ-CP ngày 14/4/2023 của Chính phủ về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất năm 2023 tính đến ngày 29/9/2023 là 587,1 tỷ đồng.
Hoạt động trong lĩnh vực kết cấu thép, ông Vũ Anh Việt, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Vũ Nam Hải (khu công nghiệp Trà Nóc 1, thành phố Cần Thơ) chia sẻ 3 năm vừa qua là thời gian rất khó khăn đối với doanh nghiệp, nhất là lĩnh vực xây dựng.
Đóng bao gạo tại nhà máy của Công ty Ngọc Quang Phát, Cần Thơ. (Ảnh: Thanh Liêm/TTXVN)
Chính vì vậy, những chính sách hỗ trợ của ngành thuế giống như “một miếng khi đói bằng một gói khi no” đã giúp doanh nghiệp phần nào vơi đi những khó khăn, áp lực về vấn đề tài chính.
Quan trọng hơn, các chính sách này còn giúp doanh nghiệp có cảm giác yên tâm hơn khi trong giai đoạn khó khăn vẫn có Chính phủ, các cơ quan quản lý đồng hành, tạo điều kiện.
“Dù 2023 vẫn là năm khó khăn với doanh nghiệp xây dựng nhưng với các chính sách hỗ trợ về thuế, phí của Chính phủ đang được hưởng như giảm thuế giá trị gia tăng, gia hạn thời hạn nộp thuế, tôi tin rằng, công ty sẽ tiếp tục từng bước vượt qua, tiếp tục phát triển sản xuất kinh doanh trong thời gian tới,” ông Vũ Anh Việt chia sẻ.
Ông Cáp Quý Phúc, Cục trưởng Cục Thuế thành phố Cần Thơ cũng cho biết, các chính sách hỗ trợ của Chính phủ đã được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao, giúp cho doanh nghiệp vững tin tháo gỡ khó khăn, phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh.
Theo ông Cáp Quý Phúc, các chính sách gia hạn và giảm thuế trên đã tạo nguồn vốn và động lực cho doanh nghiệp tập trung vào sản xuất, kinh doanh nhằm giảm áp lực vay vốn ngân hàng và giảm chi phí lãi vay, tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhanh chóng vượt qua giai đoạn khó khăn, duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh.
Bên cạnh đó, các chính sách gia hạn hạn tiền thuế còn được xem như là một khoản cho vay không tính lãi, tạo điều kiện cho doanh nghiệp xoay vòng vốn nhanh chóng, duy trì sản xuất kinh doanh trong bối cảnh nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn.
Việc áp dụng giảm thuế đối với các mặt hàng góp phần kích thích nhu cầu mua hàng từ người tiêu dùng từ đó tăng doanh số bán hàng, góp phần tăng doanh thu cho doanh nghiệp.
Nhờ những chính sách hỗ trợ của Chính phủ, trên địa bàn thành phố Cần Thơ, tính đến ngày 30/9/2023 đã có 2.160 doanh nghiệp đăng ký mới và hoạt động trở lại nâng số lượng doanh nghiệp hoạt động là 14.634 doanh nghiệp (tăng 4,4% so với 31/12/2022).
Doanh thu kê khai thuế 9 tháng năm 2023 cũng đã tương đương với cùng kỳ năm ngoái. Đây là sự cố gắng rất lớn của doanh nghiệp, hộ kinh doanh trong điều kiện 9 tháng năm 2023 tăng trưởng kinh tế chậm.
Còn tại Kiên Giang, đây là một trong những đơn vị làm rất tốt công việc tuyên truyền hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân để thụ hưởng các chính sách về thuế, phí.
Tỉnh đã gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2023 theo Nghị định 12/2023/NĐ-CP của Chính phủ cho 1.753 doanh nghiệp, hộ, cá nhân kinh doanh với số thuế, tiền thuê đất được gia hạn là 1.900 tỷ đồng.
Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Kiên Giang Trần Văn Điện cho biết, kết quả thực hiện chính sách gia hạn thuế, tiền thuê đất và giảm thuế đã giúp doanh nghiệp có thêm nguồn lực để phục hồi sản xuất kinh doanh, góp phần cho việc phát triển tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Theo ông Trần Văn Điện, ngay khi có các thông tin về chính sách hỗ trợ, Cục Thuế tỉnh Kiên Giang đã chỉ đạo quyết liệt các phòng chức năng và chi cục thuế tổ chức tuyên truyền, phổ biến các nghị quyết, nghị định trên các phương tiện truyền thông, trang thông tin điện tử, zalo, email., điện thoại.... đến từng doanh nghiệp, từng người nộp thuế.
Ngoài ra, ngành thuế Kiên Giang đã chỉ đạo các phòng, chi cục thuế bố trí cán bộ thường trực, sẵn sàng tiếp nhận, trả lời các vướng mắc của người nộp thuế liên quan đến các chính sách bằng hình thức điện thoại, văn bản.
Thời gian tới, ngành thuế cho biết sẽ tiếp tục thực hiện tốt các gói hỗ trợ cho doanh nghiệp, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, tạo đà cho doanh nghiệp và người dân nhanh chóng khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, phát triển ổn định, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo nguồn thu bền vững cho ngân sách nhà nước.