Thời gian qua, dịch COVID-19 đã có những tác động không nhỏ đến các DN chế biến, xuất khẩu gỗ và nông dân. Ông đánh giá như thế nào về những khó khăn với ngành gỗ hiện nay?
Thứ trưởng Hà Công Tuấn: Dịch COVID-19 đã ảnh hưởng to lớn đến kinh tế toàn cầu và kinh tế Việt Nam, phạm vi ảnh hưởng rất rộng. Riêng với ngành gỗ, có 4 tác động nghiêm trọng.
Thứ nhất, đối với thị trường xuất khẩu, đến tháng 4 này khoảng 80% các đơn hàng bị tạm dừng, chưa tìm được đơn hàng mới. Các thị trườg lớn như Hoa Kỳ (chiếm 51% kim ngạch xuất khẩu), EU (khoảng 39%) đã đóng băng; Nhật Bản chiếm 12%, Hàn Quốc 7% cũng chỉ còn những đơn hàng lác đác.
Thị trường Trung Quốc chiếm 8%, nhưng chủ yếu là dăm gỗ (chiếm tới 90%) giờ mới bắt đầu được phục hồi, nhưng cũng cần một thời gian nữa mới có thể bình thường. Rất tiếc, thời gian gần đây dịch COVID-19 ở Trung Quốc lại có diễn biến phức tạp, nên mọi hoạt động xuất khẩu cũng khó lường.
Thứ hai, đối với thị trường trong nước, hiện nay có 2 sản phẩm chính, đó là sản phẩm của các làng nghề truyền thống thì có đến 70-80% không tiêu thụ được, phải tạm dừng hoạt động sản xuất. Còn sản phẩm chế biến cao cấp cho các công trình lớn cũng bị giảm 90% doanh thu so với cùng kỳ.
Thứ ba, về tình hình nhập khẩu, chúng ta nhập khẩu nguyên liệu gỗ khoảng 10 triệu m3, thì trong quý I nguyên liệu gỗ, phụ kiện cũng giảm 70-80%. Hiện nay các DN sản xuất chủ yếu từ nguồn dự trữ. Có một điểm sáng là việc khai thác nguồn phụ kiện từ Trung Quốc đã ghi nhận có đơn hàng.
Cuối cùng, tình hình sản xuất của ngành chế biến, xuất khẩu gỗ có thể nói là ngừng trệ. Do không có đơn hàng nên các DN chế biến gỗ buộc phải tạm dừng sản xuất và cho lao động nghỉ. Đã có nhiều DN cho nghỉ 40-80% số lao động, hoặc giãn thời gian làm việc.
Dịch COVID-19 đã tác động đến nhiều khâu của chuỗi cung ứng ngành gỗ, cả người trồng rừng và doanh nghiệp. Bộ NN&PTNT đã có giải pháp gì để hỗ trợ trong giai đoạn khó khăn này, thưa ông?
Thứ trưởng Hà Công Tuấn: Khó khăn do dịch bệnh gây ra không chỉ là khó khăn riêng của ngành gỗ, mà là của toàn nền kinh tế. Chính phủ đã và đang chỉ đạo quyết liệt để có “mặt trận kinh tế” trong thời gian tới song song với “mặt trận chống dịch bệnh”.
Chúng tôi đã kiến nghị Chính phủ 2 giải pháp trước mắt. Chính phủ cũng đã có chính sách hỗ trợ vừa kịp thời vừa thể hiện quyết tâm cao khôi phục, hỗ trợ sản xuất, thể hiện sự quan tâm của Chính phủ với ngành sản xuất.
Chính phủ đã ban hành Nghị định 41 đồng ý cho kéo dài 5 tháng đối với các DN chế biến gỗ nói riêng và các DN nói chung chậm nộp các loại thuế, chậm nộp 5 tháng với tiền thuê đất đợt 1. Riêng gói này đã tạm đình hoãn 180.000 tỷ đồng.
Các DN gỗ đều có quan hệ tín dụng, DN càng sản xuất lớn, dư nợ tín dụng càng cao. Trước khó khăn hiện nay, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư 01, có gói tín dụng 285.000 tỷ đồng để xử lý giãn hoãn nợ cũ, áp dụng cơ chế cho vay có điều kiện đảm bảo nhẹ nhàng hơn, lãi suất thấp hơn 0,5- 0,25% để hỗ trợ DN vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Chính phủ cũng đã có nghị quyết hỗ trợ cơ sở sản xuất, người lao động chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 với 62.000 tỷ đồng. Đây là những chính sách lần đầu tiên được áp dụng.
Bộ NN&PTNT cũng giao cho Tổng cục Lâm nghiệp làm việc với các hiệp hội, làng nghề, ngay sau khi nới lỏng giãn cách, hết dịch thì phải khôi phục sản xuất ngay. Nếu kéo dài tình trạng tạm ngừng như hiện nay sẽ dẫn đến đình trệ.
Còn giải pháp lâu dài, mặc dù khó khăn nhưng ngành vẫn có dư địa phát triển tốt, tiềm năng nâng cao chuỗi giá trị. Nếu dịch COVID-19 qua đi, tại các thị trường chủ chốt, khả năng chúng ta vẫn đạt được mục tiêu xuất khẩu 12 tỷ USD.
Theo tôi, ngành gỗ phải tập trung vào 4 giải pháp chủ yếu. Thứ nhất, dứt khoát cơ cấu lại sản phẩm xuất khẩu. Hiện nay, chúng ta vẫn phải dùng 25-26 triệu m3 gỗ nguyên liệu để sản xuất ra 13 triệu tấn dăm, kim ngạch xuất khẩu đạt 1,5-1,6 tỷ USD. Con số này rất thấp, chỉ chiếm hơn 10%, trong khi lượng nguyên liệu chiếm 60%.
Thứ hai là cơ cấu sản phẩm gỗ. Hiện này chúng ta xuất khẩu chủ yếu sang Mỹ, EU là bàn trang điểm, dụng cụ phòng bếp, phòng tắm… chiếm 60%, trong khi đồ ngoại thất, văn phòng chỉ chiếm 40%.
Thứ ba là cơ cấu cho cả chuỗi, trồng rừng gỗ lớn, cải tiến về giống, đưa giống tốt có thâm canh, đẩy nhanh việc quản lý rừng bền vừng, thực hiện các cam kết với EU…
Thứ tư là làm mạnh mẽ hơn liên kết chuỗi, giảm phụ thuộc nguồn cung. Trước kia chúng ta nhập nguyên liệu nhiều, nhưng hiện giờ ta đã chủ động được 80% nguyên liệu.
Về phía các DN, “bản lĩnh” mà ông nhắc đến cần thể hiện ở những khía cạnh nào?
Thứ trưởng Hà Công Tuấn: Chúng tôi đã có văn bản gửi các hiệp hội, đề nghị các hiệp hội truyền đạt đến DN, trước hết là DN phải năng động, sáng tạo, cùng Nhà nước vượt qua giai đoạn khó khăn này.
DN cần nhận thức, đánh giá tình hình một cách đúng đắn, hợp lý, không bi quan, tìm cơ trong nguy, ổn định duy trì phát triển trong tương lai. Thị trường chủ chốt khó khăn thì tìm thị trường khác và thị trường nội địa. Hiện nay, hàng hóa phục vụ dân sinh, nếu làm được sẽ duy trì được một phần sản xuất.
Do chúng ta đang thực hiện giãn cách xã hội, đương nhiên chuỗi cung ứng bị ảnh hưởng. Nhưng nếu các DN khác vượt qua được thì DN gỗ cũng phải làm được. DN ngành gỗ cũng cần chuyển sang bán hàng online, không chỉ cho trước mắt mà cả lâu dài, giúp DN ứng dụng công nghệ trong bán hàng.
Bên cạnh đó DN phải gắn bó với người lao động, không được để ai lại phía sau. Trong giai đoạn dịch bệnh, nếu DN đồng hành, chia sẻ với người lao động, chắc chắn khi hết dịch người lao động sẵn sàng trở lại làm việc.
Các DN cũng cần đổi mới công nghệ, ứng dụng công nghệ vào chuỗi, từ ứng dụng giống, chế biến, đến bán hàng online. Cùng với đó là đổi mới thiết kế, tạo ra mặt hàng phối trộn gỗ với đá, kim loại để phù hợp với thị trường, nắm bắt nhu cầu thị trường.
Thiết lập và thực thi cho bằng được hệ thống pháp luật chống gian lận thương mại, gian lận xuất xứ, chống được cả chuyển giá. Phải minh bạch nguồn gốc thì mới giữ được uy tín.
Đối với tiêu thụ trong nước, trước đã quan trọng thì giờ càng quan trọng hơn. Hiện nay, thị trường trong nước đã trị giá 3 tỷ USD và trong tương lai sẽ tăng lên, vì người dân ngày càng có nhu cầu, điều kiện sử dụng sản phẩm gỗ chất lượng cao.