Xây nhà, trồng cây “đón lõng” đền bù
Ngày 13.3, Bộ GTVT tổ chức bàn giao hồ sơ thiết kế cắm cọc giải phóng mặt bằng (GPMB) đợt 1 dự án cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021 - 2025 dài 47,6 km cho 3 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị (gồm 5 dự án thành phần: Bãi Vọt - Hàm Nghi, Hàm Nghi - Vũng Áng, Vũng Áng - Bùng, Bùng - Vạn Ninh và Vạn Ninh - Cam Lộ).
Đáng chú ý, chỉ vài ngày sau, hàng chục căn nhà tạm bợ đã được người dân tại một số xã thuộc các tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh dựng lên nhanh chóng để “đón lõng” giá đền bù mặt bằng cao hơn. Theo ghi nhận ngày 18.3, tại xã Phú Thủy (H.Lệ Thủy, Quảng Bình) đã có gần 20 công trình từ trang trại đến nhà cửa được cấp tốc xây tạm bợ trong một vài ngày. Chỉ riêng H.Lệ Thủy đã có gần 80 công trình tạm bợ mọc lên ngay sau khi hay tin cao tốc Bắc - Nam sẽ đi qua địa bàn.
Tương tự, tại xã Kỳ Hoa (TX.Kỳ Anh, Hà Tĩnh), dù chính quyền xã cho biết đã vận động, tuyên truyền nhưng tới nay đã có ít nhất 7 hộ dân tự ý xây thêm các công trình phụ trợ tạm bợ và trồng cây trong phạm vi dự án chạy qua, nhằm trục lợi tiền bồi thường.
Ông Dương Viết Roãn, Giám đốc Ban QLDA Thăng Long, phụ trách dự án Bãi Vọt - Hàm Nghi và Hàm Nghi - Vũng Áng (chạy trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh), thông tin tình trạng nhiều hộ dân tự ý xây dựng trên phần đất thuộc phạm vi GPMB.
“Về nguyên tắc, Bộ GTVT và các ban quản lý dự án (QLDA) bàn giao mặt bằng cắm mốc và thực trạng cho địa phương. Sau đó địa phương sẽ thống kê số lượng nhà dân chịu ảnh hưởng, phương án đền bù. Trước khi bàn giao cắm mốc, ban cũng cung cấp hình ảnh quay thực địa bằng flycam trong quá trình khảo sát cho địa phương, nên công trình nào được xây dựng trước đó hay mới xây dựng sau khi cắm mốc đều có thể biết rõ”, ông Roãn nêu.
Cũng theo lãnh đạo Ban QLDA Thăng Long, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đã khẳng định huyện nào, xã nào để dân xây dựng trái phép sẽ xử lý nghiêm. “Bộ GTVT cũng đã có văn bản yêu cầu các địa phương quán triệt đến cấp huyện, xã vừa vận động tuyên truyền, vừa xử nghiêm các trường hợp vi phạm. Thực tế, trước đây tại một số dự án cũng đã có hiện tượng một số người xúi giục người dân xây nhà lấn chiếm để hưởng chênh lệch đền bù so với chỉ đền bù đất không”, ông Roãn thông tin.
Ông Nguyễn Vũ Quý, Giám đốc Ban QLDA Hồ Chí Minh - phụ trách đoạn Vạn Ninh - Cam Lộ (đoạn nối Quảng Bình, Quảng Trị), cho biết hiện đã bàn giao cắm cọc mặt bằng cho các địa phương khoảng 15 km, trong đó đoạn qua Quảng Bình khoảng 10 km, đoạn qua Quảng Trị 5 km.
Trước thực trạng nhiều hộ dân tại Quảng Bình xây nhà tạm chờ đền bù trên phạm vi dự án, ông Quý cho biết trách nhiệm sau khi bàn giao cọc mặt bằng do địa phương quản lý. Ban QLDA Hồ Chí Minh cũng đã có văn bản gửi 2 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị đề nghị xử lý dứt điểm các trường hợp lấn chiếm mặt bằng hay tự ý xây thêm công trình để hưởng chênh lệch đền bù.
Vết xe đổ về tiến độ của giai đoạn 1
Theo Bộ GTVT, hiện dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 mới đang ở bước đầu là bàn giao cọc mặt bằng cho địa phương, nên về cơ bản cả 12 dự án đều đang bám đúng tiến độ được giao.
Để địa phương triển khai các thủ tục liên quan đến công tác GPMB, tái định cư, Bộ GTVT đã chỉ đạo các ban QLDA, tư vấn khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ cắm cọc GPMB và bàn giao hồ sơ thiết kế cắm cọc GPMB (đợt 1) trước ngày 15.3. Tuy nhiên, trong văn bản ngày 18.3 gửi 12 địa phương có cao tốc Bắc - Nam chạy qua, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ đề nghị các địa phương tăng cường tuyên truyền vận động người dân chấp hành nghiêm quy định, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Bộ GTVT sẽ chỉ đạo các ban quản lý dự án bàn giao hồ sơ khảo sát và hình ảnh hiện trạng tại thời điểm khảo sát để các địa phương làm căn cứ quản lý, thực hiện GPMB.
Rút kinh nghiệm từ bài học nhiều lần phải điều chỉnh tiến độ với dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 (2017 - 2020), Chính phủ đã đặt đầu bài rất rõ cho Bộ GTVT liên quan đến các đường găng tiến độ. Mục tiêu, các địa phương phải bàn giao 70% diện tích mặt bằng của các gói thầu xây lắp khởi công trước ngày 20.11.2022 và bàn giao toàn bộ diện tích còn lại trong quý 2/2023 như chỉ đạo của Chính phủ, đảm bảo dự án được khởi công trước ngày 31.12.2022.
Thực tế, nếu không giải quyết được 2 nút thắt lớn nhất là mặt bằng và vật liệu đất đắp, dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 rất có thể rơi vào “vết xe đổ” tiến độ như giai đoạn 1. Mục tiêu giai đoạn 1 các địa phương phải bàn giao toàn bộ mặt bằng sạch cho dự án vào cuối 2020, song đến tháng 7.2021, mặt bằng mới bàn giao đạt 97,5%. Đến tháng 3.2022, vẫn còn 0,1 km mặt bằng “nợ” và 1 khu tái định cư chưa được xây dựng.
Truy trách nhiệm
Nói về nguyên nhân dẫn đến tình trạng đường sá mở tới đâu, người dân đua nhau xây dựng trái phép để trục lợi tới đó, TS Nguyễn Hữu Nguyên, Hội Quy hoạch phát triển đô thị VN, phân tích vấn đề xảy ra ở cả 3 tầng: người dân, chính quyền địa phương và quản lý nhà nước.
Cụ thể, nhìn từ góc độ phản ứng tự nhiên từ tầng thấp nhất, người dân luôn nghĩ tới lợi ích trước mắt của mình. Vấn đề là chính quyền địa phương quản lý mặt bằng, đất đai giải tỏa ở khu vực có dự án đi qua như thế nào. Theo ông Nguyên, vai trò của chính quyền địa phương là tầng trung gian, nhưng mang tính quyết định.
“Địa phương đã làm việc với dân thế nào, quản lý ra sao? Ngay từ khi có dự án đường cao tốc, địa phương phải quán triệt với người dân, quy định rõ ràng, cụ thể thì mới ngăn chặn được. Để người dân xây nhà xong tới cưỡng chế, đấy là chữa cháy. Rất lạ là có những nơi người ta rào đất, dựng rạp phân lô bán nền ngay trên đất của địa phương mà đến khi xảy ra sự việc gì lại bảo không biết, không hề can thiệp. Trách nhiệm quản lý của chính quyền phải quy từ tỉnh, đến xã, đến thôn, tới ấp”, ông Nguyên thẳng thắn đặt vấn đề.
Ở tầng trên cùng, cơ quan quản lý nhà nước cần xem lại trách nhiệm đã giao cho địa phương ra sao, quy định trách nhiệm cần được cụ thể hóa bằng các công văn, chỉ thị, văn bản cụ thể.
“Nếu cả hai tầng nhà nước và địa phương đã làm đủ trách nhiệm của mình thì mới có cơ sở để xử phạt những người cố tình trục lợi, phá hoại. Chỉ có thể chế tài người dân làm sai pháp luật khi đã có pháp luật. Các quy định không rõ ràng, làm rồi mới ra quy định để phạt thì sẽ rất khó khăn. Phòng cháy không tốt, đến khi chữa cháy lại vụng về sẽ làm cho đám cháy to ra. Hệ quả là nảy sinh mâu thuẫn giữa nhà nước và người dân, gây khó khăn cho tiến độ thực hiện dự án”, TS Nguyễn Hữu Nguyên nhấn mạnh.
Đồng tình, kỹ sư Vũ Thắng, nguyên Phó ban Chuẩn bị đầu tư hạ tầng cơ sở giao thông TP.HCM, nhìn nhận tình trạng xâm chiếm mặt bằng để trục lợi nhận tiền bồi thường về sau đã xảy ra từ cách đây 30 - 40 năm và nhà nước đã phải tiêu tốn rất nhiều tiền để đền bù, xử lý những trường hợp này. Nhiều trường hợp trong 1 đêm, người dân vẽ hàng trăm bức tranh lên tường để đòi thêm tiền đền bù cho cả những bức tranh.
“Người dân trục lợi tiền đền bù 1 cách không hợp lý như vậy mà trong 30 năm qua, chúng ta không có 1 đường lối chủ động để giải quyết tận gốc vấn đề, không có biện pháp chế tài để xử lý những trường hợp đó. Vậy rõ ràng lỗi ở quản lý”, ông Thắng nói và chỉ rõ trách nhiệm thuộc về các bộ, các địa phương và cơ quan quản lý quy hoạch.
Đó là 3 địa chỉ chịu trách nhiệm chính cho những vấn đề xảy ra của dân cư ở những khu vực dự án quy hoạch và những tốn kém trong phạm vi lộ giới khi triển khai các dự án.
Để xảy ra tình trạng như vậy, địa phương phải chịu trách nhiệm đối với cả 2 đầu - người dân và nhà nước: Không thi hành đúng những quy định, chỉ thị của nhà nước, để xảy ra sai sót, vướng mắc cho dự án; không quản lý tốt, để người dân mua đất, làm nhà, bị không thừa nhận dẫn đến cả người dân và nhà nước đều thiệt hại.
TS Nguyễn Hữu Nguyên