Trục lợi từ chênh lệch tỷ giá chính thức và tự do cần phải rà soát và xử lý

(ĐTTCO) – Thông tin vừa được đăng tải trên báo Lao động ngày 26-9 với nội dung về việc cán bộ nhân viên ngân hàng hỗ trợ bán ngoại tệ (USD) cho nhóm khách hàng chuyên mua gom USD trong các ngân hàng thương mại (NHTM) rồi bán ra thị trường chợ đen một lần nữa cho thấy hiện tượng lợi dụng chênh lệch tỷ giá giữa thị trường chính thức và thị trường “chợ đen” để trục lợi vẫn đang tiếp diễn.


Tối 26-9, ABBANK phát đi thông cáo báo chí thông tin về việc giao dịch mua/bán ngoại tệ tiền mặt của ABBANK đối với các khách hàng cá nhân. Thông tin này được công bố sau khi báo Lao động điện tử có đăng tải bài viết với nội dung về việc cán bộ nhân viên ABBANK tư vấn, hỗ trợ bán ngoại tệ (tiền USD) cho nhóm khách hàng chuyên mua gom USD trong các ngân hàng thương mại rồi bán ra thị trường chợ đen.

Theo ghi nhận của báo Lao động, đang có đường dây của những đối tượng chuyên thuê người xếp hàng mua gom USD trong các ngân hàng thương mại rồi đem bán tại thị trường chợ đen để ăn chênh lệch. Lợi dụng sự quản lý lỏng lẻo của các cơ quan chức năng, một số đối tượng đã trục lợi số tiền lớn.

Thực tế, Thông tư 18/VBHN-NHNN của Ngân hàng Nhà nước quy định việc mua, bán ngoại tệ tiền mặt của cá nhân với tổ chức tín dụng, cá nhân là công dân Việt Nam được quyền mua ngoại tệ tiền mặt tại tổ chức tín dụng được phép để đáp ứng các nhu cầu ngoại tệ cho mục đích học tập, chữa bệnh ở nước ngoài; đi công tác, du lịch, thăm viếng ở nước ngoài với mức 100USD/1 người/1 ngày hoặc các loại ngoại tệ khác có giá trị tương đương trong khoảng thời gian lưu trú ở nước ngoài là 10 ngày. Tuy nhiên, các tổ chức tín dụng được bán vượt mức trên căn cứ khả năng tự cân đối nguồn ngoại tệ tiền mặt để đáp ứng các nhu cầu ngoại tệ của cá nhân có mục đích.

Trong khi đó, Thông tư 15/2011/TT-NHNN quy định về việc mang ngoại tệ tiền mặt, đồng Việt Nam tiền mặt của cá nhân khi xuất, nhập cảnh quy định, cá nhân khi xuất cảnh, nhập cảnh qua các cửa khẩu quốc tế của Việt Nam bằng hộ chiếu mang theo ngoại tệ tiền mặt trên mức quy định 5.000 USD hoặc các loại ngoại tệ khác có giá trị tương đương phải khai báo hải quan cửa khẩu. Cũng tức là nếu mang từ 5.000 USD hoặc các loại ngoại tệ khác có giá trị tương đương trở xuống không cần khai báo hải quan.

Dựa vào đó, những người làm thuê cho đường dây gom mua USD nói trên có thể đổi được 5.000 USD từ các ngân hàng mỗi ngày để bán cho các đầu mối. Chênh lệch giữa giá USD chính thức và USD chợ đen tăng cao, hiện tượng trục lợi bằng cách làm giả giấy tờ cam kết đi du lịch nước ngoài để mua USD tại các tổ chức tín dụng càng được “tận dụng”. Giả sử nhiều đối tượng làm giả hồ sơ du học, du lịch, khám chữa bệnh, họ có thể mua USD từ ngân hàng sau đó đem bán ở thị trường chợ đen để hưởng lợi sẽ khiến thị trường ngoại hối đã căng thẳng sẽ càng căng thẳng hơn.

Trước đó, nhiều chuyên gia cũng từng chia sẻ với ĐTTC, giá USD thị trường “chợ đen” cao hơn thị trường chính thức sẽ dẫn đến nguy cơ USD “chảy” ra thị trường “chợ đen” do một số đối tượng luôn chờ cơ hội để trục lợi, kiếm lời. Theo ước tính của các công ty chứng khoán, từ đầu năm đến nay, NHNN đã bán ra khoảng 20 tỷ USD từ nguồn dự trữ ngoại hối để ổn định tỷ giá. Liên hệ đến sự việc này cho thấy, một phần trong dự trữ ngoại hối được bơm ra có thể đã được đường dây buôn ngoại tệ này mua lại để hưởng chênh lệch, trong khi cơ quan quản lý đang "đau đầu" xử lý bài toán ổn định tỷ giá.

Hiện tại, sau khi ghi nhận phản ánh từ báo Lao động, ABBANK cho biết, đã kiểm tra, rà soát lại công tác mua, bán ngoại tệ cho khách hàng cá nhân trên toàn hệ thống. NH khẳng định, đối với quy trình về mua, bán ngoại tệ tiền mặt đối với khách hàng cá nhân, ABBANK đã ban hành và áp dụng các quy định, quy trình về mua ngoại tệ tiền mặt phục vụ nhu cầu của khách hàng cá nhân cho các mục đích như chữa bệnh; du học; du lịch, công tác, hội nghị…. theo đúng nguyên tắc và quy định của Pháp lệnh ngoại hối, Thông tư hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan quản lý.

Đồng thời, đối với việc mua, bán ngoại tệ tiền mặt tại các đơn vị kinh doanh của ABBANK, cho tới thời điểm hiện tại, ABBANK xác định công tác mua, bán ngoại tệ tiền mặt phục vụ nhu cầu của khách hàng cá nhân được các đơn vị kinh doanh thực hiện theo đúng quy định, quy trình của ABBANK.

Nhìn lại, ngày 20-9, NHNN có văn bản số 6597/NHNN-QLNH yêu cầu các đơn vị trong hệ thống chấp hành nghiêm túc quy định quản lý ngoại hối. Ngày 23-9, NHNN cũng tổ chức Hội nghị phổ biến, quán triệt quy định về thanh toán, chuyển tiền xuyên biên giới.

Có thể thấy, trong bối cảnh căng thẳng ngoại tệ, chênh lệch tỷ giá chính thức và tỷ giá tự do lên cao (khoảng 400-1.000 đồng tùy từng thời điểm), NHNN cũng đã lo ngại tình trạng này. Song ngoài việc yêu cầu/cảnh báo, những vi phạm nhằm trục lợi từ sự chênh lệch tỷ giá cần được kiểm soát một cách chặt chẽ qua việc thanh kiểm tra thực tế, để hạn chế dòng ngoại tệ chảy vào kênh giao dịch phi chính thức qua đó tác động tiêu cực đến thị trường tiền tệ, vì đây cũng không phải là hiện tượng hiếm thấy trên thị trường trong các năm qua. Và cơ quan quản lý cũng cần rà soát lại các quy định liên quan, nếu có kẽ hở cần bịt lại để tránh tình trạng "chảy máu" USD từ kênh chính thức chảy ra thị trường chợ đen nhưng các bên liên quan vẫn khẳng định làm đúng quy trình.

Các tin khác