Năm 2007, Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết 16 trong số 20 thành phố ô nhiễm nhất thế giới nằm ở Trung Quốc. 8 năm sau, tình hình không cải thiện mà còn tồi tệ hơn. Thậm chí, tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng khiến nhiều người dân Trung Quốc đã phải ra nước ngoài sống lưu vong.
Trung Quốc đầu độc loài người (K2): Thương hiệu tử thần
Trung Quốc đầu độc loài người (K1): Thực phẩm nhiễm độc
Tỵ nạn môi trường
Năm 2012, Zhong Nanshan, Chủ tịch Hiệp hội Y khoa Trung Quốc, lên tiếng cảnh báo ô nhiễm không khí sẽ trở thành mối đe dọa lớn nhất cho sức khỏe người dân ở nước này. Bệnh ung thư phổi gia tăng với tốc độ đáng sợ vì không khí ô nhiễm thải ra từ các nhà máy, đặc biệt ở các thành phố cao gấp 2-3 lần so với các vùng nông thôn cho dù tỷ lệ người hút thuốc lá như nhau.
Ông Zhang đã nghi ngờ dữ liệu của chính phủ, khi Bắc Kinh vẫn một mực cho rằng ô nhiễm không khí đã giảm. Cho đến lúc đó, chỉ số chất lượng không khí của chính phủ không bao gồm ozone và PM2.5, dù chúng nguy hiểm nhất đối với sức khỏe con người. Các đo đạt vào tháng 1-2013 cho thấy mức độ ô nhiễm không khí (được đo bằng mật độ của các hạt có kích thước nhỏ hơn 2,5 micromet) cao hơn mức tối đa 755μg trong thiết bị đo đạc của Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Bắc Kinh. Khói bụi từ Trung Quốc thậm chí còn lan sang tận Hoa Kỳ.
Tại Los Angeles, lượng khí nitơ oxit và carbon monoxide từ các nhà máy ở Trung Quốc đã đẩy nồng độ khói bụi lên trên mức giới hạn ozon cho phép tại đây ít nhất hơn 1 ngày trong năm. Báo cáo của 9 nhà khoa học đến từ Trung Quốc, Hoa Kỳ và Anh cho biết Trung Quốc “xuất khẩu” 21% chất ô nhiễm sulfur dioxide và nitrogen oxide sang Hoa Kỳ.
Mới đây, một cựu Bộ trưởng Y tế Trung Quốc cho biết có khoảng 500.000 người dân nước này chết mỗi năm vì không khí ô nhiễm. Ngày 7-6 vừa qua, một báo cáo môi trường của Trung Quốc đã phải thừa nhận hầu hết thành phố lớn của nước này không đạt chuẩn quốc gia về không khí.
Trước đó, ngày 3-4, các phương tiện truyền thông Trung Quốc đăng tải hình ảnh người dân thành phố Trịnh Châu, thủ phủ tỉnh Hà Nam đứng xếp hàng để có thể hít thở không khí sạch trong những bao bì kín. Những hình ảnh ghi lại các bậc phụ huynh lấy mặt nạ áp vào mặt con em của họ để chúng “thưởng thức mùi vị của không khí sạch”, một “xa xỉ phẩm” đối với người dân Trung Quốc kể từ khi tình trạng ô nhiễm môi trường ở quốc gia này vượt qua mức báo động đỏ.
Theo thống kê của Bộ Bảo vệ môi trường Trung Quốc, Trịnh Châu là thành phố đứng thứ 10 trong danh sách các thành phố có tình trạng ô nhiễm môi trường tồi tệ nhất năm 2013, với chỉ số ô nhiễm AQI đạt mức 157.
Hồi tháng 2, tờ Hoàn cầu Thời báo cho biết tình trạng ô nhiễm không khí quá nặng nề ở nước này đã buộc nhiều người phải lưu vong nước ngoài để “tỵ nạn môi trường”. “Ô nhiễm đã khiến những người giàu ở tầng lớp thượng lưu phải ra nước ngoài vì họ thấy không thể chấm dứt ngay được tình trạng khói mù ô nhiễm ở trong nước. Xu hướng di cư vì khói bụi dự báo sẽ tiếp tục” - tờ Hoàn cầu viết.
Chen Zhiyu, ông chủ công ty chuyên giúp người Trung Quốc sang Australia, nói 80% khách hàng của ông cho biết ô nhiễm đã khiến họ quyết định rời bỏ đất nước. “Quan ngại về môi trường là động cơ chính cho di cư” - Chen nói.
Đất, nước nhiễm độc
Ngày 17-4, lần đầu tiên chính phủ Trung Quốc thừa nhận tình trạng nhiễm độc nghiêm trọng đối với đất nông nghiệp ở trong nước. Trong một báo cáo của Bộ Bảo vệ môi trường - Đất đai và tài nguyên, 16,1% đất đai nói chung và 19,4% đất nông nghiệp nước này đã bị nhiễm độc, chủ yếu do tích tụ chất độc thải ra từ các nhà máy, hoạt động khai thác mỏ và nông nghiệp trong nhiều năm.
Kết luận được đưa ra dựa trên một cuộc kiểm tra các mẫu đất trên diện tích rộng hơn 2,4 triệu m2 phân bố khắp cả nước trong thời gian từ tháng 4-2005 đến tháng 12-2013, không bao gồm các đặc khu Hồng Công và Macau. Tờ AP cho biết lúc đầu báo cáo được cho là quá nhạy cảm nên đã được đóng dấu bí mật quốc gia.
Theo báo cáo, hơn 80% đất đai ô nhiễm do chất độc vô cơ gây ra, trong đó 3 chất phổ biến là cadimi, niken và thạch tín. Như vậy, tình hình nay đã tồi tệ gấp đôi so với năm 2006, khi Bộ Bảo vệ môi trường Trung Quốc tuyên bố 10% đất nông nghiệp bị ô nhiễm và hàng năm khoảng 12 triệu tấn ngũ cốc bị nhiễm các loại kim loại nặng.
Gần hơn, tháng 12-2013, bộ này tiết lộ có 3,33 triệu ha đất nông nghiệp (tương đương diện tích nước Bỉ) bị nhiễm độc quá nặng. Tình trạng đất nông nghiệp nhiễm độc được xem là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc nhiều sản phẩm nông nghiệp ở Trung Quốc bị nhiễm độc.
Chẳng hạn, với trường hợp gạo bị nhiễm cadimi (Cd - một kim loại nặng, xem Kỳ 1) tại Hồ Nam, người ta đã kiểm tra các nhà máy chế biến gạo, từ khâu đầu tiên đưa hạt thóc vào, rồi bóc vỏ trấu, xay xát, đánh bóng đến khâu cuối cùng đóng gói là một trình tự khép kín, không khâu nào có thể sinh ra chất Cd được. Như vậy chất Cd chỉ có thể từ khâu sản xuất trên đồng ruộng xâm nhập vào gạo.
Các điều tra sau đó cho thấy đất trồng lúa ở Hồ Nam bị nhiễm độc Cd rất nặng. Pan Genxing, một giáo sư tại Đại học Nông nghiệp Nam Kinh, ước tính khoảng 10% sản lượng gạo hàng năm của Trung Quốc (vào khoảng 20 triệu tấn) bị nhiễm Cd trên mức cho phép.
Ngày 23-4, một báo cáo của chính phủ Trung Quốc cho biết khoảng 60% nguồn nước ngầm của quốc gia này đang bị ô nhiễm rất nặng, đến mức không thể sử dụng được. Khảo sát của Bộ Bảo vệ môi trường tại 203 thành phố trong cả nước cho thấy chất lượng nước dao động từ “tương đối tồi tệ” tới mức “vô cùng tồi tệ”. Nguồn nước “tương đối tồi tệ” phải trải qua xử lý chặt chẽ mới có thể uống được. Còn nguồn nước “vô cùng tồi tệ” hoàn toàn không thể uống được.
Báo cáo cũng cho biết người dân nhiều thành phố ở Trung Quốc không dám uống nước máy trực tiếp mà phải mua nước đóng chai để sử dụng. Trước đó, vào đầu tháng 4, người dân thành phố Lan Châu ở miền Tây Trung Quốc đã đổ xô đi mua nước đóng chai sau khi nhà chức trách thông báo nước máy bị nhiễm hóa chất độc hại benzene quá mức cho phép. Điều tra cho thấy dầu từ đường ống của Công ty Xăng dầu Trung Quốc đã chảy vào nguồn nước.
Làng ung thư
Đất, nước và không khí ô nhiễm là nguyên nhân làm xuất hiện nhiều “làng ung thư” tại Trung Quốc, nơi có số người bị ung thư cao đáng kinh ngạc. Điều này được chính phủ Trung Quốc chính thức thừa nhận vào tháng 2-2013, sau nhiều năm phản bác. Trong nhiều năm, các nhà vận động nói tỷ lệ mắc bệnh ung thư ở một số làng nằm gần các nhà máy và các hệ thống cấp, thoát, tưới tiêu nước bị ô nhiễm đã tăng vọt. Năm 2007, hãng BBC đã đến thăm một ngôi làng nhỏ ở miền Nam Trung Quốc, nơi một nhà khoa học đang tiến hành các nghiên cứu các nguyên nhân và tác động của ô nhiễm đối với ngôi làng này.
Nhà khoa học này tìm thấy mức độ cao của các kim loại nặng độc hại ở trong nước và ông tin rằng đã có một mối liên hệ trực tiếp giữa triệu chứng của bệnh ung thư và việc khai thác khoáng sản ở trong khu vực. Năm 2009, một nhà báo Trung Quốc đã công bố một bản đồ xác định hàng chục ngôi làng dường như đã bị ảnh hưởng.
![]() |
Sông hồ trấn Quý Dư, tỉnh Quảng Đông bị ô nhiễm nghiêm trọng. |
Tuy nhiên, "làng ung thư" đã không được xác định “về mặt kỹ thuật” và báo cáo của Bộ Bảo vệ Môi trường trong thời gian dài không đề cập nó. Mãi đến tháng 2-2013, báo cáo của bộ này mới cho biết các hóa chất độc hại đã gây ra các tình trạng khẩn cấp về môi trường liên quan ô nhiễm nước và không khí, đồng thời thừa nhận các hóa chất độc hại này có thể đã gây ra nguy cơ lâu dài đối với sức khỏe con người, tạo ra mối liên kết trực tiếp tới điều được gọi là "các làng ung thư".