Trung Quốc loạn nhịp thế nào khi TTCK vỡ trận?

(ĐTTCO) - Sự trì trệ của thị trường chứng khoán (TTCK) sau khi nhân dân tệ mất giá đang buộc chính phủ Trung Quốc phải xem xét vực dậy nội tệ của mình trước khi quá muộn. Vậy, Trung Quốc đang làm điều đó như thế nào?

(ĐTTCO) - Sự trì trệ của thị trường chứng khoán (TTCK) sau khi nhân dân tệ mất giá đang buộc chính phủ Trung Quốc phải xem xét vực dậy nội tệ của mình trước khi quá muộn. Vậy, Trung Quốc đang làm điều đó như thế nào?

 

Thị trường tài chính toàn cầu những ngày đầu năm 2016 đã có sự khởi đầu tệ hại, khi hai phiên giao dịch bị chấm dứt tại Trung Quốc với chỉ số CSI 300 giảm hơn 7%, do các nhà đầu tư bán tháo. Nó đã tác động không nhỏ đến một loạt các thị trường chứng khoán (TTCK) khác trên thế giới, trong đó có Mỹ khiến chỉ số Dow Jones giảm đáng kể.

Cả thế giới lo ngại về việc TTCK Trung Quốc có thể sẽ sụp đổ và gây ảnh hưởng lớn đến kinh tế thế giới, sau khi ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC) liên tục có các động thái phá giá đồng nhân dân tệ.

Trên thực tế, việc chính phủ Trung Quốc phá giá nhân dân tệ liên tục trong thời gian qua là điều đã được dự báo từ trước. Với việc được Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) xếp vào giỏ tiền dự trữ, Trung Quốc sẽ bắt đầu phải điều chỉnh lại tỷ giá nội tệ của mình về sát giá trị thực để tạo vị thế cao hơn cho nhân dân tệ.

Nhưng, chính phủ Trung Quốc đã có một quyết định vụng về khi chọn đúng thời điểm TTCK nước này chưa thực sự hồi phục để hạ tỷ giá nhân dân tệ. Với việc lắp đặt hệ thống ngắt mạch giao dịch, cùng với lệnh cấm các cổ đông lớn bán tháo cổ phiếu sắp được hủy bỏ, thì việc phá giá nhân dân tệ ở thời điểm này càng khiến cho các nhà đầu tư tìm cách bán tháo cổ phiếu ra với quy mô lớn nhất. Chỉ trong 4 phiên giao dịch đầu năm 2016, đã có tới 2 phiên nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu khiến chỉ số CSI 300 giảm hơn 7% khiến thiết bị ngắt mạch giao dịch được kích hoạt.

Điều này đang đẩy Trung Quốc vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan. Chính phủ nước này muốn hạ tỷ giá một cách uyển chuyển để củng cố vị thế nhân dân tệ, đồng thời thúc đẩy xuất khẩu vốn đang suy trầm trong thời gian qua. Nhưng ở thời điểm này hạ tỷ giá nhân dân tệ lại khiến TTCK rơi vào tình trạng hoảng loạn nghiêm trọng.

Chưa kể, động thái liên tiếp hạ tỷ giá nhân dân tệ trong một thời gian ngắn mà không có dấu hiệu báo trước cho thị trường cũng khiến cho các nhà đầu tư nghi ngờ về năng lực của chính phủ Trung Quốc. Khi đã trở thành một quốc gia có nội tệ nằm trong giỏ tiền dự trữ của IMF, nghĩa vụ của Trung Quốc là phải minh bạch và công khai quá trình điều hành tỷ giá, chứ không phải cách làm có phần... mờ ám kia.

Để cứu vãn TTCK, chính phủ Trung Quốc ở thời điểm hiện tại buộc phải tìm cách xốc lại đà sụt giảm tỷ giá của nhân dân tệ để tạo niềm tin cho TTCK và các nhà đầu tư quốc tế. Và Bắc Kinh đã chọn một nước cờ mạo hiểm: thay vì điều chỉnh tỷ giá nhân dân tệ tại thị trường đại lục, Trung Quốc lại chọn cách can thiệp vào tỷ giá nhân dân tệ ở thị trường Hồng Kông. Trong phiên giao dịch ngày thứ Ba, Bắc Kinh đã liên tiếp mua vào nhân dân tệ ở thị trường Hồng Kông với ý định nâng tỷ giá cho nội tệ tại thị trường này. Đã có lúc, nhân dân tệ tăng giá 0,7% so với đồng USD tại thị trường Hồng Kông trước khi cố định ở mức tăng 0,4%.

Vì sao Trung Quốc lại chọn Hồng Kông để làm nơi can thiệp tỷ giá thay vì ở đại lục. Câu trả lời nằm ở việc Hồng Kông là một trung tâm tài chính lớn ở châu Á, đồng thời được xem là cửa ngõ chủ chốt để tiến ra thế giới của nhân dân tệ. Nếu tỷ giá nhân dân tệ tại thị trường Hồng Kông thay đổi, nó cũng sẽ tác động tới tỷ giá đồng tiền này tại các trung tâm tài chính lớn khác trên thế giới như London. Và việc can thiệp vào tỷ giá nhân dân tệ tại thị trường Hồng Kông rõ ràng là đơn giản và ít tốn kém hơn so với tại đại lục.

Tất nhiên tỷ giá này sẽ nhanh chóng bị điều chỉnh trở lại nếu như tỷ giá nhân dân tệ tại đại lục vẫn không có gì thay đổi. Động thái can thiệp này vì thế đang gần giống như một trò đánh lừa, cố gắng che giấu tỷ giá thực sự của nhân dân tệ tại thị trường đại lục.

Vì thế, động thái can thiệp tỷ giá tại thị trường Hồng Kông của chính phủ Trung Quốc lần này được đánh giá chỉ mang ý nghĩa kéo dài thời gian, chứ không giải quyết được tận gốc tình trạng tiến thoái lưỡng nan mà nước này đang gặp phải trong việc điều hành tỷ giá nội tệ. Nói cách khác, nếu tiếp tục hạ tỷ giá, TTCK Trung Quốc sẽ gặp nguy hiểm; còn nếu vực tỷ giá dậy thì ảnh hưởng đến xuất khẩu và chính sách điều chỉnh tỷ giá linh hoạt mà Bắc Kinh đang theo đuổi.

Tính đến thời điểm hiện tại, để trấn an các nhà đầu tư, chính phủ Trung Quốc lại tiếp tục có một quyết định vụng về khác là sử dụng tuyên truyền.

Han Jun - Phó giám đốc văn phòng phụ trách các vấn đề tài chính kinh tế của Đảng cộng sản Trung Quốc, đã có một bài trả lời phỏng vấn trước các nhà đầu tư ở New York về tình hình hiện tại của thị trường tài chính Trung Quốc. Nhưng thay vì sử dụng các biện pháp được xem là có tính thuyết phục như phân tích tình hình hay đưa ra những cam kết, điều duy nhất được Han Jun đề cập đến là các nhà đầu tư nên có niềm tin vào nhân dân tệ. Nó không gì khác hơn là một lời hứa hẹn một cách chung chung mang tính tuyên truyền.

Sự điều hành thị trường tài chính một cách vụng về trong lúc này của Bắc Kinh đang càng khiến các chuyên gia nghi ngờ về khả năng chuyển đổi mô hình tăng trưởng một cách thành công của Trung Quốc. Cách điều hành của Trung Quốc đang tỏ ra bất nhất và thiếu hiệu quả.

Điển hình là việc lắp đặt hệ thống ngắt mạch giao dịch tại TTCK khi chỉ số CSI 300 sụt giảm quá mạnh. Chính phủ Trung Quốc lắp đặt hệ thống này để ngăn chặn những biến động lớn tương tự như vụ sụp đổ của TTCK nước này hồi tháng 8.2015, với mục đích tạo sự tin tưởng của các nhà đầu tư. Nhưng sau khi hệ thống này được đưa vào sử dụng được chưa đầy 1 tuần, nó đã ngay lập tức bị gỡ bỏ khi trên thực tế nó chỉ đang thúc đẩy tâm lý bán tháo cổ phiếu ra của các nhà đầu tư một cách mạnh mẽ hơn mà thôi.

Các tin khác