Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 8-1 vừa qua đã hứa sẽ đầu tư 250 tỷ USD trong vòng 10 năm vào vùng Mỹ Latin và Caribbean. Giới quan sát nhận định Bắc Kinh đang ra sức sử dụng sức mạnh mềm để chen chân vào khu vực được gọi là sân sau của Hoa Kỳ.
Khi khai mạc cuộc họp với Cộng đồng các quốc gia châu Mỹ Latin và Caribbean (CELAC), ông Tập Cận Bình còn tái khẳng định mong muốn thương mại giữa Trung Quốc và 33 quốc gia trong khối CELAC đạt mức 500 tỷ USD trong thập niên tới.
Ông Tập Cận Bình nhấn mạnh Trung Quốc sẽ tập trung nỗ lực trong công cuộc hợp tác toàn diện với các quốc gia Mỹ Latin. Các cuộc thảo luận để gia tăng hợp tác trong diễn đàn đang mở ra mang tính quyết định trong việc củng cố sự hội nhập của Trung Quốc vào khu vực trong 5 năm tới, trong các lĩnh vực an ninh, thương mại, tài chính, năng lượng, công nghệ và nông nghiệp.
Nguồn tin báo chí cho hay Mỹ Latin muốn đặt nền móng cho mối quan hệ được tăng cường với Trung Quốc, đối tác thương mại chủ yếu của vùng nhân diễn đàn CELAC tại Bắc Kinh lần này. Đây là diễn đàn chủ yếu cấp bộ trưởng, nhưng các nguyên thủ quốc gia như Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro, Tổng thống Ecuador Rafael Correa và Tổng thống Costa Rica Guillermo Solis đều đến Bắc Kinh để tiếp xúc với ông Tập Cận Bình.
Cuộc họp này đã từng được Chủ tịch Trung Quốc thông báo vào tháng 7 vừa qua trong chuyến công du Brazil, Argentina, Venezuela và Cuba. Trong chuyến công du đó, ông Tập Cận Bình đã hứa cấp những khoản tín dụng và đầu tư 70 tỷ USD.
Đối với Trung Quốc, Mỹ Latin là nguồn cung cấp nguyên vật liệu dồi dào, nhất là năng lượng. Không những là đối tác thương mại hàng đầu hiện nay, theo Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) Trung Quốc cũng là một trong những nhà đầu tư hàng đầu vào Mỹ Latin với 102 tỷ USD. Dẫu vậy vẫn có những chia rẽ nhất định trong nội bộ Mỹ Latin trong cách nhìn nhận về Trung Quốc. Ngoài những người ủng hộ, vẫn có những người nghi ngờ vai trò của Trung Quốc, e sợ nguy cơ trở thành một châu Phi thứ 2.
Chiêu hạ giá đồng NDT để kích thích xuất khẩu sang các nước Mỹ Latin đã gây khó chịu cho một số nước. Trong mối quan hệ bất đối xứng, nhiều chính phủ Mỹ Latin lo ngại nước mình chỉ là nơi cung cấp đồ ăn và khoáng sản cho Trung Quốc, và sẽ không có nhiều việc làm cho lao động địa phương.
Việc tập trung xuất khẩu nguyên nhiêu liệu có giá trị thấp sang Trung Quốc khiến cơ cấu kinh tế của các nước Mỹ Latin lạc hậu và các ngành công nghiệp sản xuất ở đây khó phát triển. Đã có nhiều cuộc biểu tình phản đối hàng hóa Trung Quốc tràn ngập thị trường hay việc các doanh nhân Trung Quốc mua đất với diện tích rộng ở Nam Mỹ.
Mới đây nhất là cuộc biểu tình của người dân Nicaragua phản đối dự án kênh đào Nicaragua khởi công ngày 22-12-2014 với lý do dự án chỉ đem lại lợi nhuận cho chủ đầu tư Hồng Công chứ không giúp cho người dân Nicaragua.
![]() |
Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro (trái) và Chủ tịch Trung Quốc |
Một vài nước, trong đó có Brazil và Argentina, đã áp dụng một số biện pháp chống phá giá trước cơn lụt hàng hóa giá rẻ xuất xứ từ Trung Quốc. Với Brazil, nền kinh tế lớn nhất Mỹ Latin - đã có những động thái cho thấy muốn làm đối tác bình đẳng với Trung Quốc chứ không phải là “tay chân” cho quốc gia này.
Các nước trong vùng còn đối mặt với nạn ô nhiễm môi trường từ hoạt động khai khoáng của Trung Quốc và chặt phá rừng để trồng nông sản (nhất là đậu tương) đáp ứng nhu cầu của Trung Quốc. Cá biệt từng có doanh nghiệp Mỹ Latin liên kết với Trung Quốc để sản xuất máy bay đã tố phía đối tác Trung Quốc đánh cắp công nghệ chế tạo máy bay của họ…