Năm 2022, Trung tâm phấn đấu đạt trên 230 tỷ đồng- chạm mục tiêu đã đề ra là 10 triệu USD/năm.
Tác giả Nhật ký của mẹ - nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung vẫn tiếp tục nằm trong nhóm dẫn đầu về số tiền bản quyền thu được hàng năm. Chia sẻ với báo chí, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cho biết, anh tham gia Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam từ năm 2006, lúc ấy tiền tác quyền nhận được là 9 triệu đồng và đến năm 2021, số tiền nhận được là hơn 1,2 tỷ đồng.
Liên quan tới tiền tác quyền thu được từ các dòng nhạc, ông Đinh Trung Cẩn, Tổng giám đốc Trung tâm này cho biết mỗi dòng nhạc khác nhau cũng đem lại số tiền tác quyền không giống nhau. Cụ thể như các tác phẩm thuộc dòng nhạc cách mạng, truyền thống, có sức sống lâu bền với khán, thính giả nên tác quyền thu được từ dòng này khá ổn định.
Dòng nhạc thị trường, nhạc nhẹ thì có sự trồi sụt rất rõ rệt tùy theo sức nóng của tác phẩm. Có những bài "hot" có tác quyền tăng rất nhanh nhưng thời gian kéo dài không lâu và nhanh chóng sụt giảm. Cũng theo lãnh đạo của Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam thì dòng nhạc giao hưởng, nhạc không lời hiện nay tiền tác quyền thu được đang khiêm tốn nhất.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung thuộc nhóm tác giả có tiền bản quyền âm nhạc dẫn đầu với hơn 1 tỷ/ năm
Tính đến tháng 9-2022, Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam đã ký thoả thuận ủy quyền với 86 tổ chức quản lý tập thể quyền, nhà sản xuất, nhà xuất bản có cùng lĩnh vực, với phạm vi điều chỉnh ở gần 160 quốc gia và vùng lãnh thổ. Thông qua các thỏa thuận này, Trung tâm hiện đang là tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả duy nhất tại Việt Nam, được quyền đại diện để quản lý và bảo vệ lợi ích của trên 4 triệu tác giả quốc tế tại lãnh thổ Việt Nam; đồng thời, với các cam kết song phương và cơ chế phối hợp với nhiều tổ chức quốc tế, quyền lợi của tác giả Việt Nam cũng được quản lý, bảo vệ tại các quốc gia tham gia ký kết.
Hiện Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam đang thực hiện cấp phép và thu tiền sử dụng quyền tác giả âm nhạc đối với hơn 20 lĩnh vực sử dụng âm nhạc như: biểu diễn nghệ thuật, phát thanh- truyền hình, sản xuất, phát hành bản ghi âm, ghi hình, phát hành trực tuyến, website và app nhạc, mạng xã hội, nhạc chuông nhạc chờ, sao chép quảng cáo, nhạc phim, phương tiện giao thông, các lĩnh vực dịch vụ có sử dụng nhạc tại các địa điểm kinh doanh như nhà hàng, khách sạn, resort, nhà hàng, phòng karaoke, quán bar, cà phê, phòng trà, siêu thị, cửa hàng, rạp chiếu phim…