Ban tặng của tạo hóa
Trường Sơn được coi là dãy núi dài nhất Việt Nam có độ dài 1.100km, bắt đầu từ Nghệ An và kết thúc tại Bình Phước. Đỉnh cao nhất dãy Trường Sơn gần 2.600m so với mặt nước biển và chiều ngang dài nhất 130km… Đó là báu vật tạo hóa đã ban tặng cho con người - dân tộc Việt Nam từ hàng trăm năm nay.
Trường Sơn không chỉ là vùng sinh thái hùng vĩ về thiên nhiên, huyền bí về phong thủy mà còn gắn liền với lịch sử dựng nước, giữ nước và mở cõi của dân tộc Việt. Điểm nhấn nữa, Trường Sơn là minh chứng hùng hồn về mối quan hệ giữa các quốc gia, dân tộc ở vùng Đông Nam Á vừa hiền hòa, vừa phức tạp này.
Lịch sử còn ghi rõ các sự kiện giao lưu và mở cõi của các dân tộc sống chung dọc dài Trường Sơn. Người ta nói chẳng ngoa: Ai chiếm được Trường Sơn thì làm chủ được toàn cõi Đông Dương. Ai chinh phục được Trường Sơn thì “ bất khả chiến bại”...( !)
Ý chí toàn dân tộc
Ý chí toàn dân tộc
Lịch sử mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta gắn liền với dãy Trường Sơn. Không xa thì gần, không nông thì sâu, cha ông ta đã coi Trường Sơn là bức tường thành cho các cuộc kháng chiến bảo vệ và xây dựng đất nước. Từ thời sơ khai Đinh, Lý, tiền Lê đến thời Trần và các triều đại phong kiến Việt Nam nối tiếp, lịch sử dựng nước, giữ nước và bang giao quốc tế đều gắn với dãy Trường Sơn. Triều đại phong kiến cuối cùng của Việt Nam - Triều Nguyễn, kể từ lúc con trai của Nguyễn Kim - chúa Nguyễn Hoàng mở cõi vào phương Nam cũng gắn với dãy Trường Sơn hùng vĩ, huyền thoại này.

Hơn bao giờ hết, đến thời đại Hồ Chí Minh, dãy Trường Sơn biểu lộ rõ ý chí của 54 dân tộc anh em sống trên dải đất hình chữ S. Năm 1945, thời sơ khai dựng nhà nước cộng hòa non trẻ đầu tiên ở Đông Nam Á, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thấy rõ vị trí chiến lược của dãy Trường Sơn. Trong kháng chiến, Trường Sơn vừa là hậu phương vừa là tiền tuyến.
Nơi đây nuôi dưỡng, cất giấu các binh đoàn chủ lực, thanh niên xung phong, các kho vũ khí, lương thực, thuốc men, trang bị kỹ thuật phục vụ cuộc chiến tranh giải phóng và bảo vệ đất nước. Nơi đây còn thể hiện ý chí quyết chiến quyết thắng, vì độc lập tự do, thống nhất đất nước của toàn dân tộc. Mọi người không quên những câu khẩu hiệu tạc trên vách đá: “Tất cả vì tiền tuyến”, “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, mà lòng phơi phới dậy tương lai”, “Ra đi giữ trọn lời thề/ Chưa đánh tan giặc chưa về quê hương”...
Hồ Chủ tịch nói: “Dù có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải giành cho được độc lập”. Trường Sơn còn là nguồn cảm hứng vô tận của các văn nghệ sỹ. Từ “Bài ca Trường Sơn“ (Trần Chung - Gia Dũng), “Trên đỉnh Trường Sơn ta hát” (Huy Du), “Bài ca bên cánh võng” (Nguyên Nhung) , “Đêm Trường Sơn nhớ Bác” (Trần Chung)…, đến “Trường Sơn Đông - Trường Sơn Tây” (Hoàng Hiệp - Phạm Tiến Duật), “Sợi nhớ sợi thương” (Phan Huỳnh Điểu - Thúy Bắc), “Hát giữa đại ngàn Trường Sơn” (Quỳnh Hợp - Nguyễn Anh Nông)… đều thể hiện ý chí bảo vệ non sông và tinh thần lạc quan của dân tộc Việt Nam.
Sau đại thắng Mùa Xuân năm 1975, thống nhất đất nước, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, đường Trường Sơn - con đường chiến lược quân sự huyền thoại mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh - trở thành đường Trường Sơn công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Đường Hồ Chí Minh là 1 trong 4 tuyến đường huyết mạch chạy dọc Việt Nam, dài trên 3.000km biểu tượng cho ý chí Việt Nam, sự thống nhất trọn vẹn trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Đó cũng là biểu tượng đoàn kết hữu nghị giữa 3 nước Việt Nam - Lào - Campuchia trên bán đảo Đông Dương.
Món nợ với người đã khuất
Món nợ với người đã khuất
Đến nay, dù đã cố gắng rất nhiều, người ta vẫn chưa thể thống kê hết, trải qua mấy cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc có bao nhiêu cán bộ, chiến sỹ và nhân dân đã ngã xuống dọc dài Trường Sơn. Riêng ở Quảng Trị có trên 70 nghĩa trang thờ tự các liệt sỹ, trong đó chủ yếu là liệt sỹ Trường Sơn. Riêng Nghĩa trang Liệt sỹ Trường Sơn có hơn 10.000 phần mộ liệt sỹ, trong đó còn hàng ngàn ngôi mộ “liệt sỹ chưa biết tên”. Món nợ với người nằm xuống đang đè nặng vai những người đang sống.
Để góp phần cùng cả nước chăm lo cho Trường Sơn, tri ân các liệt sỹ đã hy sinh trên dải Trường Sơn, cách đây đúng 10 năm (2009-2019), báo SGGP đã phát động Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn. Chỉ trong vòng 3 năm (2009-2011), Chương trình đã vận động được gần 150 tỷ đồng, thực hiện nhiều công trình nghĩa tình với người đang sống và những người đã khuất trên dãy Trường Sơn…
Tuy vậy, trở lại Trường Sơn gần đây, chúng tôi vẫn thấy còn bao điều bức xúc. Dù đã có cố gắng, nhưng đời sống của một bộ phận lớn bà con các dân tộc trên đỉnh Trường Sơn vẫn còn khó khăn. Đâu đó vẫn còn bản làng hiu hắt, cơm chưa đủ no, áo chưa đủ ấm. Một số khu di tích lịch sử, căn cứ kháng chiến cũ đang xuống cấp. Nhiều khu rừng bị tàn phá hoặc khai thác thiếu tính toán, khoa học.
Kỷ niệm 60 năm ngày mở đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh (19-5-1959 - 19-5-2019), không chỉ là dịp ôn lại ký ức hào hùng, điều quan trọng hơn là phát động được nhiều nguồn lực chi viện cho Trường Sơn, góp phần đổi thay bộ mặt con đường chiến lược, huyết mạch này. Điều đầu tiên nên làm là góp phần nâng cao mức sống của bà con các dân tộc sống dọc dài Trường Sơn - những người đã thủy chung theo cách mạng từ những ngày đầu kháng chiến gian lao và anh dũng.
---------
(*) Đại tá, nguyên TBT báo SGGP, nguyên Trưởng Ban tổ chức Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn
---------
(*) Đại tá, nguyên TBT báo SGGP, nguyên Trưởng Ban tổ chức Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn