Thời gian vừa qua báo chí đưa tin rầm rộ về một kỹ sư người Việt chế tạo ra một loại nỏ bắn hàng loạt mũi tên đồng Cổ Loa như "nỏ thần" An Dương Vương ngày xưa. Thậm chí, kỹ sư này còn đăng ký bằng độc quyền sáng chế về loại nỏ này tại cục sở hữu trí tuệ.
Dù vậy, vẫn còn rất nhiều người hoài nghi về truyền thuyết "nỏ thần" mà hầu như người Việt này cũng đã từ nghe. Truyền thuyết kể rằng: "Vua An Dương Vương xây thành Cổ Loa 9 vòng ốc, nhưng xây mãi mà không xong phải nhờ thần Kim Quy giúp mới xây được. Khi xây xong, thành Cổ Loa, thần Kim Quy có rút móng rùa trao cho vua An Dương Vương và bảo vua chế nỏ thần. Mỗi lần địch đến vua mang "nỏ thần" ra bắn khiến quân giặc thây chết đầy đồng..."
Rất nhiều người nghĩ rằng câu truyện "nỏ thần" chỉ là một truyền thuyết, một loại cổ tích kể cả khi ông kỹ sư người Việt chế ra được loại nỏ bắn cùng lúc nhiều mũi tên đồng Cổ Loa.
Những ý kiến phản bác lập luận, cho rằng chùm mũi tên đồng Cổ Loa bắn từ nỏ của ông kỹ sư Việt kia kể cả có bay xa được đến 200m, nhưng ở cuối tầm tên thì mũi tên sẽ rất nhẹ nên không thể xuyên giáp được, nếu mà bắn như thế thì chỉ có… phí đồng. Hay làm gì có chuyện chiếc nỏ "bắn một phát chết cả vạn quân". Thậm chí, nhiều người còn cười cợt và coi "nỏ thần" chỉ là sự tưởng tượng của người Việt, hay tượng trưng cho tinh thần chiến đấu của người Việt. Có người còn cho rằng đó là cái nỏ của Khổng Minh, một nhân vật trong tiểu thuyết Tam Quốc bên Trung Quốc.
Những nghi vấn kể trên cho thấy sức nhiều người vẫn chưa thật sự tin vào trí tuệ Việt và sức ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa đến đất nước ta lớn như thế nào.
Thực nghiệm bắn nỏ từ trên cao đã chứng minh truyền thuyết nỏ thần của An Dương Vương trong lịch sử là có thật. Clip: Hà Anh |
Thế nhưng, vẫn còn nhiều người Việt đặt niềm tin vào truyền thuyết "nỏ thần", tin và mong ước một cách mơ hồ như là tiềm thức luân hồi chuyển kiếp cả nghìn năm nay của người Việt. Những người tin vào "nỏ thần" mong mỏi ông kỹ sư nọ đưa ra bằng chứng rõ ràng và hợp lý. Đó là làm thế nào mà cái nỏ của ông kỹ sư bắn ra chùm tên có thể gây sát thương ở cuối tầm tên?
Ở đây, lại một lần nữa trí tuệ của người Việt xưa lại gây bất ngờ cho tất cả chúng ta vì các cụ đã tìm ra cách để bắn xuyên giáp giặc kể cả cuối tầm tên xa "tít tắp". Theo phân tích của kỹ sư, quân Âu Lạc đã đưa "nỏ thần" lên cao và chế tạo ra mũi tên đồng với hình dạng khí động học của mình, cùng với tỷ trọng lớn nên mũi tên đã không bị không khí cản lại và có được chuyển động nhanh dần đều khi rơi từ trên cao xuống. Càng cao thì vận tốc tiếp đất của mũi tên đồng Cổ Loa càng nhanh và sức sát thương càng lớn.
Nguyên lý mũi tên kim loại (đồng, sắt) rơi từ trên cao, sử dụng trọng lực (trọng lượng mũi tên và lực hút trái đất) từng được sử dụng làm vũ khí tấn công trong Thế chiến thứ nhất (1914-1918). Ảnh: tư liệu |
Như vậy, "nỏ thần" xưa bắn từ trên cao có 2 giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất, nỏ bắn đẩy mũi tên ra xa và lên cao, chùm hàng trăm mũi tên bay khỏi nỏ khi quay quanh trục của mình cùng ánh sáng mặt trời sẽ tạo hiệu ứng ánh sáng khiến chùm tên tạo thành vầng hào quang rực rỡ. Do vậy, "nỏ thần" có tên là kim quang linh trảo thần nỏ, trong giai đoạn này, chùm kim quang các mũi tên Cổ Loa không giết người.
Giai đoạn 2, chùm kim quang của hàng nghìn mũi tên Cổ Loa nhờ lực hút của trái đất sẽ đồng loạt rơi tự do nhanh dần đều xuống đâm vào đỉnh đầu quân giặc. Phần đầu nặng sẽ khiến mũi tên Cổ Loa lao đầu xuống trước, tức càng cao thì vận tốc mũi tên lao vào đỉnh đầu giặc càng lớn.
Ví dụ nếu bắn ở độ cao 300m thì vận tốc của mũi tên khi đâm vào đầu quân giặc sẽ tới 100m/s (mà vận tốc để thủng sọ người chỉ là 37m/s) và thử nghiệm đạn súng lục xuyên giáp sắt mỏng ngày nay có vận tốc dưới 100m/s. Đây tuy là kiến thức vật lý phổ thông nhưng TS.KH ngành vật lý Ivan Vikegzanin và TS công nghệ Kolyadov Dmitriy từ tập đoàn tên lửa Almaz Antey (Nga) đều xác nhận rằng có thể sử dụng được cho cách tính gần đúng.
Nhân tố chính để mũi tên Cổ Loa bắn ra từ "nỏ thần" xuyên được giáp sắt giặc chính là trạng thái rơi tự do nhanh dần đều của mũi tên gây ra bởi lực hút của trái đất. Mặc dù "nỏ thần" đã được giới thiệu 4 năm, nhưng không ai nói lên được sự thật vật lý là mũi tên đồng Cổ Loa trong bảo tàng lịch sử. Theo đó, chỉ cần thả từ độ cao 250m là thừa sức tiêu diệt toàn bộ quân địch ở dưới, dù đây chỉ là kiến thức vật lý lớp 10. Kể cả chính kỹ sư chế ra "nỏ thần" cũng không nhấn mạnh điều này.
Mũi tên đồng khai quật được tại di chỉ khảo cổ thành Cổ Loa (bên phả) có nhiều nét tương đồng với những mũi tên sắt được sử dụng trong Thế chiến I. Ảnh: Hà Anh |
Vậy là đã quá rõ ràng, truyền thuyết là sự thật lịch sử đến từng chi tiết "nỏ thần" khi xưa là một cây nỏ rất to bắn cùng lúc hàng trăm, thậm chí hàng nghìn mũi tên cùng lúc. Khi rời khỏi nỏ, hàng nghìn mũi tên quay quanh trục cùng với ánh sáng mặt trời tạo vầng hào quang rực rỡ, rồi sau đó đồng loạt rơi tự do xuống đỉnh đầu quân giặc với vận tốc nhanh dần đều.
Hiện tượng trên tương tự như những mũi tên bay flechette mà máy bay thả từ độ cao 300 m tiêu diệt cùng lúc toàn bộ bộ binh và kỵ binh trong Thế chiến I, hay sự thật đau lòng mà chính các bộ đội Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ từng gặp phải đạn tổ ong hay đạn đinh của địch. Tức là hàng nghìn mũi tên nhỏ li ti được rải ra trên không trung rồi lao xuống đất đâm vào các chiến sĩ.
Sự hủy diệt của loại vũ khí này trong thời đại ngày nay là vô cùng khủng khiếp, tương tự hàng nghìn mũi tên Cổ Loa lao vào đội hình tập trung của địch cách đây 2.300 năm. Đến đây hẳn không còn ai nghi ngờ về truyền thuyết kể thây giặc chất đầy đồng khi "nỏ thần" bắn nữa.
Như vậy, "nỏ thần" phải bắn từ trên cao, càng cao thì vận tốc mũi tên càng lớn khi đâm vào giặc và điều đó lý giải vì sao thành ốc Cổ Loa phải xây rất cao và xây rất lâu. Thành Cổ Loa phải xây hình ốc để có đường độc đạo từ dưới lên đỉnh để đưa nỏ lên cao và nỏ có thể hướng mọi hướng theo hướng có quân giặc.
"Nỏ thần" bắn một lúc hàng nghìn mũi tên rất to và bắn từ trên cao, nên sử sách xưa ghi là giặc nhìn thấy "nỏ thần" là không dám lại gần. Do vậy, cách duy nhất để thắng được quân Âu Lạc lúc đó là vô hiệu hóa "nỏ thần" mà truyền thuyết đã kể là đánh tráo lẫy nỏ.
Truyền thuyết "nỏ thần" đúng đến từng chi tiết sẽ thắp lên hy vọng một ngày nào đó sẽ có bằng chứng truyền thuyết "Thánh Gióng" hay truyền thuyết "Trăm trứng" đều là sự thật lịch sử.