Ông Đỗ Quang Hiển – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn T&T Group (hàng phía trước, thứ nhất từ phải sang) thay mặt T&T Group nhận quyết định chủ trương đầu tư dự án Cụm công nghiệp Nam Phúc Thọ.
Dự án với tổng mức đầu tư 779,8 tỷ đồng (tương đương 33,5 triệu USD), đặt tại Huyện Phúc Thọ, sẽ là cụm công nghiệp xanh, sạch, ứng dụng công nghệ kỹ thuật cao, tiết kiệm năng lượng, không gây ô nhiễm môi trường với quy mô 41,7ha.
Trước thềm hội nghị, đại diện Thành phố Hà Nội đã cùng đại diện Tập đoàn T&T Group ký kết thỏa thuận hợp tác cho 4 dự án trong 2 lĩnh vực: phát triển hạ tầng thể thao và nông nghiệp công nghệ cao với tổng mức đầu tư 680 triệu USD.
Dự án Học viện thể thao T&T đặt tại thị xã Sơn Tây với quy mô khoảng 25ha, tổng mức đầu tư 110 triệu USD. Đây sẽ là môi trường đào tạo chuyên nghiệp về các môn thể thao với bóng đá là nòng cốt. Bên cạnh đó, học viện cũng sẽ nghiên cứu khoa học ứng dụng trong thể thao và đào tạo vận động viên, huấn luyện viên, giáo viên, quản lý thể thao.
Dự án Tổ hợp thể thao Sân vận động Hàng Đẫy, với mức đầu tư 270 triệu USD, quy mô 32.158m2, bao gồm khu sân vận động 20.000 chỗ, khu vực nhà thi đấu, khu văn phòng làm việc. Trong tương lai, khu tổ hợp thể thao Sân vận động Hàng Đẫy sẽ là địa điểm tổ chức các sự kiện văn hóa thể thao lớn của Thành phố Hà Nội. Đồng thời, đây cũng sẽ là nơi phục vụ các giải thi đấu thể thao bóng đá chuyên nghiệp cấp thành phố, quốc gia Đông Nam Á và Châu Á.
Đại diện Thành phố Hà Nội và đại diện Tập đoàn T&T Group đã cùng nhau ký kết thỏa thuận hợp tác cho 4 dự án trong 2 lĩnh vực: phát triển hạ tầng thể thao và nông nghiệp công nghệ cao với tổng mức đầu tư 680 triệu USD.
Dự án Trung tâm quần vợt Hà Nội, đặt tại Quận Nam Từ Liêm, với tổng mức đầu tư 100 triệu USD, quy mô 8,48ha, gồm khu vực thi đấu trong nhà, khu vực thi đấu ngoài trời, sân trung tâm, các sân tập luyện, khu vực dịch vụ thương mai, khu vực giải trí, khu vực văn phòng, khu họp báo, khu lưu trú dành cho VĐV, CĐV… Trong tương lai, đây sẽ là nơi tổ chức các sự kiện, giải đấu quần vợt hàng đầu trong nước và quốc tế, tạo điều kiện phát triển môn thể thao quần vợt trên địa bàn Thành phố hà Nội, đóng góp công trình có điểm nhấn kiến trúc đặc sắc cho Thủ đô.
Đặc biệt, dự án Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Sơn Tây, với tiêu chí xây dựng vùng nông nghiệp tập trung, đưa Thị xã Sơn Tây thành trung tâm ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao của khu vực. Dự án có tổng mức đầu tư 200 triệu USD với diện tích 841ha, bao gồm 5 khu. Dự án sẽ tạo lập một không gian phát triển với các hoạt động kinh tế đan xen và hỗ trợ lẫn nhau, được quy hoạch hiện đại, đồng bộ, thân thiện với môi trường.
Dự án hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng sống, cảnh quan, môi trường và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Hà Nội nói chung và khu vực Thị xã Sơn Tây nói riêng, đáp ứng được mục tiêu chiến lược phát triển lâu dài của thành phố trong lương lai.
Trước đó, vào tháng 2-2020, nhà máy điện rác Xuân Sơn, đặt tại Ba Vì với công suất 15,5W, công suất 1.000 tấn/ngày - đêm do Tập đoàn T&T Group làm chủ đầu tư đã được bổ sung vào quy hoạch điện VII quốc gia.
T&T Group là tập đoàn đa ngành, tiên phong trong việc đồng hành các chủ trương, chính sách của Chính phủ, Thành phố Hà Nội. Hiện T&T Group kinh doanh trải dài trên khắp lãnh thổ Việt Nam và hiện diện tại các cường quốc lớn trên thế giới như Mỹ, Nga, Đức, Úc...
Những năm gần đây, T&T Group đang đẩy mạnh hợp tác đầu tư trong và ngoài nước với hàng loạt thương vụ đình đám như: ký kết hợp đồng thu mua điều thô lớn nhất thế giới, hợp tác với Tập đoàn YCH (Singapore) thành lập trung tâm tăng trưởng thông minh, hợp tác với đối tác Mỹ đầu tư dự án khí hóa lỏng 6 tỷ USD, vận hành nhà máy điện năng lượng mặt trời Phước Ninh công suất 45MW…
IFC hỗ trợ Hà Nội thu hút đầu tư có giá trị gia tăng cao, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và thịnh vượng Cũng trong khuôn khổ hội nghị “Hà Nội 2020 - Hợp tác đầu tư và phát triển”, IFC, một thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới, đã ký biên bản ghi nhớ với Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội để hỗ trợ thành phố thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) “thế hệ mới” và đa dạng hóa nguồn vốn thông qua các công cụ tài chính và tư vấn kỹ thuật nhằm duy trì tốc độ phát triển kinh tế cao, tăng cường năng lực cạnh tranh và đảm bảo phát triển bền vững vì thịnh vượng chung cho mọi người dân. Theo biên bản ghi nhớ, IFC sẽ hỗ trợ thành phố Hà Nội xây dựng và triển khai chiến lược FDI thế hệ mới phù hợp định hướng của Bộ Chính trị và chương trình hành động thu hút đầu tư nước ngoài đến năm 2030 của chính phủ. IFC cũng sẽ hỗ trợ thành phố Hà Nội đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư. Với mạng lưới khách hàng và đối tác trên toàn cầu, các nỗ lực của IFC sẽ tập trung cho các lĩnh vực tiềm năng quan trọng như tài chính, cơ sở hạ tầng, hậu cần, y tế và giáo dục. Ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội cho biết, “Thu hút FDI theo định hướng chiến lược như xác định trong Nghị quyết 50/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu quả, chất lượng đầu tư nước ngoài đến 2030 có vai trò thiết yếu trong việc duy trì tăng trưởng kinh tế bền vững và việc làm của Hà Nội và thực hiện kế hoạch công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030 của thành phố. Chúng tôi hoan nghênh hỗ trợ của IFC trong việc xây dựng và thực hiện chiến lược đầu tư mới cũng như đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư cho thành phố và huy động các nhà đầu tư có chất lượng thông qua mạng lưới của IFC trên toàn cầu”. “Hà Nội vốn đã có sẵn nhiều yếu tố căn bản để thu hút được FDI chất lượng cao hơn. Những dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu hiện nay – một hệ quả của đại dịch COVID-19 – là cơ hội tốt để thành phố ưu tiên thúc đẩy những dự án FDI phù hợp với chiến lược phát triển của mình. Những dự án FDI có hàm lượng công nghệ cao và thúc đẩy được liên kết giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài để mang lại giá trị gia tăng nội địa cao hơn sẽ giúp mở rộng các cơ hội cho chuỗi cung ứng địa phương, mang lại các cơ hội việc làm tốt hơn, và cải thiện năng lực cạnh tranh của thành phố” - ông Kyle Kelhofer, Giám đốc Quốc gia IFC phụ trách Việt Nam, Campuchia và Lào cho biết. |