TTCK: “Cháy” tài khoản vì mua “hàng nóng”

(ĐTTCO) - Đợt điều chỉnh của thị trường chứng khoán (TTCK) trong những tháng gần đây khiến cho nhóm cổ phiếu (CP) đầu cơ lao dốc mạnh. Nhiều nhà đầu tư (NĐT) đã phải nói lời chia tay với TTCK do “cháy” tài khoản vì các mã CP “nóng” do một “chuyên gia” CK có biệt danh A7 “phím hàng”. 
Nhiều NĐT đã rớt hết "hầu bao" trong tài khoản vì mua CP "nóng".
Nhiều NĐT đã rớt hết "hầu bao" trong tài khoản vì mua CP "nóng".
Công khai “phím hàng”
Đợt tăng nóng của TTCK trong năm 2021 và những tháng đầu năm 2022, mã DIG (Tổng CTCP Đầu tư phát triển xây dựng) tăng từ trên mốc 20.000 đồng lên vượt mốc 100.000 đồng. Thời điểm đó, trên các diễn đàn CK xuất hiện một nhân vật có biệt danh “A7” liên tục hô hào NĐT mua vào các mã CP bất động sản như DIG hay CEO với giá mục tiêu 500.000 đồng.
Lời “hiệu triệu” của A7 được rất nhiều NĐT, đặc biệt là các NĐT mới (F0), nhiệt liệt hưởng ứng. Lý do khiến cho NĐT F0 tin tưởng A7 là bởi trước đó nhân vật này đã “phím hàng” cho NĐT mã L14 (CTCP Licogi 14), từ mức giá chưa đầy 80.000 đồng trở thành mã CP đắt nhất trên TTCK với mức giá lịch sử là 420.000 đồng.
Để tạo sự chú ý cho các NĐT, A7 và các cộng sự của mình tổ chức nhiều buổi talk show về TTCK trong năm 2021, với thành phần tham gia chủ yếu là giới đầu tư bất động sản và CK, gọi chung là đội NIK. Ngoài L14, A7 còn “phím hàng” nhiều mã bất động sản như DIG, CEO, SGR, HDC, DRH, NHA, CII, NBB…
Các mã CP này sau đó đều tăng nóng đúng dự báo, khiến nhiều người đặt hết niềm tin vào A7. Thậm chí, nhiều NĐT còn tôn sùng A7 là “thầy” và sẵn sàng chửi những người lên tiếng cảnh báo về nhân vật này trên các diễn đàn CK.   
Sau những phiên tăng nóng, các mã CP trên đều rơi vào tình trạng đổ dốc trước áp lực bán cắt lỗ của NĐT đang kẹt hàng ở mức giá cao. Thế nhưng, trên các diễn đàn, nhiều thành viên của đội NIK vẫn hô hào các thành viên khác không bán tháo CP, nếu còn tiền cứ tiếp tục mua bắt đáy CP bất động sản, tránh xa các nhóm ngành cơ bản và mua vào bất động sản với mục tiêu tăng giá tính bằng lần. 
“Trắng tay” vì A7
Mới đây, trên diễn đàn CK, một NĐT chia sẻ câu chuyện buồn khi đầu tư theo “khuyến nghị” của A7. Theo đó, NĐT bán đất được hơn 12 tỷ đồng để đầu tư vào danh mục CP bất động sản của A7 là DIG, CEO, L14, NHA… Nếu tính ở mức giá đỉnh NĐT này mua trong năm 2021 và thời điểm đầu năm 2022, thì toàn bộ số CP trong danh mục đầu tư này ghi nhận mức lỗ trên 90%.
Cụ thể, L14 từ 420.000 đồng xuống còn 29.000 đồng, DIG từ 102.000 đồng xuống còn 15.400 đồng, CEO từ 100.000 đồng xuống còn 11.100 đồng, NHA từ 75.000 đồng xuống 10.800 đồng. Từ số vốn ban đầu hơn 12 tỷ đồng, đến nay tài khoản của NĐT này chỉ còn hơn 2 tỷ đồng.
Cũng trên các diễn đàn CK, thời gian gần đây, nhiều NĐT “đu đỉnh” nhóm CP kể trên đã lập các group với mục đích tập hợp các ý kiến tố cáo A7 lừa đảo thông qua các lớp đào tạo về kỹ năng đầu tư CK.
Theo một NĐT bị thua lỗ vì tham gia các group phím hàng kín của A7, trong các buổi “lên lớp”, A7 giới thiệu rất nhiều về bản thân mình. Đó là người có khả năng đặc biệt về đầu tư CK, đã có nhiều người làm giàu nhờ đầu tư các mã CP mà A7 chia sẻ. Và điểm chung là tất cả những mã CP mà A7 “phím” cho NĐT đều là CP bất động sản.
Lãnh đạo doanh nghiệp có liên quan?
Tại ĐHCĐ bất thường 2022 được tổ chức ngày 12-10 vừa qua, ông Nguyễn Thiện Tuấn, Chủ tịch HĐQT DIG, tỏ ra bất ngờ khi giá CP giảm mạnh chỉ còn 24.000 đồng. Trước các câu hỏi chất vấn của cổ đông về hiện tượng này, ông Tuấn cho biết con gái mình là bà Nguyễn Thị Thanh Huyền đã đăng ký mua vào 20 triệu CP DIG.
Bản thân ông Tuấn, sau ngày 30-10, nếu giá CP DIG còn dưới 30.000 đồng, thì ông Tuấn cũng sẽ đăng ký mua thêm 10 triệu CP. Sau tuyên bố của ông Tuấn, giá CP DIG bật tăng lên mốc 26.000 đồng, nhưng cũng bất ngờ giảm mạnh xuống dưới mốc 18.000 đồng (phiên giao dịch ngày 31-10) sau thông tin doanh nghiệp bất ngờ thua lỗ trong quý III. 
Tuy nhiên, trong khi cổ đông chờ đợi ông Tuấn mua vào như lời hứa, thì HoSE bất ngờ công bố thông tin hàng loạt cổ đông nội bộ, trong đó có ông Tuấn bị CTCK bán giải chấp 8,6 triệu CP. Cụ thể, ông Tuấn bị ép bán 3 triệu CP, ông Nguyễn Hùng Cường (con trai ông Tuấn), Phó Chủ tịch HĐQT bị ép bán 1,4 triệu CP.
Bên cạnh đó, một cổ đông lớn khác của DIG là CTCP Đầu tư phát triển Thiên Tân cũng đã bị ép bán 4,2 triệu CP. 
Việc 2 lãnh đạo cao cấp nhất của doanh nghiệp phải bán giải chấp CP khiến dư luận đặt nghi vấn về hoạt động thao túng giá CP của doanh nghiệp. Theo một số NĐT có kinh nghiệm, nghi vấn này là có cơ sở nếu biết rằng trong các clip “phím hàng” cho NĐT, A7 thường úp mở về mối quan hệ với lãnh đạo DIG. Nhờ sự quen biết này, A7 tiết lộ DIG sẽ có lợi nhuận đột biến trong các tháng cuối năm nay.
Tuy nhiên, theo báo cáo tài chính quý III, doanh nghiệp này bất ngờ báo lỗ 1 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi 42 tỷ đồng. Trong khi theo kế hoạch năm 2022, tổng doanh thu và lợi nhuận trước thuế của DIG đạt 5.000 tỷ đồng và 1.900 tỷ đồng. Như vậy, muốn hoàn thành kế hoạch cả năm thì lợi nhuận quý IV của DIG phải đạt 1.700 tỷ đồng. 
Cũng tại ĐHCĐ bất thường, DIG công bố phương án phát hành CP cho cổ đông hiện hữu với giá 15.000 đồng. Trong khi trước đó, tại ĐHCĐ thường niên 2022 tổ chức đầu năm, HĐQT của DIG lên phương án phát hành với giá 30.000 đồng, sau đó giảm xuống 20.000 đồng và giờ là 15.000 đồng. Nếu phát hành thành công, DIG sẽ huy động thêm 1.500 tỷ đồng để bổ sung vốn cho các hoạt động đầu tư. 
Phát biểu tại ĐHCĐ 2022, thời điểm CP DIG “làm mưa, làm gió” trên TTCK, ông Tuấn cho rằng việc huy động 1.500 tỷ đồng không phải do doanh nghiệp thiếu vốn, mà nhằm đáp ứng phục vụ đầu tư các siêu dự án. Bởi DIG hiện có hơn 2.200 tỷ đồng tiền gửi, dự kiến đầu năm 2023 sẽ có thêm 5.000 tỷ đồng. DIG đang nắm trong tay khoảng 22 dự án bất động sản và dự kiến mở thêm kênh đầu tư phát triển bất động sản khu công nghiệp và một số lĩnh vực mới mang tính lâu dài. 
 Sau những tuyên bố hùng hồn ở thời điểm giá CP lên đỉnh và cái kết phải bán giải chấp, giới đầu tư đặt biệt danh cho Chủ tịch HĐQT DIG là Tuấn “nổ”. 

Các tin khác