Trước ngày nghỉ lễ 10/3 Âm lịch, thị trường chứng khoán đã có một phiên giao dịch đặc biệt gay cấn, nhất là phiên chiều. Ở phiên này, biên độ dao động của VN-Index rất lớn, nhiều nhà đầu tư "thót tim", và cũng rất nhiều nhà đầu tư "bốc hơi" tài khoản mặc dù chỉ số vẫn tăng điểm. Nguyên nhân là do đà tăng của thị trường vẫn chưa có sự lan tỏa. Chỉ số vẫn đang dựa vào lực kéo của cổ phiếu trụ.
“Xanh vỏ, đỏ lòng” là trạng thái của phiên giao dịch ngày 20/4 khi đà tăng của chỉ số được hậu thuận lớn từ một số cổ phiếu vốn hóa lớn như: VHM, VNM, VCB. Trên sàn HSX, chỉ có 187 mã tăng giá so với 227 mã giảm giá. Chỉ số VNMID và VNSML đại diện cho nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ đóng cửa với mức giảm lần lượt 0,8% và 0,6%. Diễn biến của các ngành cũng cho thấy phần lớn sự điều chỉnh, đặc biệt ở các nhóm ngành như chứng khoán, thép, xây dựng, phân bón, đường. Rất có thể bộ ba VHM, VNM, VCB sẽ giữ vai trò thay thế bộ ba VIC, HPG và MSN trong việc “gồng gánh” thị trường trong những phiên tiếp theo.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 20/04, VN-Index tăng 7,70 điểm lên mốc 1.268,28 điểm; HNX-Index tăng 0,73 điểm (+0,25%) lên 296,48 điểm. Thị trường cũng ghi nhận thêm một phiên giao dịch “tỷ đô” khi giá trị giao dịch trên HSX tiếp tục ở mức cao, đạt 23.100 tỷ, tương đương với 843,60 triệu cổ phiếu được khớp lệnh. Về giao dịch của các nhà đầu tư nước ngoài, họ vẫn tiếp tục bán ròng với 558,51 tỷ trên cả hai sàn, trong đó hai cổ phiếu bị bán mạnh nhất vẫn là VHM (- 340,42 tỷ) và VNM (-129,40 tỷ).
Theo các chuyên gia của Công ty Cổ phần Chứng khoán Kiến Thiết (VNCSI), những tưởng thị trường sẽ ghi nhận thêm một phiên giao dịch bùng nổ thì những dấu hiệu kém tích cực lại nhiều hơn mặc dù VN-Index đóng cửa trong sắc xanh.
“Nỗ lực của một số cổ phiếu phiếu vốn hóa lớn là chưa đủ để sắc xanh lan tỏa trên thị trường. Sự thận trọng của nhà đầu tư là vẫn còn khi mặt bằng giá của phần lớn cổ phiếu Midcap và Penny vẫn đang khá cao, điều này khiến cho hai nhóm cổ phiếu này đang có sự hụt hơi so với chỉ số VN-Index”, chuyên gia của VNCSI cho hay.
Nhóm cổ phiếu trụ đang có sự “xoay tua” nhau để nâng đỡ thị trường và kịch bản này có thể tiếp diễn trong những phiên tiếp theo để "kéo" điểm chỉ số.
“Chúng tôi duy trì quan điểm tích cực về xu hướng ngắn hạn của VN-Index, và chỉ nên ưu tiên giải ngân ở hai nhóm cổ phiếu là nhóm vốn hóa lớn và nhóm cổ phiếu có kết quả kinh doanh quý 1 khả quan”, VNCSI nêu quan điểm.
Áp lực chốt lời gia tăng
Còn theo nhóm phân tích của Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), áp lực chốt lời gia tăng mạnh trong phiên 20/4 đã thu hẹp đáng kể mức tăng của VN-Index, từ mức đỉnh 1.286 điểm đạt được trong phiên để kết phiên ở mức 1.268 điểm. Giá trị khớp lệnh trong phiên 20/4 cũng đạt mức kỷ lục mới với gần 24.000 tỷ đồng trên VN-Index và HNX-Index. Rõ ràng là bên mua và bên bán đang giằng co quyết liệt tại đây.
“Với việc thị trường đóng cửa được trên ngưỡng 1.250 điểm trong hai phiên liên tiếp, chúng tôi cho rằng, xác suất để thị trường nối dài sóng tăng 5 lên ngưỡng 1.325 điểm (fibonacci retracement 161,8% sóng điều chỉnh 4) hoặc chuyển sang sóng điều chỉnh a với target quanh 1.135 điểm (fibonacc retracement 50% sóng tăng 5) là ngang nhau”, chuyên gia của SHS nói.
Trong phiên giao dịch hôm nay 22/4, chuyên gia của SHS dự báo, thị trường có thể tiếp tục rung lắc trước áp lực chốt lời của nhà đầu tư. Do đó, nhà đầu tư trung hạn mua vào trước Tết trong các phiên 28/1-2/2 và nhà đầu tư ngắn hạn mua vào trong các phiên 24/3-26/3 đã chốt lời trong tuần trước nên đứng ngoài quan sát thị trường.
“Những nhà đầu tư vẫn còn nắm giữ cổ phiếu với kỳ vọng sóng tăng 5 có thể tiếp tục trong thời gian tới có thể áp dụng chiến lược trailing stop theo đường trung bình 20 ngày hiện quanh ngưỡng 1.225 điểm, nếu thủng ngưỡng này thì nên bán ra”, chuyên gia của SHS khuyến nghị.
Ông Trần Xuân Bách, Phụ trách mảng phân tích thị trường Công ty Cổ phần Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cũng cho rằng, VN-Index đóng cửa tăng điểm nhưng diễn biến giảm điểm về cuối phiên trước nghỉ lễ có thể sẽ khiến áp lực chốt lời gia tăng trong phiên hôm nay 22/4. Độ rộng thị trường tiêu cực khi số mã giảm nhiều hơn số mã tăng trong ngày chỉ số tăng điểm. Trong khi đó, khối lượng tăng so với phiên trước đó và cao hơn mức bình quân 20 phiên. Diễn biến trên cho thấy, lực cung tiềm ẩn tại vùng kháng cự 1.275-1.300 điểm sẽ còn tạo ra nhiều khó khăn cho đà đi lên của thị trường trong ngắn hạn.
“Cây nến Doji xuất hiện tại vùng kháng cự 1.275-1.300 không chỉ cho thấy sự thận trọng và có phần do dự của nhà đầu tư trước vùng cản mạnh, mà còn làm gia tăng rủi ro điều chỉnh cho thị trường chung. Nếu để mất ngưỡng hỗ trợ 1.255-1.260 điểm, chỉ số sẽ quay lại kiểm định vùng hỗ trợ 1.225-1.232 điểm”, ông Trần Xuân Bách nhận định.
Chuyên gia của BVSC dự báo, VN-Index sẽ tiếp tục thử thách vùng kháng cự 1.268-1.275 điểm trong những phiên còn lại của tuần. Tuy nhiên, đây vẫn là vùng kháng cự sẽ tạo ra áp lực rung lắc mạnh cho thị trường khi tiếp cận. Diễn biến thị trường giai đoạn này nhiều khả năng sẽ vẫn chịu sự chi phối của một vài cổ phiếu vốn hóa lớn, kèm theo đó là sự phân hóa mạnh giữa các nhóm cổ phiếu trên thị trường.
“Nhà đầu tư nên giảm tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục xuống mức 35-45% cổ phiếu. Đồng thời, tiếp tục tận dụng các nhịp tăng điểm của thị trường để xem xét bán giảm tỷ trọng danh mục, đặc biệt là khi thị trường tiếp cận các vùng kháng cự quanh 1.268 và 1.300 điểm”, ông Trần Xuân Bách khuyến cáo.