Bộ Tài chính vừa có văn bản trả lời Hiệp hội Tư vấn tài chính Việt Nam (VFCA) về những kiến nghị hỗ trợ thị trường chứng khoán Việt Nam vượt qua khó khăn, thách thức gây ra bởi đại dịch COVID-19.
Bộ Tài chính cho biết đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ quan điểm điều hành thị trường chứng khoán trong giai đoạn hiện nay là phải đảm bảo thị trường hoạt động liên tục, thông suốt, an toàn, minh bạch trên cơ sở tôn trọng quan hệ cung cầu, hạn chế tối đa can thiệp hành chính và kỹ thuật vào thị trường.
Trong trường hợp cần thiết, Bộ Tài chính có thể xem xét áp dụng các giải pháp kỹ thuật; trong đó có một số giải pháp như sẽ xem xét điều chỉnh biên độ dao động giá.
Theo Bộ Tài chính, cơ chế này hiện nay ít phổ biến trên thế giới do phần lớn các nước áp dụng cơ chế ngắt mạch tự động.
Ở thị trường chứng khoán Việt Nam, cơ chế này đang được áp dụng tại thông tư 203/2015/TT-BTC ngày 21/12/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn giao dịch trên thị trường chứng khoán và đã từng được áp dụng một số lần trong các giai đoạn biến động của thị trường, gần đây nhất là vào thời điểm khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Biện pháp siết biên độ có tác dụng như một giải pháp cấp cứu cho thị trường, mang tính tình thế để chặn ngay lập tức đà giảm giá. Tuy vậy, đây chỉ là giải pháp ngắn hạn, hầu như không có tác dụng chặn xu thế giảm điểm của thị trường.
Trong giai đoạn từ tháng 1 đến đầu tháng 4/2020, thị trường chứng khoán Việt Nam giảm mạnh cùng với thị trường thế giới, song khác với năm 2008, ngay cả những phiên giảm điểm mạnh nhất, thanh khoản thị trường vẫn duy trì ở mức tích cực (6.000 tỷ đồng/ phiên).
Theo Bộ Tài chính, điều này có nghĩa là thị trường vẫn còn lực cầu mạnh, sẵn sàng giải ngân, bắt đáy khi có cơ hội.
Trong thời gian vừa qua, thị trường chứng khoán đang có diễn biến phục hồi, vì vậy Bộ Tài Chính cho rằng, chưa cần thiết phải điều chỉnh biên độ giá, tuy nhiên, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của thị trường để áp dụng khi thực sự cần thiết.
Đối với giải pháp tạm ngừng giao dịch, theo Bộ Tài chính, đó là giải pháp mang tính cực đoan, chỉ áp dụng trong trường hợp rất đặc biệt. Đơn cử như Bộ Tài chính đã cho phép ngừng giao dịch tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) trong ngày 23-24/1/2018 do sự cố về hệ thống giao dịch.
Về vấn đề kéo dài hiệu lực thi hành miễn, giảm giá các loại dịch vụ chứng khoán, theo Bộ Tài Chính, nhằm hỗ trợ thị trường chứng khoán trước tác động của dịch COVID-19, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 14/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 127/2018, theo hướng giảm giá và miễn hoàn toàn không thu đối với 15 loại dịch vụ chứng khoán tại Sở Giao dịch Chứng khoán và Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD), có hiệu lực từ 19/3/2020 đến hết 31/8/2020.
Nguyên tắc giảm giá dịch vụ được thực hiện theo hướng đánh giá các dịch vụ có phạm vi tác động rộng trên toàn thị trường, các loại giá dịch vụ tác động trực tiếp tới tổ chức phát hành, nhà đầu tư. Đồng thời, phải xét tới khía cạnh cân đối giữa lợi ích của đối tượng sử dụng dịch vụ và đối tượng cung cấp dịch vụ (2 Sở Giao dịch Chứng khoán và VSD).
Theo kiến nghị của VFCA về kéo dài thời hạn hỗ trợ giá dịch vụ, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 70/2020 ngày 17/7/2020, nhằm kéo dài hiệu lực thi hành của Thông tư số 14/2020 đến hết ngày 30/6/2021.
Ngoài ra, VFCA có kiến nghị về việc thúc đẩy cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước để tạo thêm nguồn cung cho thị trường chứng khoán.
Bộ Tài chính cho biết, vấn đề thúc đẩy cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước đang rất được Chính phủ, Thủ tướng đặc biệt quan tâm và chỉ đạo sát sao. Tuy nhiên, tiến độ thực hiện còn chậm so với kế hoạch đặt ra.
Theo các quyết định được ban hành trước đó, giai đoạn 2016-2020 sẽ thực hiện cổ phần hóa tại 128 doanh nghiệp, thoái vốn tại 348 doanh nghiệp. Nhưng đến tháng 5/2020, mới có 36/128 doanh nghiệp được cổ phần hóa (đạt 28% kế hoạch) và 99/348 doanh nghiệp thực hiện thoái vốn (đạt 28% kế hoạch).
Một trong những nguyên nhân chính khiến tiến độ thực hiện bị chậm trễ là do diễn biến khó lường của dịch bệnh đã làm hoạt động sản xuất, kinh doanh và các hoạt động khác của xã hội bị đình trệ; khiến việc triển khai công tác cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước gặp khó khăn. Dự báo việc triển khai theo kế hoạch giai đoạn 2016 - 2020 đến cuối năm nay là khó khả thi.
VFCA cũng cho rằng, cần yêu cầu các doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần hóa phải thực hiện niêm yết, đăng ký giao dịch để tạo thêm nguồn cung cho thị trường chứng khoán.
Theo Bộ Tài chính, về việc niêm yết, đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán của doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa, Ủy ban Chứng khoán nhà nước, Bộ Tài chính đã có kiến nghị các giải pháp thúc đẩy hoạt động này với Thủ tướng, trong Báo cáo Thủ tướng Chỉnh phủ số 10340 ngày 4/9/2019.
Bộ Tài chính đã có động thái xử lý vi phạm quy định về niêm yết, đăng ký giao dịch của doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa, theo yêu cầu tại văn bản số 10327 ngày 12/11/2019 của Văn phòng Chính phủ.
Đến nay, Ủy ban Chứng khoán nhà nước, Bộ Tài Chính đã ra quyết định xử phạt đối với 42 doanh nghiệp và nhắc nhở 23 trường hợp.
Về vấn đề triển khai các cơ chế mới nhằm thúc đẩy thanh khoản của thị trường chứng khoán, Bộ Tài chính cho biết, hiện nay, quy định đối với việc thanh toán cho giao dịch trong ngày và thanh toán chứng khoán chờ về đã có trong Thông tư 203/2015 ngày 21/12/2015 và được kế thừa trong dự thảo Thông tư thay thế Thông tư này.
Về hệ thống, chức năng giao dịch trong ngày và thanh toán chứng khoán chờ về đã được tích hợp vào chức năng của hệ thống công nghệ thông tin mới do Sở Giao dịch Chứng khoán Hàn Quốc triển khai (hệ thống KRX) và sẽ được áp dụng sau khi hệ thống mới đi vào vận hành, dự kiến cuối năm 2020.
Hệ thống KRX đã mở rộng thêm một số tính năng vay, cho vay chứng khoán mới bao gồm cho vay với mục đích thương mại bên cạnh vay hỗ trợ thanh toán, hỗ trợ giao dịch ETF như hiện nay.
Việc triển khai các hoạt động vay, cho vay mới so với quy định hiện nay sẽ được VSD áp dụng sau khi có hướng dẫn thực hiện của cơ quan quản lý và phù hợp với phạm vi chức năng hệ thống KRX sau khi đi vào hoạt động.
Hiện nay, Bộ Tài chính (Ủy ban Chứng khoán nhà nước) đang nghiên cứu quy định về cơ chế hoạt động bù trừ, thanh toán chứng khoán cơ sở theo mô hình CCP trong quá trình hoàn thiện dự thảo các văn bản pháp lý liên quan như Nghị định hướng dẫn Luật Chứng khoán 2019, Thông tư thay thế Thông tư 05/2015.
Bên cạnh đó, các yêu cầu chức năng liên quan đến mô hình thanh toán CCP cũng đã được đưa ra trong khuôn khổ hệ thống KRX. Trên cơ sở đó, khi hệ thống KRX đi vào hoạt động, việc bù trừ thanh toán theo mô hình đối tác trung tâm cho thị trường cơ sở sẽ được triển khai, đồng bộ về mặt tính năng hệ thống và cơ sở pháp lý.
Bộ Tài chính cũng thông tin sẽ sớm có những quy định cụ thể về việc đưa các doanh nghiệp FDI lên sàn giao dịch chứng khoán; xây dựng hành lang pháp lý thúc đẩy thanh khoản của thị trường trái phiếu doanh nghiệp; có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp tham gia đầu tư công, qua đó tạo động lực mới cho thị trường chứng khoán...