Dòng tiền sụt giảm
Tháng 9 đối với nhà đầu tư (NĐT) được đánh giá là vô cùng khắc nghiệt do tác động tiêu cực từ Covid-19 lên nền kinh tế, thể hiện rõ nét qua con số GDP trong quý III là âm 6,17%. Đây là lần đầu tiên Việt Nam chứng kiến tăng trưởng GDP âm kể từ năm 2000.
Hoạt động sản xuất kinh doanh của DNNY cũng bị gián đoạn do đứt gãy chuỗi cung ứng từ chính sách siết chặt giãn cách xã hội để phòng chống dịch.
Bên cạnh đó là tâm lý hoảng loạn của NĐT xuất phát từ sự kiện “bom nợ” Evergrande, kích hoạt nỗi lo hiệu ứng dây chuyền với nhóm bất động sản (BĐS) và ảnh hưởng sang các khu vực tài chính. Điều dẫn đến sự điều chỉnh của TTCK toàn cầu và tác động đến thị trường Việt Nam.
Tương tự, nhóm cổ phiếu (CP) ngân hàng (NH) bị NĐT bán tháo do nghi ngờ về rủi ro nợ xấu gia tăng sau đại dịch.
Việc 2 nhóm ngành quan trọng là BĐS và NH của TTCK điều chỉnh giảm dù không khiến VN Index “sập”, nhưng chính là nguyên nhân khiến cho dòng tiền vào TTCK sụt giảm mạnh. Theo thống kê, thanh khoản bình quân mỗi phiên trên sàn HoSE thông qua giao dịch khớp lệnh trong tháng 9 chỉ đạt 19.400 tỷ đồng, giảm 10,7% so với tháng 8.
Đáng chú ý là thanh khoản nhóm VN30 giảm 26%, trong khi nhóm CP nhỏ tăng 16% so với tháng trước. Nếu tính luôn cho toàn thị trường tổng giá trị giao dịch bình quân đạt 26.521 tỷ đồng/phiên, giảm 7,9% so với tháng 8, trong đó giá trị khớp lệnh bình quân giảm 9,5% xuống mức 24.352 tỷ đồng.
GDP tăng trưởng âm khi Việt Nam thực hiện giãn cách hết tháng 9 cũng tạo áp lực tâm lý lên NĐTNN. Theo thống kê, khối ngoại vẫn bán ròng trong tháng 9 với giá trị bán ròng đạt 8.400 tỷ đồng (tương đương 365 triệu USD) thông qua giao dịch khớp lệnh trên HoSE.
Dòng tiền của các ETF ngoại cũng khá tiêu cực khi FTSE và VNM ETF bị rút ròng lần lượt là 57,4 triệu USD và 1 triệu USD. Tương tự, Fubon ETF đã cũng bị rút ròng 6,8 triệu USD. Với các quỹ ETF nội, FUEVFVND bị rút ròng 47,6 triệu USD trong khi E1VFVN30 hút ròng 7,6 triệu USD.
Nhưng không bi quan như dự báo
Nhưng không bi quan như dự báo
Cùng với tăng trưởng GDP âm, kết quả kinh doanh (KQKD) quý III của các DNNY được dự báo sẽ là gam màu tối. Đơn cử là nhóm BĐS, do quý III thường là quý thấp điểm ghi nhận KQKD của ngành.
Đồng thời, do giãn cách kéo dài, hoạt động bán hàng và tiến độ xây dựng bị trì hoãn tại các khu vực trọng điểm (TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An) ảnh hưởng đến tiến độ bàn giao và ghi nhận lợi nhuận trong tương lai. Tuy nhiên, KQKD của DNNY BĐS lại không quá tiêu cực, thậm chí còn tăng trưởng mạnh đối với nhóm ngành BĐS công nghiệp.
Nhóm ngành tạo ấn tượng nhất trong mùa công bố KQKD quý III là thép, nhờ sản lượng xuất khẩu lớn sang các thị trường nước ngoài như châu Âu, Mỹ (tôn mạ) và Trung Quốc (phôi thép). Đặc biệt, việc giá thép tại các thị trường này có xu hướng tăng giúp biên lợi nhuận được đảm bảo và cải thiện.
Tương tự, việc giá dầu và cao su trên thị trường quốc tế tăng mạnh cũng là yếu tố tạo nên sự kỳ vọng đối với các DNNY ở 2 nhóm ngành này. Đáng chú ý là nhóm ngành được hưởng lợi từ dịch bệnh như bán lẻ hàng tiêu dùng, bán lẻ công nghệ hay y tế.
Theo CTCK Everest (EVS), lợi nhuận nhóm CP vốn hóa lớn nhất thuộc Top 50 (chiếm 89% đại diện thị trường) dự báo sụt giảm lợi nhuận chỉ khoảng 3,3% so với cùng kỳ. Đây là mức không quá lớn trong bối cảnh gần như nền kinh tế bị gián đoạn do ảnh hưởng dịch bệnh.
Trong đó, nhóm tài chính gồm NH và CTCK dự báo chỉ sụt giảm 6,7%. Cụ thể, nhóm NH giảm 9% so với cùng kỳ, ngược lại nhóm CTCK dự báo tăng trưởng khoảng 59%. Cũng theo EVS, thị trường đã phản ánh hầu hết các tiêu cực trong tháng 9 và cần thời gian để NĐT đánh giá lại triển vọng phục hồi của nền kinh tế trong quý IV.
DNNY hồi phục trong quý IV
Tháng 10 với tâm điểm là mùa báo cáo tài chính quý III, là thời gian để thị trường thực sự đo lường mức độ tiêu cực của đại dịch đến KQKD của các DNNY. Việc VN Index “rung lắc” mạnh xung quanh mốc 1.400 điểm trong những phiên giao dịch gần đây cho thấy thị trường đang tích lũy để tạo tiền đề cho nhịp tăng mới của thị trường trong 2 tháng cuối năm.
Nhận định này được kỳ vọng vào sự phục hồi của các DNNY trong quý IV khi các quy định giãn cách dần được nới lỏng từ ngày 1-10. Nhận định này dựa trên thực tế của TTCK trong tháng 9, dù đối mặt với nhiều thách thức trong tháng 9, nhưng VN Index vẫn khá cân bằng nhờ dòng vốn từ các NĐT cá nhân và bộ phận tự doanh của các CTCK. Theo thống kê, bộ phận tự doanh của các CTCK đã mua ròng 1.418 tỷ đồng (tương đương 62 triệu USD) trong tháng 9.
Theo CTCK Bảo Việt (BVSC), nền kinh tế được mở cửa trở lại trong quý IV là yếu tố tích cực mở ra triển vọng bắt nhịp trở lại với hoạt động sản xuất kinh doanh của các DNNY.
Dư địa để có một gói kích thích kinh tế lớn sẽ là kỳ vọng lớn nhất đối với các NĐT và yếu tố này cũng sẽ dẫn dắt đà tăng trưởng của thị trường, là động lực tăng giá cho nhóm CP dự báo được hưởng lợi từ yếu tố này.
Bên cạnh thúc đẩy đầu tư công, các cơ quan điều hành sẽ có thêm chính sách để thúc đẩy nguồn vốn đầu tư tư nhân. Việc thúc đẩy đầu tư công sẽ giúp cho các NDNY trong lĩnh vực cung cấp nguyên vật liệu và xây dựng sẽ thu hút được nhiều kỳ vọng của NĐT.
Với nhóm BĐS khu công nghiệp, đây có thể là lựa chọn tốt trong quý IV bởi lẽ nhóm này không chỉ hưởng lợi từ quá trình đẩy mạnh đầu tư công, mà nhóm ngành này còn có thể hưởng lợi từ khi dòng vốn FDI trở lại sau quá trình giãn cách, siết chặt thời gian vừa qua.
Theo dự báo của CTCK VNDirect (VND), tăng trưởng EPS năm 2021 của các DNNY trên HoSE là 26%. Lợi nhuận của một số lĩnh vực như dầu khí, BĐS, bán lẻ, thực phẩm và đồ uống, NH sẽ phục hồi trở lại trong quý IV.
Trong khi lợi nhuận của ngành CK và thép vẫn duy trì ở mức cao. Đối với năm 2022, kỳ vọng tăng trưởng EPS của các DNNY trên HoSE tăng trưởng ở mức cao 21%. Với cùng nhận định khả quan, BVSC cho rằng mặt bằng lãi suất thấp, sự quan tâm của NĐT cá nhân trong nước, cùng sự dẫn dắt bởi kỳ vọng vào gói kích thích kinh tế lớn nhất từ trước đến nay sẽ là những yếu tố chính quyết định xu hướng thị trường trong quý IV.
VN Index sẽ có xu hướng tăng trong quý IV và kết thúc năm 2021 trong khoảng 1.400-1.450 điểm.