TTCK: Nhịp tăng mạnh, rủi ro cao

(ĐTTCO) - Tiếp nối đà tăng trưởng trong năm 2017, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam quý đầu tiên của năm 2018  đã trở thành một trong những TTCK tăng trưởng mạnh nhất trên thế giới.
 Tuy vậy, dù có những nhận định khá lạc quan về TTCK trong năm 2018, nhưng rủi ro sau giai đoạn tăng nóng là có thật, thậm chí có ý kiến cho rằng TTCK đang trong giai đoạn cực kỳ nhạy cảm.
Tăng mạnh nhất thế giới
So với thời điểm đầu năm 2018, VN Index đã tăng 19,33% và là chỉ số CK tăng mạnh nhất thế giới trong quý I, bỏ xa thị trường đứng thứ 2 là Ai Cập với mức tăng 15,52%. Trước đó, trong năm 2017 VN Index cũng lọt vào nhóm 3 chỉ số CK tăng mạnh nhất thế giới.
Tính đến hết phiên giao dịch cuối cùng của quý I, VN Index đã lên đỉnh 1.174,46 điểm, mức đóng cửa cao nhất trong lịch sử TTCK nước ta. Không chỉ tăng mạnh về điểm số, thanh khoản thị trường cũng được cải thiện đáng kể với những phiên giao dịch giá trị 8.000-10.000 tỷ đồng đang diễn ra khá thường xuyên, và nhà đầu tư (NĐT) đã dần quen với mặt bằng thanh khoản này.
 TTCK đã đóng góp tích cực cho sự thành công của cổ phần hóa, thoái vốn các doanh nghiệp nhà nước, công tác tái cấu trúc thị trường đã được triển khai quyết liệt và đạt được nhiều kết quả tích cực. Trong đó thị trường trái phiếu đã thể hiện vai trò quan trọng trong việc huy động vốn cho ngân sách và tái cơ cấu nợ công.
Ông ĐINH TIẾN DŨNG,
Bộ trưởng Bộ Tài chính
Sự bứt phá mạnh mẽ của TTCK trong thời gian qua, được nhận định đến từ nền tảng vĩ mô tích cực. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tăng trưởng GDP quý I ước tăng 7,38% so với cùng kỳ năm trước và là mức tăng cao nhất của quý I trong 10 năm gần đây. Đáng chú ý, tăng trưởng đã được ghi nhận ở cả 3 khu vực kinh tế, trong đó khu vực công nghiệp và xây dựng, với mức tăng rất cao. Bên cạnh đó, mặt bằng lãi suất cũng duy trì ổn định, đã góp phần hỗ trợ cho các doanh nghiệp, cũng như kích thích dòng vốn đổ vào TTCK. 
Một trong những yếu tố đóng góp quan trọng nhất cho TTCK là dòng vốn từ các NĐT nước ngoài (NĐTNN). Theo thống kê, khối ngoại tiếp tục mua ròng trong quý I với giá trị duy trì ở mức cao. Cụ thể, trên sàn HOSE, khối ngoại mua vào 71.200 tỷ đồng và bán ra 61.600 tỷ đồng, giá trị mua ròng đạt hơn 9.600 tỷ đồng.
Đáng chú ý, sau 4 tháng mua ròng, khối ngoại đã bán ròng nhẹ trong tháng 3 với giá trị đạt gần 12 tỷ đồng. Nguyên nhân đến từ việc các quỹ chỉ số bị rút vốn mạnh trong tháng 3, trong bối cảnh NĐTNN lo ngại rủi ro gia tăng do Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (FED) tăng lãi suất và nguy cơ chiến tranh thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Trong quý I, khối ngoại mua ròng mạnh các mã của ngành tài chính (10.300 tỷ đồng), tập trung ở các mã bất động sản như VRE, VIC, DXG, PDR. Các ngành còn lại được mua ròng nhưng với giá trị không lớn như dầu khí (852 tỷ đồng), ngân hàng (632 tỷ đồng), dịch vụ tiêu dùng (595 tỷ đồng) và tiện ích cộng đồng (273 tỷ đồng). Trong khi đó, các ngành bị bán ròng gồm có nguyên vật liệu (1.600 tỷ đồng), công nghiệp (850 tỷ đồng), dược phẩm và y tế (418 tỷ đồng), công nghệ thông tin (116 tỷ đồng) và hàng tiêu dùng (114 tỷ đồng). 

Ai hưởng lợi?
Cách đây 10 năm, gần như tất cả NĐT đều hưởng lợi khi TTCK tăng nóng, nhưng ở thời điểm hiện tại vẫn còn nhiều NĐT thua lỗ. Theo thống kê, mới đây toàn thị trường hiện có 1.417 mã cổ phiếu (CP) được giao dịch trên cả 3 sàn HOSE, HNX và UPCoM. Nhưng đáng lo ngại là gần 1/3 số mã CP đang giao dịch dưới mệnh giá (10.000 đồng/CP). Trong đó có 235 mã CP giao dịch dưới mức 5.000 đồng/CP và hơn một nửa trong số này giao dịch ở giá khoảng 3.000 đồng/CP. Thậm chí nhiều mã giao dịch dưới mốc 1.000 đồng/CP.
Hiện tại, TTCK thế giới đang tiềm ẩn nhiều rủi ro cao, nhất là khi chỉ số CK tại các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Nhật Bản, châu Âu, Đông Nam Á đều đang bước vào giai đoạn giá xuống. Đây có thể coi là những báo hiệu rủi ro gia tăng với quả bom tín dụng được thổi lên trong 9 năm qua. Do đó việc thận trọng là cần thiết trong giai đoạn này, và có thể sẽ cần chiến lược phòng ngừa nếu TTCK thế giới có những đợt sụt giảm bất ngờ ngoài dự kiến.
Ông TRẦN HOÀNG SƠN,
Giám đốc Chiến lược thị trường MBS
Đa phần mã CP có giá bèo hiện đang giao dịch trên sàn HNX và UPCoM. Nhóm ngành chiếm số lượng nhiều nhất là dầu khí, CK, xây dựng, vận tải biển, khoáng sản và nhóm CP họ Sông Đà, họ Lilama. Không ít doanh nghiệp có vốn điều lệ khủng và từng một thời làm mưa làm gió trên TTCK, nhưng CP hiện giao dịch ở mức giá tương đương… ly trà đá.
Điển hình là các doanh nghiệp như CTCP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (ITA) vốn 9.380 tỷ đồng, Tổng CTCP Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVX) vốn 4.000 tỷ đồng, CTCP Tập đoàn Đại Dương (OGC) vốn 3.000 tỷ đồng, CTCP Tập đoàn Đức Long Gia Lai (DLG) vốn 2.850 tỷ đồng, CTCP Liên doanh Đầu tư quốc tế KLF (KLF) vốn 1.653 tỷ đồng, CTCP Cao su Quảng Nam (VHG) vốn 1.500 tỷ đồng, CTCP Đầu tư hạ tầng và Đô thị dầu khí PVC (PTL) vốn 1.000 tỷ đồng…
Như vậy, có thể khẳng định chỉ những NĐT nắm giữ CP của những mã CP vốn hóa lớn, có đóng góp lớn cho đà tăng của VN Index được hưởng lợi lớn nhất từ đà tăng nóng của TTCK. Nhóm CP vốn hóa lớn có sức hấp dẫn không thể phủ nhận đối với khối ngoại, khi là nhóm hưởng lợi đầu tiên từ chu kỳ tăng trưởng của nền kinh tế với lợi thế cạnh tranh, quy mô vốn hóa, tiềm lực tài chính, thị phần chi phối và chuỗi cung ứng. Do vậy, nếu nói NĐTNN hưởng lợi lớn trong những đợt sóng của TTCK từ năm 2017 đến nay hoàn toàn chính xác. 
TTCK: Nhịp tăng mạnh, rủi ro cao ảnh 1 Ảnh minh họa: P.LONG 
Theo thống kê, sau đợt tăng nóng của quý I, P/E của TTCK Việt Nam hiện đang ở mức 21,2x. Đây là mức cao nếu so với các nước lân cận trong khu vực như Thái Lan (17,8x), Pakistan (12,4x), Philippines (20,8x) và Indonesia (21,6x). Nếu chỉ số tiếp tục bứt phá, nhiều khả năng mức P/E thị trường sẽ tiếp tục tăng cao hơn nữa.
Điều này sẽ phụ thuộc vào độ mạnh của dòng vốn đổ vào thị trường, trong đó nguồn vốn nước ngoài tiếp tục có tác động trực tiếp. Đây là điều đã diễn ra trong quý I, khi thị trường tăng mạnh trong tháng 1 hay chững lại vào tháng 3 đều có dấu ấn rõ nét của khối ngoại.

Giai đoạn nhạy cảm
Trong nhóm CP vốn hóa lớn trong rổ VN30, có 14 doanh nghiệp có P/E trên 25x. Các doanh nghiệp P/E cao đột biến có thể kể đến ROS (69x), VIC (57x), BVH (47x), MSN (36x), VJC (34x), VNM (31x), do đã trải qua nhịp tăng trưởng mạnh về giá. Sau nhịp tăng trưởng mạnh, trong ngắn hạn giá CP có thể sẽ cần nhịp điều chỉnh và “nghỉ chân” để xác lập mặt bằng giá mới. Đây cũng là lúc thị trường cần thêm những chuyển biến mới để thuyết phục thêm sự tham gia của dòng tiền. Và động lực của dòng vốn mới này được kỳ vọng đến từ làn sóng niêm yết mới.
Trong quý II, dự kiến có thêm nhiều doanh nghiệp vốn hóa lớn lên sàn niêm yết như TPBank, FPT Retail, Vinhomes, Techcombank, VEAM… Đây đều là những doanh nghiệp có quy mô vốn hóa lớn, nền tảng cơ bản vững chắc, thu hút được nhiều sự quan tâm của các quỹ đầu tư nước ngoài, được kỳ vọng sẽ tạo các hiệu ứng tích cực lên thị trường trong thời gian đầu mới lên sàn.
Ngoài rủi ro do P/E đang ở mức cao, TTCK Việt Nam đang chịu tác động của các yếu tố ngoại lai. Một trong yếu tố khiến giới đầu tư lo ngại về khả năng điều chỉnh là tác động từ TTCK Hoa Kỳ, vốn có sự ảnh hưởng lớn đến biến động TTCK toàn cầu. Thị trường này đang có diễn biến tương đối thuận lợi trong 2 năm trở lại đây, với xu hướng tăng là chủ đạo.
Điều này được thể hiện qua chỉ số VIX (chỉ số đo lường lòng tham và sợ hãi trên TTCK Hoa Kỳ) luôn được duy trì ở mức thấp trong khoảng 2 năm trở lại đây. Mặc dù vậy, ngay trong quý đầu tiên của năm 2018, thị trường đã chứng kiện sự tăng vọt của chỉ số VIX (thể hiện nỗi sợ hãi chiếm ưu thế), đi kèm với đó là các nhịp điều chỉnh mạnh của TTCK Hoa Kỳ, gây ảnh hưởng lớn đến diễn biến TTCK toàn cầu. 
Rủi ro kế tiếp là cuộc chiến tranh thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc có thể tạo hiệu ứng dây chuyền đến tình hình giao thương của toàn cầu. Tác động tiêu cực dễ nhận thấy trước mắt là tổng lượng hàng hóa thương mại sẽ suy giảm. Tiếp theo là quyết định đầu tư của các công ty đa quốc gia, và cuối cùng là làm gia tăng tính bất ổn cho hệ thống tài chính toàn cầu.
Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT CTCK Sài Gòn (SSI), chia sẻ trong cuộc gặp 5 “bố già” Phố Wall, cả 5 người đều tỏ ra lo ngại về diễn biến tương lai gần của TTCK thế giới khi cuộc chiến thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc tiếp tục gia tăng cũng như việc FED tiếp tục nâng lãi suất. 
Trong bối cảnh trên, nếu xảy ra những biến động của thị trường thế giới, Việt Nam chắc chắn bị ảnh hưởng nặng. Thật sự đây đang là giai đoạn rất nhạy cảm của TTCK. Nói như ông Nguyễn Văn Hiếu, Tổng giám đốc CTCK Rồng Việt: “Xét về mặt định giá, TTCK Việt Nam đã không còn rẻ là điều hoàn toàn hợp lý. Song đặt trong bối cảnh so sánh với các thị trường khác trong khu vực hay các thị trường vừa mới nâng hạn từ cận biên lên mới nổi theo chuẩn MSCI, rõ ràng TTCK Việt Nam vẫn còn nhiều câu chuyện hấp dẫn ở phía trước”. 

Các tin khác