Dòng tiền đáp ứng đủ nhu cầu
Ngày 29-8, Trung tâm Lưu ký CK (VSD) chính thức giảm thời hạn thanh toán cổ phiếu (CP) và tiền mặt xuống T+2,5 so với T+3. Cụ thể, bên mua trước đó sẽ có sẵn CP để bán và bên bán trước đó sẽ có tiền mặt để mua CP vào phiên chiều của ngày làm việc thứ 2 sau ngày giao dịch. Quy định mới này có thể làm giảm chu kỳ tiền mặt ngắn nhất của NĐT xuống còn 5 ngày so với 7 ngày trước đó.
Đến ngày 12-9, Sở Giao dịch CK TPHCM (HoSE) cũng đã thông báo cho phép giao dịch lô lẻ, từ 1-99 CP. Trước đó, để giải quyết tình trạng tắc nghẽn lệnh trên sàn từ cuối năm 2020, HoSE đã tăng lô giao dịch tối thiểu từ 10 CP lên 100 CP vào tháng 1-2021. Quy định này khiến nhiều NĐT không thể bán CP mà họ sở hữu dưới 100 CP. Do đó, cơ chế giao dịch mới, trong đó giá CP áp dụng làm giá khớp lệnh cho các giao dịch lô lẻ và các giao dịch sẽ không tác động đến giá CP, sẽ phần nào cải thiện thanh khoản thị trường.
Theo phân tích của Maybank Investment Bank, tất cả yếu tố trên giúp thanh khoản sẽ tăng thêm 10-15%, giá trị giao dịch bình quân hàng ngày của sàn HoSE có thể tăng lên 16.000-17.000 tỷ đồng (so với 14.000 tỷ đồng vào tháng 8).
Thanh khoản gia tăng có thể giúp VN Index duy trì ở mức 1.300 điểm. Đáng chú ý là thị trường còn nhận được hỗ trợ từ dòng vốn cho vay ký quỹ của các công ty chứng khoán (CTCK). Tại thời điểm cuối quý II, tổng dư nợ cho vay ký quỹ chính thức là 153.000 tỷ đồng, giảm 23% so với mức đỉnh 200.000 tỷ đồng vào cuối tháng 3 ngay trước khi thị trường vốn bị siết chặt.
Nhưng con số ký quỹ hiện tại không thay đổi nhiều, do các NĐT cá nhân và tổ chức trong nước đã bán ròng trong 2 tháng qua. Trong bối cảnh dữ liệu vĩ mô khả quan trong tháng 8 và có thể trong những tháng còn lại, TTCK nhiều khả năng sẽ phục hồi vào cuối năm, nhờ xúc tác bởi room ký quỹ dồi dào sẵn có tại các CTCK, khoảng 50.000 tỷ đồng.
NĐT bị ám ảnh bởi lạm phát và lãi suất
Trái ngược với dự báo khả quan của giới phân tích, thanh khoản của TTCK không những không được cải thiện mà thậm chí còn bị sụt giảm nặng nề. Đơn cử là phiên giao dịch ngày 12-9, giá trị giao dịch của sàn HoSE rơi về sát mốc 10.000 tỷ đồng, tương đương hơn 390 triệu CP được khớp lệnh thành công.
Đây là phiên giao dịch có thanh khoản dưới trung bình 20 phiên và cũng là 1 trong những phiên giao dịch có thanh khoản thấp nhất kể từ đầu năm 2022 đến nay. Sau phiên giao dịch này, thanh khoản của HoSE đã được cải thiện đáng kể nhưng vẫn nằm dưới mốc trung bình 14.000 tỷ đồng trong tháng 8.
Nguyên nhân khiến cho dòng tiền đứng ngoài TTCK được cho là bắt nguồn từ tâm lý tiêu cực của NĐT cá nhân, hiện đang chiếm 80% tỷ trọng giao dịch toàn thị trường. Một trong những yếu tố khiến cho NĐT lo lắng nhất ở thời điểm hiện nay chính là mối bận tâm về lạm phát và lãi suất.
Chia sẻ tại buổi tọa đàm về dòng tiền mới đây, bà Phạm Huyền Trang, Giám đốc phân tích của SSI Research, cũng cảm thấy bất ngờ với số liệu CPI tháng 8 của Mỹ mới được công bố. Số liệu trên đã tăng mạnh hơn so với dự báo các nhà phân tích đã đưa ra trước đó. CPI Mỹ tăng mạnh hơn dự kiến là do cầu về dịch vụ tăng mạnh, thí dụ như giá thuê nhà tại đây đã tăng mạnh trong tháng 8 đã kéo chỉ số này lên.
Theo bà Trang, số liệu vĩ mô của Việt Nam từ giờ đến cuối năm đang ở mức tốt so với thế giới, như GDP tăng trưởng tốt và CPI được kiểm soát tốt. Thế nhưng, không phải vì thế mà nền kinh tế Việt Nam không bị ảnh hưởng bởi xu hướng chung trên toàn cầu.
Với nhận định tương tự, bà Nguyễn Thị Hằng Nga, Phó Tổng giám đốc VCBF, cho rằng hiện Fed vẫn đang giữ được sự nhất quán trong việc thi hành chính sách và chưa có dấu hiệu “nương tay” kể cả khi lạm phát tạo đỉnh. Điều này tạo niềm tin cho NĐT rằng Fed có thể chống lạm phát.
Vì vậy quyết định tăng lãi suất sắp tới không chỉ dừng ở lại 50 điểm phần trăm, mà có thể lên tới 100 điểm phần trăm. Quyết định này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến NĐT vì lãi suất và nguồn cung tiền (hạn chế) luôn là "kẻ thù" của TTCK.
Kỳ vọng dòng tiền ngoại
Khác với NĐT cá nhân, kinh tế vĩ mô ngày càng tốt lên của Việt Nam chính là yếu tố thu hút được dòng vốn từ khối ngoại. Bất chấp triển vọng ảm đạm toàn cầu, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục cho thấy sự phục hồi bền bỉ, giúp VNĐ giảm giá ít hơn so với các đồng nội tệ khác trong khu vực như Thái Lan, Philippines, Malaysia và Indonesia.
Điều này phần nào thể hiện qua hoạt động của NĐT nước ngoài trong tháng 8, khi Việt Nam và Indonesia là 2 thị trường chứng kiến dòng vốn đầu tư danh mục đầu tư nước ngoài vào châu Á lớn nhất.
Dòng vốn ròng vào Việt Nam đạt 77 triệu USD giúp đảo ngược vị thế để ghi nhận dòng vốn ròng kể từ đầu năm đạt 58 triệu USD. Dòng vốn từ các quỹ ETF khá lạc quan trong tháng 8 khi có dòng vốn ròng khá lớn từ các quỹ ETF nước ngoài (26,9 triệu USD).
Trong đó, Xtrackers FTSE Vietnam Swap ETF và Fubon FTSE Vietnam ETF đóng góp nhiều nhất với giá trị lần lượt là 19,3 triệu USD và 9,8 triệu USD. Trong khi SSIAM VNFIN LEAD ETF tiếp tục giải ngân 4,6 triệu USD và đứng đầu trong số các quỹ ETF trong nước.
Từ thực tế trên, CTCK Rồng Việt (VDSC) kỳ vọng dòng tiền từ NĐT nước ngoài sẽ tiếp tục quay trở lại Việt Nam như ghi nhận trong 5 tháng gần đây. Theo đó, nhóm ngành ngân hàng, thực phẩm và đồ uống, bán lẻ và dầu khí sẽ luân phiên vai trò hỗ trợ VN Index chinh phục mốc 1.300.
Trong khi đó, những diễn biến tiêu cực từ thế giới như Fed nâng lãi suất, các vấn đề của Trung Quốc hay căng thẳng địa chính trị sẽ là những rủi ro giảm đối với TTCK. Trong kịch bản cơ sở, VDSC kỳ vọng VN Index sẽ dao động trong khoảng 1.250-1.315 điểm.
NĐT nên cân nhắc chốt lời ở những CP đã tăng nhiều hoặc đang có mức định giá P/E, P/B quá cao so với mặt bằng chung và duy trì tỷ trọng CP và tiền mặt ở mức cân bằng, để có thể kiên nhẫn chờ mua khi giá CP rơi về mức thấp. |