“Đánh bùn sang ao”
Phiên giao dịch ngày 10-3, hệ thống giao dịch ACBS Trade của CTCK ACB (ACBS) bất ngờ bị tê liệt. NĐT không thể đăng nhập tài khoản bằng bất cứ thiết bị nào, từ điện thoại cho đến máy tính.
Chị Hà Thu (TPHCM) đang nắm giữ 10.000 CP thép dự định bán chốt lời trong phiên 10-3. Tuy nhiên, do không thể truy cập vào tài khoản của mình, chị không thể đặt lệnh bán. Đến khi vào được, mã CP chị đang nắm giữ đang nằm trong tình trạng dư bán giá sàn hơn 2 triệu đơn vị.
Chị Thu bức xúc: “Không thể bán chốt lời, nhiều mã CP tôi dự định mua trong ngày cũng không thể thực hiện. Gọi lên CTCK chỉ nhận được lời xin lỗi và hứa khắc phục trong thời gian sớm nhất, trong khi thiệt hại của mình họ không hề đề cập đến”.
Phiên giao dịch sáng 4-3, hệ thống giao dịch TCInvest của CTCK Techcombank (TCBS) cũng bị lỗi khiến NĐT không thể đặt lệnh mua bán. Ngay sau sự cố này, TCBS đã có thông báo tặng doanh thu phí giao dịch CP cho khách hàng trong 3 ngày 4, 5 và 8-3.
Như vậy, khách hàng giao dịch CP trên hệ thống của TCInvest chỉ phải trả 0,03%/giá trị giao dịch là mức phí theo quy định của HoSE và HNX. Tuy nhiên, đây không phải lần đầu tiên TCBS gặp sự cố về hệ thống mạng. Năm 2020, TCBS cũng gặp sự cố tương tự và cũng có chính sách không thu phí giao dịch trong 3 ngày để bù đắp thiệt hại cho NĐT.
Những sự cố trên đã ngày càng phổ biến và không còn là hiện tượng hiếm. Trước đó, rất nhiều CTCK cũng gặp sự cố về hệ thống giao dịch tương tự và gây bức xúc cho NĐT như CTCK Sài Gòn (SSI), CTCK FPT (FPTS), CTCK VPBank (VPS), CTCK VNDirect (VND)… Điều đáng nói, trong bối cảnh hệ thống giao dịch của HoSE thường xuyên bị quá tải, nhiều CTCK đùn đẩy nguyên nhân do HoSE, không phải lỗi do hệ thống của CTCK.
Tiếp tục chờ
Tiếp tục chờ
Liên quan đến hệ thống giao dịch của HoSE, trong tuần qua Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã họp với các bên liên quan và CTCP Tập đoàn FPT (FPT), nhằm tìm ra giải pháp giải quyết các sự cố nghẽn mạng. Tại cuộc họp này, 1 trong 3 giải pháp do Bộ Tài chính xây dựng được các bên liên quan phân tích đánh giá có tính khả thi.
Theo đó, giải pháp áp dụng hệ thống phần mềm đang được vận hành tại HNX cho hệ thống giao dịch tại HoSE hoàn toàn khả thi và mất 3-4 tháng triển khai, hoàn thiện để có thể xử lý dứt điểm tình trạng nghẽn lệnh khi giao dịch CK.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng yêu cầu các đơn vị liên quan thuộc Bộ Tài chính và HoSE chủ động phối hợp với FPT triển khai phương án trên để giải quyết tình trạng nghẽn mạng.
Trước mắt không áp dụng đề xuất nâng lô giao dịch CK tối thiểu lên 1.000, nhưng khuyến khích việc chuyển đổi giao dịch một số CP từ HoSE sang HNX trên tinh thần tự nguyện, nhằm giảm tải hệ thống giao dịch của HoSE, bảo đảm vận hành an toàn hệ thống giao dịch.
Việc Bộ Tài chính tìm ra giải pháp giải quyết tình trạng nghẽn mạng của sàn HoSE khiến giới đầu tư hết sức phấn khởi. Niềm vui này phần nào được thể hiện qua diễn biến của TTCK trong phiên giao dịch ngày 10-3.
Trong phiên giao dịch này, VN Index bất ngờ bật tăng hơn 8 điểm và tái lập thành công mốc 1.170 điểm. Tuy nhiên, vẫn có nhiều ý kiến lo lắng khi khoảng thời gian xử lý quá lâu và liệu FPT có khắc phục được tình trạng nghẽn mạng, khi bản thân FPTS (thành viên của FPT) cũng từng bị sự cố.
Trên trang cá nhân của mình, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT SSI, cũng bày tỏ lo ngại về khả năng giải quyết sự cố của sàn HoSE.
Giải pháp tạm thời
Giải pháp tạm thời
Giải pháp áp dụng hệ thống phần mềm đang được vận hành tại HNX cho hệ thống giao dịch tại HoSE hoàn toàn khả thi và mất 3-4 tháng triển khai. Tuy nhiên, vẫn có nhiều ý kiến lo lắng khi khoảng thời gian xử lý quá lâu và liệu FPT có khắc phục được tình trạng nghẽn mạng hay không? |
Với hệ thống sẵn có, HNX sẽ giám sát thay sàn HoSE, còn chấp nhận niêm yết, tiêu chuẩn... vẫn của HoSE. Chỉ cần lập bảng riêng hoặc thậm chí vẫn gọi bảng giao dịch cổ phiếu của HoSE.
Riêng phương án tăng năng lực xử lý hệ thống của HoSE vẫn phải có chuyên gia sang làm chứ Việt Nam không can thiệp được, bởi đây là hệ thống công nghệ của Thái Lan. Phải xử lý nghẽn lệnh rất khẩn cấp trước rồi mới tính đến việc sửa chữa hệ thống cũ và đưa vào sử dụng hệ thống mới.
Để nhanh có hệ thống giao dịch mới, nên giao cho tư nhân đứng ra mua (không phải thủ tục báo cáo, đấu thầu) để rút ngắn thời gian mua theo cơ chế của Nhà nước. Còn về phần mềm của hệ thống, nếu FPT dùng ngay phần mềm đã từng viết cho sàn HNX sẽ khả thi.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Bộ Tài chính và UBCKNN, nhiều doanh nghiệp niêm yết trên HoSE đang có kế hoạch chuyển sang HNX như: CTCK BIDV (BSC), CTCK VNDirect (VND) và các thành viên của PAN Group.
Theo ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng giám đốc VND, việc chung tay với cơ quan quản lý trong việc xử lý sự cố quá tải ở hệ thống vừa là quyền lợi, vừa là trách nhiệm của các thành viên thị trường, đặc biệt là với các CTCK là các tổ chức cung cấp dịch vụ, kinh doanh trực tiếp trên TTCK.
Việc chuyển tạm thời sang HNX trong giai đoạn này không chỉ mang ý nghĩa bảo vệ quyền lợi của cổ đông, NĐT mà còn thể hiện tinh thần trách nhiệm, chung sức với cơ quan quản lý để xử lý vấn đề quá tải ở HoSE hiện nay nhằm mang lại lợi ích chung cho toàn thị trường.