TTCK: Tăng “nóng” nhưng không phải vào là thắng

(ĐTTCO) - Như ĐTTC đã có bài phản ánh “TTCK- Nhịp tăng mạnh, rủi ro cao” trên số báo ra ngày 12-4-2018. Bởi sau đợt tăng nóng của TTCK, đã có nhiều ý kiến lo ngại về “bong bóng” CK như đã từng xảy ra trong năm 2007. 
Để giải đáp vấn đề này, ĐTTC đã có cuộc trao đổi với bà NGUYỄN THỊ NGÂN TUYỀN (ảnh), Giám đốc Nghiên cứu phân tích khối Khách hàng cá nhân CTCK Maybank Kim Eng (MBKE).
Vì sao NĐTNN mua ròng?
PHÓNG VIÊN: - Thưa bà, TTCK trong thời gian vừa qua liệu có tăng nóng và có còn hấp dẫn?
TTCK: Tăng “nóng” nhưng không phải vào là thắng ảnh 1
Bà NGUYỄN THỊ NGÂN TUYỀN: - TTCK Việt Nam đã trải qua 1/4 chặng đường của năm 2018 với chủ yếu những gam màu sáng. VN Index ghi nhận mức tăng gần 22%, đi kèm với mức thanh khoản cải thiện hơn 30%. Sự thành công của thị trường còn được ghi nhận rõ nét hơn ở hầu hết các đợt IPO và thoái vốn tại các doanh nghiệp nhà nước đều diễn ra thành công, số lượng niêm yết mới cũng tăng mạnh trong
quý I.
Khối ngoại là nhân tố quan trọng cho thành công của thị trường khi ghi nhận mức mua ròng kỷ lục gần 11.000 tỷ đồng tính riêng tại HOSE. 
Tuy nhiên, sau khi liên tục tăng mạnh sẽ xuất hiện nhiều lo ngại về khả năng tăng nóng, tăng ảo của TTCK Việt Nam, và những lo ngại này không hẳn là không có lý do. Nhìn ở góc độ định giá, P/E hiện nay của thị trường Việt Nam khoảng 21x, cao hơn 20% so với mức trung bình của khu vực. Tuy nhiên, có một số lý do để TTCK Việt Nam vẫn tỏ ra khá hấp dẫn đối với NĐT, đặc biệt thể hiện qua việc mua ròng mạnh của khối NĐTNN. 
- Vì sao thị trường đang được định giá khá cao so với khu vực nhưng NĐTNN vẫn mua ròng mạnh? 
- Có 3 lý do khiến NĐTNN mua ròng mạnh. Thứ nhất, P/E cao bị chi phối mạnh bởi một số thành phần cá biệt. Xét trong nhóm Top 10 vốn hóa của thị trường, đã có đến ít nhất 3 trường hợp cá biệt làm ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả P/E cuối cùng của thị trường. Có thể kể đến là mức P/E đặc biệt cao như VIC (54x), VRE (49x) và SAB (31x).
Lẽ dĩ nhiên, có những vấn đề riêng và kỳ vọng riêng tại các CP vừa nêu, nhưng rõ ràng mức P/E quá cao của 3/10 CP trong Top 10 vốn hóa đã “bóp méo” đáng kể mức P/E trung bình của TTCK.
Thứ hai đó là sức khỏe vĩ mô của nền kinh tế đang lạc quan. Tăng trưởng GDP quý I đạt 7,38% so với mức 5,15% của cùng kỳ năm trước nhờ đóng góp của khu vực sản xuất (tăng 13,65%), mức tăng trưởng hơn kỳ vọng của khu vực nông nghiệp (4,05% so với mức 2-3% trong lịch sử).
Do đó, tăng trưởng GDP cho cả năm được dự báo tăng lên mức 6,8% từ mức 6,5% trước đó để phản ánh đà tăng của khu vực sản xuất và nông nghiệp. Bên cạnh đó, Chính phủ tiếp tục cam kết cải thiện hơn nữa môi trường kinh doanh với kế hoạch sẽ giảm thuế thu nhập doanh nghiệp xuống mức 15-17%, mức thuế có thể là thấp nhất trong khu vực. 
Thứ ba là những “câu chuyện riêng” của TTCK Việt Nam. Theo tôi, có ít nhất 2 “câu chuyện riêng” khiến TTCK Việt Nam có thể được chấp nhận ở mức định giá cao hơn trong năm 2018. Đầu tiên là vấn đề thoái vốn nhà nước, thị trường đang được kiểm chứng mức độ quyết liệt của Chính phủ trong việc đẩy nhanh tiến độ thoái vốn tại hầu hết các CP được NĐT trong và ngoài nước trông đợi.
Cơ hội được tham gia vào những doanh nghiệp đang nắm giữ vị thế quan trọng trong một nền kinh tế đang tăng trưởng nhanh và dân số trẻ như Việt Nam, là điều mà các NĐTNN sẽ rất khó có thể tìm kiếm được ở nơi nào khác trong một vài năm tới đây. Vấn đề còn lại là nâng hạng thị trường.
Dù vẫn còn ở “thì tương lai”, nhưng lịch sử cho thấy các NĐTNN thường sẽ “đi trước một bước” trong việc đón đầu về khả năng thăng hạng của TTCK tại các quốc gia. Và chính các cải cách, thay đổi nhằm đáp ứng mục tiêu thăng hạng cũng sẽ tạo ra những cơ hội và động lực rất riêng của TTCK Việt Nam, điều khó có thể tìm thấy ở các thị trường khác vào lúc này.

Phần “bánh ngon” không dành cho số đông
- Nhưng sức nóng của TTCK khiến giới đầu tư lo ngại về sự bền vững của thị trường. Theo bà để TTCK phát triển bền vững cần có những yếu tố gì?
- Tính bền vững của TTCK chắc chắn là vấn đề cần được lưu tâm nhất trong giai đoạn hiện nay, nhất là sau khi thị trường đã liên tục tăng điểm mạnh và quy mô ngày càng lớn hơn. Theo tôi có 3 yếu tố rất cần được xem xét cải thiện để phục vụ cho độ bền vững của thị trường.
Đó là trình độ và nhận thức của NĐT. Dù TTCK Việt Nam đã có đến gần 18 năm hình thành và phát triển, song cần thừa nhận rằng trình độ và nhận thức của NĐT chưa phát triển kịp với độ mở rộng của thị trường. Khi việc đầu tư CK ngày càng quen thuộc hơn với phần lớn cư dân, trong khi các giải pháp giúp nâng cao kiến thức và đặc biệt là nhận thức của NĐT lại càng là nút thắt lớn hơn bao giờ hết.
Thêm vào đó, khi thị trường dường như đã khá dễ chơi trong ít nhất từ năm 2016 đến nay, không ít NĐT mới chỉ nhìn thấy cơ hội kiếm lời mà quên rằng kênh đầu tư CK cũng là một trong những kênh đầu tư tiềm ẩn không ít các rủi ro.
Dù liên tục thăng hoa về mặt điểm số TTCK trong nhiều năm trở lại đây, nhưng không ít lần NĐT trên thị trường đã phải nhận “trái đắng” liên quan đến những chiêu trò hay các hành vi kém minh bạch, kém chuyên nghiệp của các doanh nghiệp đang niêm yết.
Trong bối cảnh nhận thức của một bộ phận không nhỏ NĐT vẫn ở mức thấp và kẽ hở về mặt pháp lý vẫn đủ lớn, các hành vi trục lợi từ một bộ phận những doanh nghiệp niêm yết kém chất lượng sẽ đe dọa không nhỏ đến yếu tố bền vững của thị trường.
Theo tôi, một thị trường muốn phát triển bền vững sẽ không thể chỉ mãi đứng ở hình thức sơ khai. Ngay trong cuối 2017 và đầu 2018, những sân chơi mới hơn đã ra đời như thị trường phái sinh, đầu tư vào các quỹ ETF, hay xa hơn nữa là đầu tư chứng quyền.
Một sự đa dạng các sản phẩm trên thị trường sẽ giúp NĐT có thêm nhiều lựa chọn bổ sung vào chiến lược giao dịch của mình, qua đó giúp sự phát triển của thị trường trở nên bền vững hơn. 
- Trên thực tế, dù thị trường tăng nóng nhưng nhiều mã CP vẫn không tăng, thậm chí sụt giảm khiến cho nhiều NĐT nhỏ lẻ thua lỗ. Bà có lời khuyên gì dành cho các NĐT?
- Có một sự thật không được vui là phần đông NĐT trên TTCK vẫn thường xuyên chịu thua lỗ hoặc có mức sinh lời thấp hơn đáng kể so với trung bình của thị trường. Tôi cho rằng điều này không phải là cá biệt ở việc đầu tư CK mà là mẫu số chung trong đầu tư, dù là ở kênh nào. “Phần bánh ngon” sẽ không dành cho số đông, đây là một thực tế khắc nghiệt của TTCK.
Độ khắc nghiệt của thị trường trong năm 2018 sẽ tiếp tục ở mức cao hơn và khả năng lựa chọn CP sẽ là yếu tố sống còn đối với NĐT. 
Lời khuyên duy nhất có lẽ vẫn là một lời khuyên không có gì mới, NĐT sẽ cần phải tìm cách nâng cao hơn nữa kiến thức và kinh nghiệm đầu tư để có thể đủ khả năng đối đầu với một sân chơi ngày càng lớn hơn, thử thách hơn và dĩ nhiên phần thưởng cũng sẽ cao hơn tương xứng.
- Xin cảm ơn bà.
 Dự trữ ngoại hối gia tăng, lạm phát vẫn đang trong tầm kiểm soát, và nợ xấu của hệ thống ngân hàng đang được tích cực giải quyết, là những yếu tố cho thấy sức khỏe vĩ mô của Việt Nam đang cải thiện đáng kể. Từ đó tạo động lực cho TTCK tăng trưởng. 

Các tin khác