Lằn ranh đỏ
Phiên giao dịch ngày 23-6, VN Index chính thức lấy lại sắc xanh sau loạt phiên suy giảm trước đó, nhưng thanh khoản bất ngờ giảm về mốc 10.000 tỷ đồng. Theo thống kê, đây là phiên có giá trị giao dịch thấp nhất của sàn HoSE trong khoảng 18 tháng trở lại đây, tính từ tháng 11-2020.
Thị trường dù không còn tình cảnh người nắm giữ ào ạt tháo hàng bằng mọi giá, nhưng giới đầu tư vẫn có lý do để lo lắng, bởi thanh khoản liên tục đi xuống trong những tháng gần đây.
Trong tháng 5, giá trị giao dịch khớp lệnh giảm mạnh bình quân khoảng 13.800 tỷ đồng/phiên (giảm hơn 33% so với tháng 4). Thậm chí, nếu so với thời điểm quý I với giá trị giao dịch trung bình là 26.000 tỷ đồng/phiên, thì con số 10.000 tỷ đồng cho thấy thanh khoản đang ở mức báo động.
Nếu đặt câu hỏi vì sao dòng tiền bị rút khỏi TTCK, chắc chắn NĐT sẽ chỉ nhận được câu trả lời chung chung. Đó là kết quả của các quyết định siết chặt kiểm soát TTCK của cơ quan quản lý nhà nước trong thời gian vừa qua.
Thực tế cho thấy, không một chuyên gia CK nào có thể đưa ra câu trả lời chính xác nhất về hiện tượng suy giảm thanh khoản, bởi TTCK Việt Nam vốn không đi theo một nguyên tắc có tính chất mặc định nào.
Tuy nhiên, nếu chọn một lời giải hợp lý nhất thì nhận định của Maybank Investment Bank được nhiều NĐT đánh giá là hợp lý nhất ở hiện tại.
Theo phân tích của Maybank Investment Bank, mức thanh khoản hiện tại (trước phiên giao dịch ngày 23-6) phù hợp với ước tính rằng các hoạt động thao túng giá cổ phiếu (CP) sử dụng khoảng 30% tổng số tiền ký quỹ thị trường (theo quy định và dưới chuẩn). Các “nhà cái” phải đứng ngoài lề để không bị điều tra bởi cơ quan quản lý, khiến cho thanh khoản giữ ở mức thấp trong thời điểm hiện tại.
Dữ liệu lịch sử cho thấy mức thanh khoản hiện tại (tương đương 15.000 tỷ đồng) là phù hợp với mức VN Index hiện nay (từ 1.200-1.300 điểm).
Giảm theo chiều hướng lành mạnh?
Giảm theo chiều hướng lành mạnh?
Nếu trả lời được lý do dòng tiền rút ra khỏi TTCK thì NĐT lại tiếp tục có câu hỏi “vậy dòng tiền đi luôn hay chỉ tạm thời đứng ngoài quan sát”? Với câu hỏi này, Maybank Investment Bank nhận thấy dòng tiền đi theo chiều hướng phát triển lành mạnh.
Đầu tiên là thanh khoản đang chuyển từ vốn hóa nhỏ và trung bình sang vốn hóa lớn. VN30 (đại diện cho các mã vốn hóa lớn) thanh khoản do tỷ lệ phần trăm của VN Index giảm so với bình quân trước đại dịch là 60% đến 30% vào cuối năm ngoái, khi NĐT cá nhân trong nước đổ xô giao dịch các CP vừa và nhỏ.
Thế nhưng, xu hướng này đã chạm đáy kể từ khi tình trạng hỗn loạn pháp lý bắt đầu vào những tháng vừa qua. Đây là lý do Maybank Investment Bank kỳ vọng xu hướng ngược lại sẽ xảy ra trong những tháng tới, vì tâm lý chấp nhận rủi ro sẽ ủng hộ các mã vốn hóa lớn và blue chip (chiếm 80% vốn hóa thị trường của VN Index).
Trái ngược với NĐT cá nhân, các NĐT tổ chức đang có dấu hiệu quay trở lại. Thống kê cho thấy, thị phần giao dịch của NĐT tổ chức đã tăng lên 17% (cả mua và bán) từ 10% vào cuối năm ngoái. Ở mức 17%, con số này vẫn thấp hơn mức trung bình trước đại dịch Covid-19 là 20-30%.
Tuy nhiên, thị trường đang phát đi tín hiệu tích cực là việc NĐT nước ngoài đã mua ròng 3.200 tỷ đồng trong tháng 5. Việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất là nguyên nhân chính khiến dòng vốn nước ngoài không quay trở lại, nhưng giới phân tích lại cho rằng mức định giá của VN Index chính là động lực “níu giữ” dòng tiền ngoại ở lại.
TTCK Việt Nam vẫn đang rẻ với P/E dự phóng chỉ ở mức 11,5x, so với mức tăng trưởng EPS dự kiến là hơn 20% cho năm 2022. Đặc biệt, nếu so với tỷ lệ P/E dự phóng trung bình 16,2x đối với các quốc gia ASEAN đang phát triển trong khu vực, thì đây là mức định giá hấp dẫn.
Kỳ vọng dài hạn
Kỳ vọng dài hạn
Đối với NĐT trong và ngoài nước, câu chuyện được quan tâm đặc biệt chính là thời điểm HoSE vận hành hệ thống giao dịch KRX (Hàn Quốc). Theo thông tin mới nhất mà ĐTTC đang có thì phần cứng đã được thiết lập, nhưng sàn giao dịch và môi giới đang thử nghiệm các giao dịch mua và bán.
Nguyên nhân bắt nguồn từ hoạt động “đại tu” lại TTCK của các cơ quan quản lý. Nhiều khả năng, hệ thống giao dịch mới sẽ bị trì hoãn cho đến cuối quý I-2023, so với dự kiến trước đó là vào cuối quý I năm nay. Dù chậm trễ nhưng đây vẫn được xem là “chất xúc tác” mạnh mẽ đối với dòng vốn ngoại.
Hệ thống giao dịch mới này nếu được vận hành sẽ gia tăng thêm khả năng FTSE quyết định nâng hạng quốc gia của Việt Nam từ “Thị trường cận biên” lên “Thị trường mới nổi”. Nhìn xa hơn, đây chính là lực hút quan trọng đối với sự quay trở lại của các NĐT nước ngoài.
Quay trở lại với câu hỏi về thanh khoản của TTCK. Dù lý giải của các CTCK có khác nhau về nguyên nhân, thì vẫn có sự “đồng thanh” khi dự báo không mấy khả quan về thanh khoản của TTCK trong ngắn hạn.
Theo CTCK Rồng Việt (VDSC), TTCK Việt Nam vẫn đang đứng trước khá nhiều rủi ro vĩ mô từ bên ngoài, đặc biệt là liên quan đến chính sách tiền tệ thắt chặt trong bối cảnh diễn biến lạm phát toàn cầu khó lường, dẫn dắt bởi giá năng lượng và lương thực neo cao. Yếu tố này sẽ tiếp tục ảnh hưởng tới kỳ vọng lạm phát của Việt Nam. Qua đó trở thành lực cản lớn đối với đà tăng của thị trường trong bối cảnh dòng tiền ngày càng thận trọng.
“Thanh khoản khó có khả năng phục hồi đáng kể trong những tháng tới. Thế nhưng, về cơ cấu thanh khoản, chúng tôi cho rằng việc điều chỉnh giá đang giúp thị trường trưởng thành theo hướng bền vững hơn. Kỳ vọng sẽ có thêm sự tham gia của các NĐT nước ngoài trong tương lai, bù đắp sự chậm lại trong giao dịch của các bên thao túng CK và các cá nhân trong nước”- theo Maybank Investment Bank.
Nỗ lực giúp cải thiện tính minh bạch của TTCK, cũng như đạt các tiêu chuẩn để được nâng hạng lên thị trường mới nổi, là điểm cộng trong việc thu hút dòng vốn ngoại. |