Diễn biến bất ngờ
Khi giới đầu tư vẫn đang trong trạng thái lo lắng về diễn biến của Covid-19, VN Index bất ngờ đảo chiều tăng mạnh trong phiên giao dịch ngày hôm qua 3-8. Trong phiên giao dịch này, VN Index tăng hơn 16 điểm và tái lập mốc 800 điểm.
Đáng chú ý là trong phiên giao dịch 3-8, nhóm CP nhỏ trở thành động lực cho cả thị trường khi đa phần trong trạng thái “cháy hàng”. Việc nhóm CP nhỏ khởi sắc đến từ dòng tiền bắt đáy, trong khi nhóm CP lớn vẫn chưa thật sự “chạy”, khiến cho giới phân tích đưa ra những dự báo thận trọng, nhất là khi VN Index tiếp cận ngưỡng kháng cự 820-830 điểm.
Sự thận trọng này là hoàn toàn có cơ sở, bởi trước đó, phiên giao dịch cuối cùng của tháng 7, VN Index đánh mất mốc 800 điểm. Việc chỉ số này mất mốc hỗ trợ quan trọng không khiến cho giới đầu tư bất ngờ bởi trước phiên giao dịch, Đà Nẵng đã công bố số lượng ca nhiễm Covid-19 kỷ lục, với 45 ca nhiễm mới. Đây là thông tin gây sốc bởi trong đợt bùng phát dịch trước đó, số ca nhiễm trên cả nước chưa bao giờ ghi nhận con số cao kỷ lục này.
Đáng chú ý phiên giao dịch 31-7 cũng là thời điểm các quỹ đầu tư tái cơ cấu doanh mục đầu tư tham chiếu theo các bộ chỉ số VN30, VNDiamond, VNFinlead… Thế nhưng, giao dịch của các quỹ đầu tư này cũng không gây ảnh hưởng mạnh lên thị trường, khi đa phần NĐT vẫn đang đặt hết mọi sự chú ý vào tình hình dịch bệnh Covid-19.
CTCK thận trọng
Cuối tuần vừa qua, CTCK FPTS (FPTS) đưa ra thông báo hủy bỏ khuyến nghị trong những báo cáo phân tích doanh nghiệp được phát hành trong giai đoạn 20-4 đến 27-7 với lý do liên quan đến diễn biến dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam.
Theo FPTS, trong các báo cáo trước đó, dự phóng kết quả kinh doanh của doanh nghiệp dựa trên cơ sở Việt Nam kiểm soát được dịch bệnh và không xuất hiện ca bệnh mới trong cộng đồng kể từ thời điểm 17-4. Tuy nhiên, ngày 25-7, khi ca bệnh mới xuất hiện trong cộng đồng, diễn biến dịch bệnh trở nên phức tạp hơn, cơ sở đưa ra dự phóng trong báo cáo bị phá bỏ. Do đó, những khuyến nghị được FPTS đưa ra trong các báo cáo chính thức được hủy bỏ kể từ tuyên bố này cho đến khi có cập nhật mới.
Diễn biến tiêu cực của thị trường, cộng với thông báo này của FPTS cho thấy thị trường đang trong giai đoạn cực kỳ nhạy cảm, thậm chí rất khó lường. Trước thời điểm ngày 25-7, giới phân tích có chung nhận định thị trường đang trong xu hướng tăng ngắn hạn sau loạt phiên điều chỉnh trước đó.
Tuy nhiên, ngay khi thông tin ca nhiễm Covid-19 tại Đà Nẵng được công bố, giới phân tích đều có chung nhận định tiêu cực về diễn biến của thị trường. Đơn cử, CTCK Yuanta Việt Nam (YSVN) đưa ra 2 kịch bản cho thị trường, trong đó kịch bản xấu là chỉ số phá vỡ vùng hỗ trợ 800 điểm. Nếu điều này xảy ra, xu hướng giảm trung hạn có thể mở rộng về mức 745 điểm hoặc vùng đáy cũ tháng 3 (650-660 điểm). Ở kịch bản này, YSVN khuyến nghị NĐT nên bán hết toàn bộ danh mục CP đang nắm giữ.
Thị trường chạm đáy?
Với các NĐT lạc quan, thị trường đang có dấu hiệu chạm đáy và khả năng thị trường sẽ bật tăng mạnh như trong tháng 3. Nhận định này dựa trên những phiên đảo chiều tăng điểm của thị trường trong vài phiên gần đây.
Tuy nhiên, theo CTCK ACB (ACBS), đây cũng chỉ là những nhịp hồi phục kỹ thuật khi VN Index vẫn còn nằm dưới ngưỡng kháng cự mạnh tại 820 điểm. Đồng thời thanh khoản khá thấp cho thấy dòng tiền bắt đáy là chủ yếu, chưa có sự chuyển biến về mặt xu hướng giảm vừa thiết lập. Do đó, NĐT được khuyến nghị tiếp tục cẩn trọng và giảm tỷ trọng CP trong danh mục khi VN Index có các nhịp phục hồi kỹ thuật.
Theo CTCK KIS Việt Nam (KIS), kỳ công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý II của doanh nghiệp đang giảm dần sức ảnh hưởng đối với diễn biến thị trường.
Trong những tuần đầu tháng 8, thị trường sẽ rơi vào giai đoạn tương đối thiếu vắng thông tin nên biến động của thị trường sẽ chịu sự chi phối chính từ những diễn biến mới của dịch Covid-19.
Các mã CP ảnh hưởng tiêu cực nhất đến VN Index trong tuần vừa qua là VCB (Vietcombank), SAB (Sabeco) và VNM (Vinamilk) khi lấy đi lần lượt 4,87 điểm, 2,39 điểm và 2,05 điểm. Ngược lại, các mã CP tác động tích cực nhất đến chỉ số là VHM (Vinhomes), NVL (Novaland) và APH (An Phát Holdings) khi đóng góp vào chỉ số lần lượt 1,6 điểm, 0,61 điểm và 0,4 điểm tăng.