TTF - Vì đâu mang nợ?

Là doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực chế biến gỗ, nên việc CTCP Tập đoàn Kỹ nghệ gỗ Trường Thành (TTF) công bố khoản nợ hàng ngàn tỷ đồng khiến giới đầu tư hết sức bất ngờ. Đâu là nguyên nhân đẩy TTF đến tình trạng hiện nay?

Là doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực chế biến gỗ, nên việc CTCP Tập đoàn Kỹ nghệ gỗ Trường Thành (TTF) công bố khoản nợ hàng ngàn tỷ đồng khiến giới đầu tư hết sức bất ngờ. Đâu là nguyên nhân đẩy TTF đến tình trạng hiện nay?

Tham vọng vươn tầm

Năm 2011, TTF đã dẫn đầu trong lĩnh vực chế biến gỗ của Việt Nam về doanh số (hơn 3.000 tỷ đồng) cũng như quy mô sản xuất (8 nhà máy với công suất 6.000 container/năm). Sang năm 2012, mặc dù doanh số bị giảm sút gần 13% (còn trên 2.600 tỷ đồng), nhưng TTF vẫn nằm trong top 3 danh sách các nhà sản xuất và xuất khẩu gỗ hàng đầu của Việt Nam.

Thậm chí, ngay trong báo cáo thường niên năm 2012, lãnh đạo TTF còn đặt mục tiêu vươn ra khu vực ASEAN và phấn đấu lọt vào top 5 doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu gỗ vào năm 2017.

TTF đã từng 2 lần ra tòa án trong quá trình hợp tác với Công ty Tân Phát. Cụ thể, Tân Phát kiện TTF để đòi khoản nợ hơn 1,8 tỷ đồng và một công ty con của TTF kiện Tân Phát để đòi khoản nợ hơn 28,3 tỷ đồng.

Trước đó, TTF đã bắt đầu dự án mua và trồng 100.000ha rừng sản xuất tại Việt Nam với mong muốn lọt vào top 3 nhà trồng rừng tư nhân (có hoạt động chế biến gỗ) có diện tích rừng trồng lớn nhất khu vực ASEAN trong năm 2020.

Hiện tại, TTF đang sở hữu khoảng 10.000ha rừng đã trồng và được chấp thuận chủ trương đối với khoảng 90.000 ha đất để trồng. Để tăng cường tiềm lực tài chính, TTF cũng đã liên doanh với đối tác Nhật Bản là Tập đoàn Giấy OJI (hàng đầu của Nhật Bản và đứng hàng thứ 6 trên toàn thế giới) để thực hiện các dự án của mình.

Ngay tại thị trường nội địa, TTF cũng là “ông lớn” với trên 30 điểm bán hàng trên toàn quốc và là nhà cung cấp dịch vụ thi công trang trí nội thất đáng tin cậy cho các công trình cao cấp tại Việt Nam. Điển hình là các công trình của Tập đoàn Vingroup tại Nha Trang, Đà Nẵng, Hà Nội và TPHCM. Thương hiệu “Truong Thanh” đã được TTF đăng ký bảo hộ tại Hoa Kỳ, Anh, Pháp. H

iệu quả hoạt động của TTF được hiện thực hóa qua hàng loạt doanh hiệu cao quý. Nổi bật là giải thưởng “Báo cáo thường niên tốt nhất năm 2011" do Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HOSE) tổ chức xét chọn.

Việc TTF rơi vào tình trang khốn đốn như hiện nay là do tham vọng vươn tầm khu vực của doanh nghiệp. Để đạt được các tham vọng này, TTF phải sử dụng vốn vay để đầu tư vào các công ty con và công ty liên kết, nhưng phần lớn đều trong tình trạng thua lỗ trong khi chi phí lãi vay TTF phải trả trong 6 tháng đầu năm lên đến 111 tỷ đồng.

Theo BCTC bán niên 2013, tính đến ngày 30-6, TTF hiện có 14 công ty con và 2 công ty liên kết. Ngoài ra, TTF còn có khoản đầu tư hơn 100 tỷ đồng vào CP của các doanh nghiệp. Cuối tháng 6 vừa qua, TTF đã phải trích lập giảm giá hơn 12,3 tỷ đồng cho các khoản đầu tư này.

Sa sút vì gắng sức

Khi các kế hoạch vươn xa còn đang dang dở thì mới đây, NHNN Chi nhánh Bình Dương đã tổ chức cuộc họp làm cầu nối giữa các ngân hàng với TTF để tháo gỡ khó khăn cho TTF. Theo số liệu được NHNN công bố, TTF hiện đang nợ 13 ngân hàng với số tiền 1.174 tỷ đồng.

Sau quá trình thương lượng, đại diện các ngân hàng mà TTF có vay vốn đã chấp thuận cho doanh nghiệp tái tục hạn mức tín dụng với mức vay hiện hữu trong vòng 12 tháng kể từ ngày 1-9-2013. Đến ngày 1-9-2014, các ngân hàng sẽ xem xét lại nếu TTF hoạt động có triển vọng sẽ tiếp tục tái tục hạn mức tín dụng. Đặc biệt, các ngân hàng cũng chấp thuận cho TTF đóng lãi vay 3 tháng/lần thay vì đóng hàng tháng như trước đây.

Gỗ Trường Thành rơi vào tình trạng khốn đốn do tham vọng quá tầm.

Gỗ Trường Thành rơi vào tình trạng khốn đốn do tham vọng quá tầm.

Quay lại với hoạt động sản xuất kinh doanh của TTF. Sau giai đoạn tăng trưởng ấn tượng, TTF đã bất ngờ sa sút trong năm 2012 và đây cũng là năm tài chính đầu tiên doanh nghiệp này nếm mùi thua lỗ. Theo BCTC năm 2012, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh hợp nhất TTF lỗ gần 3 tỷ đồng, trong khi năm trước lãi khoảng 11 tỷ đồng.

Kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2013 TTF tiếp tục sụt giảm hơn 30% so với cùng kỳ cộng với những khoản nợ vay khổng lồ đang khiến cổ đông và NĐT hết sức hoang mang về tương lại của TTF. Theo BCTC bán niên 2013, dư nợ vay ngắn hạn từ các ngân hàng của TTF (cả ngoại tệ) tại thời điểm ngày 30-6 là 1.568 tỷ đồng với lãi suất 9-16,5%/năm đối với khoản vay bằng tiền đồng.

Trong năm 2012, theo nghị quyết của ĐHCĐ về giảm vay và với chính sách thắt chặt tiền tệ của Chính phủ, TTF đã chủ động giảm vay ngắn hạn trong năm khoảng 154 tỷ đồng. Đồng thời với áp lực từ các nhà cung cấp, TTF cũng đã giảm "Phải trả người bán" khoảng 101 tỷ đồng; nhưng chỉ có thể tăng "Người mua trả tiền trước" được 3 tỷ đồng.

Mặt khác, TTF cũng không thể hoàn tất chương trình tăng vốn thông qua phát hành CP cho cổ đông hiện hữu do yếu tố TTCK sụt giảm và thủ tục xin cấp phép phát hành. Tất cả những điều này đã làm TTF thiếu vốn lưu động trầm trọng, dẫn đến tình trạng chỉ có thể hoàn tất khoảng 40% những đơn hàng đã nhận trong những tháng cuối năm 2012. 

Các tin khác