Từ cách ly đến mở cửa nhìn từ các nước

(ĐTTCO) - Trong số báo trước, ĐTTC đã điểm lại kinh nghiệm đóng-mở cửa của Trung Quốc, Mỹ và châu Âu. Trong số này, ĐTTC tiếp tục phản ánh những đợt khóa và mở cửa tại một số nước châu Á.  

Indonesia vẫn đang áp dụng các biện pháp hạn chế hoạt động cộng đồng trên toàn quốc.
Indonesia vẫn đang áp dụng các biện pháp hạn chế hoạt động cộng đồng trên toàn quốc.
Ấn Độ - Trở lại từ bờ vực
Tối 24-3-2020, Chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi ra lệnh phong tỏa toàn quốc trong 21 ngày, hạn chế đi lại của toàn bộ 1,38 tỷ dân nhằm ngăn chặn đại dịch Covid-19 trong nước. Lệnh khóa cửa được ban hành khi số ca dương tính được xác nhận ở Ấn Độ khoảng 500. Tuy nhiên, lệnh phong tỏa đã đối mặt với các phong trào quần chúng trên khắp đất nước, dù biện pháp này đã làm chậm tốc độ phát triển của đại dịch. Khi giai đoạn khóa cửa đầu tiên kết thúc, chính phủ đã gia hạn khóa cửa toàn quốc cho đến ngày 30-5-2020. 
Sau đó, các hạn chế được dỡ bỏ dần theo từng khu vực, các dịch vụ được nối lại bắt đầu từ ngày 8-6, theo từng giai đoạn "mở khóa”. Đến tháng 12-2020 hầu hết hoạt động được cho phép. Khóa cửa đã gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế Ấn Độ. Từ tháng 4 đến tháng 6-2020, GDP nước này đã giảm 24,4%. Trong quý III-2020, nền kinh tế giảm thêm 7,4%. Dù 2 quý tiếp theo GDP có tăng trở lại, nhưng sự phục hồi rất yếu ớt. Tính chung cả năm 2020, GDP Ấn Độ đã thu hẹp 7,3%.
Vì thiệt hại kinh tế quá lớn, khi làn sóng Covid thứ 2 bùng phát vào cuối tháng 2-2021, chính quyền Thủ tướng Modi đã kiên quyết không ban hành lệnh khóa cửa toàn quốc. Tuy nhiên, đến tháng 3 dịch bùng phát dữ dội với lượng người chết và ca nhiễm tăng cao mỗi ngày, khiến tất cả tiểu bang đều tự ban hành lệnh khóa cửa của riêng mình. Bất chấp làn sóng Covid thứ 2 thảm khốc, nền kinh tế Ấn Độ đã có dấu hiệu cải thiện. GDP của Ấn Độ đã tăng 20,1% trong quý II-2021 nhờ sự phục hồi mạnh mẽ trong lĩnh vực sản xuất và dịch vụ. Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI) đã hạ dự báo tăng trưởng của nước này trong năm tài chính hiện tại xuống 9,5% từ 10,5% ước tính trước đó, trong khi Ngân hàng Thế giới dự báo nền kinh tế Ấn Độ sẽ tăng trưởng 8,3% vào năm 2021. 

Thái Lan - Phục hồi du lịch
Thái Lan đã tương đối thành công trong việc ngăn chặn đại dịch trong suốt phần lớn năm 2020, nhưng đã trải qua đợt bùng phát trở lại không kiểm soát được kể từ tháng 4 năm nay. Phản ứng của chính phủ Thái Lan đối với đợt bùng phát ban đầu dựa trên việc giám sát và truy vết tiếp xúc. Theo đó, Thủ tướng Prayut Chan-o-cha đã ban bố tình trạng khẩn cấp, có hiệu lực vào ngày 26-3-2020. Trung tâm Quản lý Tình huống Covid-19 (CCSA) được thành lập để điều phối phản ứng của chính phủ. 
Các biện pháp khóa cửa đã được thực hiện ở nhiều mức độ trên khắp đất nước, với các địa điểm công cộng và doanh nghiệp được lệnh đóng cửa. Lệnh giới nghiêm có hiệu lực vào ngày 3-4-2020 và các chuyến bay quốc tế thương mại bị đình chỉ sau đó 1 ngày. Công chúng đã hợp tác tương đối tốt với các cố vấn y tế, và cơ sở hạ tầng y tế công cộng vững chắc của đất nước được ghi nhận đã góp phần vào phản ứng ban đầu tương đối thành công. Việc nới lỏng các hạn chế dần được thực hiện từ giữa tháng 5-2020. Lệnh giới nghiêm đã được dỡ bỏ vào tháng 7 và các trường học mở cửa trở lại vào tháng 8. Tuy nhiên, tình trạng khẩn cấp vẫn có hiệu lực.
Trong những đợt bùng phát tiếp theo vào tháng 12-2020 và tháng 4-2021, chính phủ miễn cưỡng thực hiện các biện pháp hạn chế ở mức độ tương tự vì sợ gây thêm gián đoạn cho nền kinh tế. Vào tháng 12, chính phủ tập trung kiểm tra lao động nhập cư và hạn chế đi lại từ các tỉnh bị ảnh hưởng, trong khi vào tháng 4, chính quyền cho phép các ngày lễ Songkran (Tết Thái Lan) diễn ra (không có lễ té nước). Song song đó, chiến dịch tiêm chủng bắt đầu được thực hiện từ cuối tháng 2-2021.
Đại dịch đã làm gián đoạn nền kinh tế của đất nước, đặc biệt với ngành mũi nhọn du lịch. Nền kinh tế đã bị suy giảm 6,1% vào năm ngoái và Ngân hàng Trung ương dự đoán tăng trưởng chỉ 0,7% trong năm nay. Để vực dậy kinh tế, chính phủ gần đây đã công bố kế hoạch từ bỏ yêu cầu kiểm dịch bắt buộc đối với những du khách đã được tiêm phòng đầy đủ từ tháng 11 đến thủ đô Bangkok và một số điểm nóng du lịch ở 9 khu vực khác. Trên toàn quốc, CCSA đã lên kế hoạch giảm một nửa thời gian cách ly bắt buộc đối với những du khách đã được tiêm chủng đầy đủ xuống còn 7 ngày, giảm xuống còn 10 ngày đối với những người chưa tiêm chủng xong. CCSA cũng quyết định nới lỏng hơn các hạn chế ở 29 khu vực bị kiểm soát tối đa kể từ ngày 3-10, bao gồm cả Bangkok, cho phép nhiều doanh nghiệp và địa điểm mở cửa trở lại với một số yêu cầu nhất định, đồng thời rút ngắn lệnh giới nghiêm ban đêm xuống 1 giờ.

Indonesia - Hạn chế quy mô lớn 
Ca nhiễm Covid-19 đầu tiên được báo cáo ở Indonesia vào ngày 2-3-2020. Đến 9-4 cùng năm, đại dịch đã lan ra tất cả 34 tỉnh thành trong cả nước. Jakarta, Tây Java và Trung Java là những tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề nhất, chiếm gần một nửa tổng số ca bệnh trên toàn quốc. Thay vì thực hiện lệnh cấm trên toàn quốc, chính phủ đã áp dụng các "hạn chế xã hội quy mô lớn" (PSBB), sau đó được sửa đổi thành "thực thi hạn chế hoạt động cộng đồng" (PPKM). Tính đến ngày 6-10-2021, PPKM vẫn được áp dụng trên 34 tỉnh thành của Indonesia, bao gồm các biện pháp như đóng cửa các địa điểm công cộng, trường học, hạn chế phương tiện giao thông công cộng, hạn chế việc đi lại đến và đi từ các tỉnh thành. Song song đó, Indonesia khởi động chương trình tiêm chủng kể từ ngày 13-1-2021
Để giảm tác động của đại dịch đối với nền kinh tế, chính phủ đã ban hành chính sách kích cầu trị giá 10.300 tỷ IDR đối với lĩnh vực du lịch, dưới hình thức giảm giá vé và khấu trừ thuế nhà hàng. Ngân sách này được đưa ra để cung cấp giá vé máy bay chiết khấu cho 10 điểm du lịch, áp dụng từ tháng 3 đến tháng 5-2020. Giá vé của các hãng hàng không giá rẻ giảm 50%, dịch vụ trung bình 48% và dịch vụ trọn gói giảm 45%. Các biện pháp kích thích dưới hình thức thuế nhà hàng do chính phủ thực hiện cũng được cung cấp với mức 3.300 tỷ IDR. Do đó, không có thuế nhà hàng ở 10 điểm du lịch trên, nhưng để đền bù chính quyền địa phương sẽ được trợ cấp từ chính quyền trung ương. 
Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính đợt bùng phát gần đây của biến thể Delta sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế của Indonesia trong năm nay, và trì hoãn sự phục hồi kinh tế hoàn toàn cho đến năm sau. GDP của đất nước được dự báo tăng 3,7% trong năm nay, thấp hơn 0,7% so với dự báo trước đó vào tháng 4. Nhưng WB đã nâng triển vọng cho năm tới thêm 0,1% lên 5,2%.

Các tin khác