Trung Quốc - Khóa cửa sớm, hiệu quả cao
Ca nhiễm Covid đầu tiên được báo cáo tại TP Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc vào ngày 1-12-2019. Đến ngày 23-1-2020, chính quyền Vũ Hán bắt đầu tiến hành kiểm dịch đối với người đến và đi khỏi thành phố nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus ra ngoài TP. Các chuyến bay, xe lửa, xe buýt, hệ thống tàu điện ngầm và xe khách đường dài đã bị đình chỉ vô thời hạn. Các cuộc tụ họp quy mô lớn và các chuyến tham quan theo nhóm cũng bị đình chỉ. Đến ngày 24-1-2020, có tổng cộng 15 thành phố ở Hồ Bắc, bao gồm cả Vũ Hán, đã bị áp dụng các biện pháp kiểm dịch tương tự. Tính đến ngày 6-2-2020, có 4 TP ở Chiết Giang, gồm Ôn Châu, Hàng Châu, Ninh Ba và Thái Châu, đã được áp dụng hệ thống "giấy đi đường", chỉ cho phép 1 người trong mỗi hộ gia đình rời khỏi nhà 2 ngày một lần. Những hạn chế này áp dụng cho hơn 30 triệu người.
Đến cuối tháng 2-2020, đại dịch đã được kiểm soát ở hầu hết các tỉnh của Trung Quốc. Vào ngày 25-2, lần đầu tiên số ca nhiễm Covid được báo cáo mới ở bên ngoài Hoa lục vượt quá số trường hợp được báo cáo từ bên trong. Đến ngày 6-3, số ca mắc mới đã giảm xuống ít hơn 100 ca trên toàn quốc mỗi ngày. Đến ngày 13-3-2020, lần đầu tiên số ca nhập cảnh vượt qua số ca mắc mới trong nước. Các đợt bùng phát lẻ tẻ đã xảy ra kể từ đó, và các địa phương đã đối phó bằng cách xét nghiệm và hạn chế. Các khu vực được phân loại thành rủi ro cao, trung bình hoặc thấp dựa trên số ca được xác nhận và liệu có trường hợp cụm lây nhiễm hay không, tạo cơ sở cho việc nới lỏng dần các biện pháp khóa cửa kể từ tháng 3. Việc phong tỏa TP Vũ Hán đã chính thức được dỡ bỏ vào ngày 8-4-2020, sau 61 ngày đóng cửa.
Trung Quốc cũng đẩy nhanh các chương trình vaccine. Tháng 7-2020, nước này phê chuẩn khẩn cấp cho 2 loại vaccine trong nước. Tính đến tháng 9-2021, 69% dân số Trung Quốc đã tiêm đủ 2 liều vaccine Covid-19. Để mở cửa, Trung Quốc đã áp dụng hệ thống mã xanh-vàng-đỏ do phần mềm sức khỏe cung cấp. Chỉ những người có mã màu xanh mới có thể di chuyển tự do, trong khi những người có mã màu đỏ hoặc vàng cần phải được báo cáo cho chính quyền. Với di chuyển nội địa được mở cửa trở lại, nền kinh tế Trung Quốc phục hồi tốt sau suy thoái, tạo việc làm ổn định và tăng trưởng thương mại quốc tế kỷ lục. Các gã khổng lồ ngân hàng Goldman Sachs và Morgan Stanley vào tháng 8 đã dự báo triển vọng tăng trưởng cả năm của Trung Quốc ở mức 8,3% và 8,2%.
Châu Âu - chậm chạp, kém hiệu quả
Ca nhiễm đầu tiên ở châu Âu được báo cáo tại Pháp vào ngày 24-1-2020, nhưng mãi đến ngày 10-3, Hội đồng Châu Âu (EC) mới triệu tập một hội nghị trực tuyến. Qua đó, các nước châu Âu nhất trí 4 nội dung ưu tiên để chống dịch, gồm: hạn chế sự lây lan của virus; cung cấp thiết bị y tế, đặc biệt tập trung vào khẩu trang; thúc đẩy nghiên cứu, bao gồm cả nghiên cứu vaccine; giải quyết hậu quả kinh tế - xã hội. Tại cuộc họp video thứ hai vào ngày 17-3, lĩnh vực thứ 5 đã được thêm vào: giúp đỡ các công dân bị mắc kẹt ở các nước thứ 3. Cũng tại cuộc họp này, các nhà lãnh đạo cũng đồng ý đặt ra những hạn chế tạm thời đối với việc đi lại không cần thiết ở EU trong thời gian 30 ngày. Sau đó, các nước có những biện pháp giới hạn đi lại riêng ở từng địa phương. Những biện pháp đối phó Covid của châu Âu nhìn chung bị chỉ trích chậm chạp và kém hiệu quả.
Về kinh tế, EU đã có những gói hỗ trợ khá mạnh mẽ. Ngày 18-3-2020, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) thông báo mua thêm 750 tỷ euro trái phiếu chính phủ và công ty châu Âu trong năm. Ngày 9-4, các bộ trưởng tài chính từ 19 quốc gia Eurozone đã đồng ý cung cấp 240 tỷ euro hỗ trợ các hệ thống y tế, 200 tỷ euro bảo lãnh tín dụng cho Ngân hàng Đầu tư châu Âu và 100 tỷ euro cho những người lao động bị mất lương. Ngày 23-4, EC lên kế hoạch thành lập quỹ phục hồi dự kiến ít nhất khoảng 1 nghìn tỷ euro. Ngày 21-7, EU đạt thỏa thuận quỹ phục hồi có tên Thế hệ tiếp theo EU, với các khoản tài trợ và cho vay cho mỗi quốc gia thành viên EU 390 tỷ euro. Nhờ tất cả những nỗ lực này, EU đã thoát khỏi suy thoái kể từ quý II năm nay.
Mỹ - Lưỡng đảng chia rẽ, người dân ngờ vực
Ca Covid-19 đầu tiên được báo cáo ở Mỹ vào ngày 20-1-2020, là một người gốc Vũ Hán, Trung Quốc. Ngày 29-1, Tổng thống Donald Trump đã thành lập Lực lượng đặc nhiệm Coronavirus của Nhà Trắng, do Bộ trưởng Y tế Alex Azar dẫn đầu, để điều phối và giám sát các nỗ lực "theo dõi, ngăn chặn và giảm thiểu sự lây lan" của Covid-19 tại Mỹ. Ngày 31-1-2020, Ông Trump tuyên bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng, đồng thời hạn chế nhập cảnh vào Mỹ đối với tất cả người nước ngoài đã có mặt tại Trung Quốc trong vòng 14 ngày trước khi vào Mỹ. Ông Trump cũng áp đặt lệnh cách ly lên đến 14 ngày đối với các công dân Mỹ trở về từ Hồ Bắc.
Đến ngày 20-3-2020, Mỹ bắt đầu cấm nhập cảnh đối với công dân nước ngoài đã ở 28 quốc gia châu Âu trong vòng 14 ngày trước. Công dân Mỹ trở về từ nước ngoài có thể vào lại Mỹ theo những hạn chế mới, nhưng những người trở về từ một số quốc gia cụ thể phải trải qua kiểm tra sức khỏe, chịu sự kiểm dịch và theo dõi trong tối đa 14 ngày. Các lệnh hạn chế nhập cảnh của ông Trump đã bị WHO chỉ trích và bị phản đối mạnh mẽ trong nước từ đảng Dân chủ và các hãng truyền thông lớn.
Trong nước, Mỹ ban hành các biện pháp hạn chế tùy theo từng địa phương. California là nơi ban hành lệnh "ở nhà" sớm nhất, sau đó là các tiểu bang khác. Ngày 16-3, Tổng thống Trump đã công bố "15 ngày để làm chậm sự lây lan", gồm một loạt hướng dẫn dựa trên các khuyến nghị của CDC về các chủ đề như giãn cách vật lý, tự cách ly và bảo vệ những người có nguy cơ cao. Chính phủ cũng khuyến nghị đóng cửa các trường học và tránh tụ tập hơn 10 người. Chính quyền Trump cũng phát động chiến dịch vaccine lớn nhất trong lịch sử, giúp nước này chủ động nguồn vaccine ngừa Covid. Tuy nhiên, do tâm lý e ngại vaccine ở người Mỹ rất cao, khiến nước này đứng cuối cùng trong nhóm G7 về tỷ lệ tiêm vaccine khi mũi 1 chỉ 61,94% và mũi 2 đạt 52,76%.
Cho đến nay, hầu hết tiểu bang ở Mỹ đã mở cửa trở lại. Theo đánh giá, Mỹ hiện đang ở trong giai đoạn phục hồi kinh tế tương đối mạnh mẽ. GDP đã tăng trở lại, tỷ lệ thất nghiệp giảm và thị trường chứng khoán đang bùng nổ. Các hộ gia đình Mỹ đã tăng thêm tổng cộng 13,5 nghìn tỷ USD vào tài sản của họ trong năm 2020. Nền kinh tế rơi vào suy thoái chỉ 2 tháng và đã tăng trở lại kể từ tháng 5-2020. Hiệp hội các Nhà kinh tế kinh doanh quốc gia (NABE) mới đưa ra dự báo tăng trưởng GDP của Mỹ sẽ đạt 5,6% trong năm nay, giảm so với dự báo 6,7% đưa ra hồi tháng 5.