Từ đường sắt cao tốc Lào - Trung, nhìn lại tuyến đường sắt Bắc - Nam

(ĐTTCO) - Tuyến đường sắt Vientiane đến Côn Minh Trung Quốc đang làm thay đổi bức tranh kinh tế - xã hội và du lịch của Lào.
Từ đường sắt cao tốc Lào - Trung, nhìn lại tuyến đường sắt Bắc - Nam

Đường sắt tốc độ cao nối thủ đô Vientiane của Lào và thủ phủ Côn Minh của tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), chính thức khai trương ngày 3-12-2021. Chỉ sau 1 năm (thống kê đến tháng 12-2022) tuyến đường sắt này đã vận chuyển 10 tỷ NDT hàng hóa, 2 triệu tấn hàng, gần 1 triệu hành khách. Nó đã tạo cho Lào cơ hội trở thành "siêu” trung tâm thương mại trên đất liền.

Thái Lan là quốc gia tận dụng được lợi thế tuyến đường sắt hiệu quả nhất. Bộ Thương mại Thái Lan cho biết, kim ngạch xuất khẩu trái cây của nước này sang Trung Quốc đã tăng mạnh kể từ khi tuyến đường sắt Lào - Trung Quốc đi vào hoạt động từ cuối năm 2021. Hàng hóa của nước này xuất sang Trung Quốc qua hệ thống đường sắt Lào - Trung Quốc đạt 55 triệu USD trong năm 2022, tăng hơn 21 lần so với 2021.

Trong 5 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu hàng hóa của Thái Lan sang Trung Quốc qua tuyến đường sắt này đã đạt hơn 80,2 triệu USD, trong đó có tới 72% là kim ngạch xuất khẩu sầu riêng tươi. Điều này cho thấy người Thái đã bỏ con đường xuất khẩu trái cây tươi qua ngả Việt Nam.

Trước dịch, cụ thể năm 2018, người Thái xuất khẩu trái cây bằng cách nhập vào Việt Nam qua công ty đại diện, hoặc nhờ các công ty Việt Nam nhập từ Thái, rồi xuất sang Trung Quốc gần 600 triệu USD. Nhưng từ năm 2021 người Thái không còn làm như thế nữa.

Tuyến đường sắt Lào - Trung giúp thương nhân Thái Lan giảm thời gian giao hàng đến Trung Quốc xuống còn 15 giờ, thay vì 2 ngày khi vận chuyển bằng xe tải như trước đây, và mất 5 ngày nếu qua ngả Việt Nam. Họ xuất khẩu qua Lào được lợi cả về thời gian, cước phí và tỷ lệ hao hụt thấp. Hiện Thái Lan đang xuất sang Trung Quốc 5 nhóm trái cây chính gồm chuối, dừa, sầu riêng, thanh long và nhãn.

Theo dự báo, trong năm nay, nước này sẽ xuất khẩu sang Trung Quốc khoảng 2,5 triệu tấn trái cây tươi, tương đương 5,5 tỷ USD, tăng khoảng 600 triệu USD so với năm ngoái, riêng sầu riêng xuất khẩu đạt mức kỷ lục.

Năm 2022, nước này xuất khẩu kỷ lục 700.000 tấn sầu riêng, với 90% đến Trung Quốc. Còn 5 tháng đầu 2023 Trung Quốc đã nhập 446.152 tấn sầu riêng từ Thái Lan bằng đường tàu hỏa, tăng 58% so với cùng kỳ năm ngoái (281.528 tấn), đạt hơn 2 tỷ baht (hơn 57 triệu USD), tăng 364% so với cùng kỳ 2022.

Tuyến đường sắt Lào - Trung Quốc dài 1.035km, xây dựng trong thời gian 5 năm (2016-2021) với kinh phí 6 tỷ USD, phần chạy trên địa phận của Lào 422km. Tuyến đường sắt đi qua 198km đường hầm chui, 62km cầu sông và cầu cạn, tốc độ trung bình 160km/giờ. Tuyến đường sắt này giúp du lịch của Lào phát triển vượt bậc, thu hút du khách nhiều chưa từng có.

Theo thời báo Vientiane, chỉ trong 3 tháng đầu năm 2023, đã có gần 900.000 du khách nước ngoài đến Vientiane; trong đó 350.000 đến từ Thái Lan, 180.000 đến từ Việt Nam, 145.000 đến từ Trung Quốc, 46.000 đến từ Hàn Quốc. Số còn lại là khách châu Âu, Bắc Mỹ, và hầu hết đều qua lại Trung Quốc bằng tàu hỏa cao tốc.

Tuyến đường này còn góp phần tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương, nhất là hoạt động dịch vụ; làm thay đổi cảnh quan môi trường và đánh thức tiềm năng nhiều vùng của Lào vốn lạc hậu, khó khăn.

Nhận thấy lợi thế của xuất khẩu bằng đường sắt, chính phủ Thái Lan đã lên kế hoạch làm tuyến đường sắt cao tốc nối Bangkok đến thành phố Nong Khai gần biên giới Lào, với kế hoạch 2 giai đoạn.

Giai đoạn 1 từ Bangkok đến thành phố Nakhon Ratchasima dài 253km, đã bắt đầu thi công năm ngoái và dự kiến khai thác thương mại năm 2026.

Giai đoạn 2 dài 355km từ Nakhon Ratchasima đến Nong Khai giáp biên giới Lào, sẽ hoàn thành vào năm 2028. Khi đó các loại nông sản từ miền Trung Thái Lan có thể đến tay người tiêu dùng ở Trung Quốc bằng tàu cao tốc trong 1-1,5 ngày.

Phía Lào cũng lên kế hoạch kéo dài tuyến đường sắt từ Vientiane tới biên giới Thái Lan dài 34km. Trung Quốc cũng lên kế hoạch sớm hình thành tuyến Vân Nam - Vientiane thành mạng lưới đường sắt quốc tế nối các tỉnh miền Nam và Đông Nam Trung Quốc như Vân Nam, Quảng Tây, Tứ Xuyên, với Lào, Bangkok (Thái Lan), Kuala Lumpur (Malaysia) và cuối cùng là Singapore. Đây là dự án đường sắt dài 5.500km nằm trong trong Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc thực hiện ở Đông Nam Á.

Từ câu chuyện này, chúng ta nhận thấy 2 chuyện. Thứ nhất, việc làm mới tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam theo hướng hiện đại hóa đang quá chậm. Tuyến đường sắt Bắc - Nam có tuổi đời hơn 100 năm, từ đó đến nay qua nhiều lần cải tạo vẫn là tuyến vận tải cũ kỹ, lạc hậu vào loại nhất thế giới, chạy từ TPHCM ra Hà Nội mất khoảng 35 tiếng cho 1.700km, tức tốc độ chỉ khoảng 45km/giờ.

Lẽ ra Việt Nam phải có được tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam hiện đại kéo dài đến Lào Cai, nối với Vân Nam, Trung Quốc, làm chủ lực trong việc vận tải hàng hóa, hành khách, nhất là vận chuyển các loại trái cây, thủy hải sản từ ĐBSCL xuất qua Trung Quốc.

Đáng tiếc, Việt Nam đã đánh mất cơ hội phát triển và tiêu thụ nông sản vì tình trạng đường sắt như hiện nay. Và trong tương lai chúng ta có thể bị giảm hoặc mất thị trường xuất khẩu trái cây, rau củ, hải sản và các mặt hàng như cà phê, điều, hạt tiêu, cao su, dầu cọ vào Trung Quốc.

Hiện nay, Bộ GTVT chuẩn bị trình Bộ Chính trị phương án xây dựng tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam (đây là lần thứ 2, lần thứ nhất 2010) với kinh phí 59 tỷ USD. Hy vọng phương án này được chốt, và vào năm 2035 dân Việt Nam sẽ được đi tàu hỏa hiện đại.

Thứ hai, qua câu chuyện đường sắt cao tốc Lào - Trung Quốc, cho thấy Trung Quốc có rất nhiều tập đoàn có công nghệ kỹ thuật cao, nhưng không hiểu vì sao Việt Nam không thể hay không muốn tiếp cận tới họ. Một trong số các dự án điển hình là đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, chỉ 13km mà phải bỏ ra gần 1 tỷ USD và mất hơn 10 năm xây dựng.

Năm 2022, trong lần gặp gỡ và hội đàm với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình tại Bắc Kinh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh “Việt Nam đặc biệt coi trọng thị trường Trung Quốc và hoan nghênh, sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp lớn, có trình độ khoa học công nghệ cao của Trung Quốc mở rộng đầu tư vào Việt Nam”. Quan điểm chiến lược cấp quốc gia đã thông, nhưng tư tưởng đó vẫn chưa hiện thực hóa được trong thực tế.

Các tin khác