Từ lợi ích nhóm nghĩ về y đức bác sĩ

(ĐTTCO) - Từ lời thề Hippocrates phổ quát của ngành y toàn cầu cho đến “Y huấn cách ngôn” của danh sư Lê Hữu Trác, đều cảnh tỉnh nghiêm khắc về phẩm chất người thầy thuốc.
Từ lợi ích nhóm nghĩ về y đức bác sĩ

Sau khi cựu Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang nhận án treo vì “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, lại đến cựu giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội Nguyễn Quang Tuấn nhận án 3 năm tù vì "vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.

Liên tục nhiều cán bộ ngành y tế vướng vào các vụ án được dư luận quan tâm. Ngoài ra, đội ngũ nhân viên y tế trên cả nước cũng có nhiều biểu hiện kém lành mạnh: Sở Y tế tỉnh Bình Dương phát đi văn bản đề nghị các cơ sở y tế trong và ngoài địa bàn không tiếp nhận, ký hợp đồng, tuyển dụng hay đào tạo đối với 6 bác sĩ đã vi phạm cam kết viên chức với địa phương. Phải chăng, vấn đề y đức hôm nay cần phải được suy ngẫm một cách nghiêm túc hơn?

Lòng tự trọng vốn không thể đo lường. Thế nhưng, lòng tự trọng luôn hiển lộ đầy đủ khi thử thách danh lợi. Người nào cũng cần lòng tự trọng và nghề nào cũng cần lòng tự trọng. Đặc biệt, khi đứng trước những việc liên quan đến sức khỏe cả cộng đồng, lòng tự trọng còn có giá trị cao hơn cả tài năng và địa vị.

Câu chuyện Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn vừa nghỉ hưu trước tuổi theo nguyện vọng cá nhân, cũng gây xôn xao trong nhiều giới, nhiều ngành. Ông Nguyễn Trường Sơn sinh năm 1964, có học hàm phó giáo sư và học vị tiến sĩ, lẽ ra phải đến năm 2025 mới hết thời gian công tác. Cái ghế Thứ trưởng không phải nhỏ, ít ai muốn rời đi khi còn được ở lại.

Dù chỉ bị kỷ luật ở mức khiển trách vì buông lỏng quản lý để xảy ra một số tiêu cực trong ngành, nhưng ông Nguyễn Trường Sơn vẫn tự cảm thấy không còn xứng đáng với vai trò Thứ trưởng Bộ Y tế. Áp lực dư luận không thể bằng áp lực bản thân, ông Sơn từ giã quan trường với không ít tâm tư.

Nhìn ở góc độ nhất định, đó cũng là biểu hiện của lòng tự trọng. Ông Nguyễn Trường Sơn có nhiều đóng góp cho ngành y tế. Ông là bác sĩ chuyên ngành truyền máu huyết học và từng có 14 năm làm Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, TPHCM. Trong giai đoạn căng thẳng Covid-19, ông làm trưởng bộ phận thường trực chống dịch tại Bắc Giang, Đà Nẵng và TPHCM, khi những địa phương này đối mặt lây nhiễm diện rộng. Với thành tích quá khứ, ông Nguyễn Trường Sơn có thể ung dung thụ hưởng những quyền lợi thêm một thời gian nữa.

Từ trường hợp ông Nguyễn Trường Sơn càng thấy rằng đã đến lúc phải củng cố lại lòng tự trọng trong lĩnh vực y tế. Từ lời thề Hippocrates phổ quát của ngành y toàn cầu cho đến “Y huấn cách ngôn” của danh sư Lê Hữu Trác, đều cảnh tỉnh nghiêm khắc về phẩm chất người thầy thuốc.

Không có gì đau đớn hơn cho xã hội khi chứng kiến những thiên thần từng khoác áo blouse trắng lại thành tội phạm tại phiên tòa xét xử các vụ án hình sự. Không phải ngẫu nhiên danh sư Lê Hữu Trác gửi gắm trong “Y lý thâu nhàn” mấy câu răn dạy: “Công danh đại bệnh nan y liệu. Đạo đức y ngô kiện khởi cư”, tạm dịch “Công danh là bệnh khó thay. Giữ mình đạo đức hàng ngày khỏe vui”. Thầy thuốc mà tham lam đua đòi vật chất thì tổn hại cho bản thân và cho mọi người.

Có lẽ không thừa khi nhắc lại, ngành y tế nước ta đang đối diện với nhiều bất cập, từ sự tụt hậu trình độ đến sự tha hóa nhân cách. Thầy thuốc cần tự đặt ra giới hạn, không thể mải mê chạy theo cái danh và chạy theo cái lợi, mà mỗi việc làm đều phải xuất phát từ trái tim yêu thương đồng loại. Nói cách khác, lòng tự trọng cá nhân và sức khỏe cả cộng đồng chờ đợi thầy thuốc chân chính khi đối diện mỗi bệnh nhân đều tận tâm và tận lực.

Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) đã được đưa ra lấy ý kiến ở Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Một trong những nội dung nổi cộm, là tình trạng cán bộ và nhân viên y tế rời khỏi cơ sở y tế công để chuyển sang làm việc ở bệnh viện hoặc phòng khám tư nhân. Đây có phải là hiện tượng “chảy máu chất xám”? Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng: “Đó là do cơ chế chính sách. Bệnh viện công sử dụng không tốt, anh em chạy sang bệnh viện tư vẫn đóng góp cho đất nước. Mình phải sửa chính sách công để giữ chân cán bộ”.

Thực tế, những cán bộ và nhân viên quyết định bước từ “công” sang “tư” đều là những con người can đảm và tự trọng. Họ có thái độ chọn lựa mạch lạc cho nghề nghiệp, tìm đến nơi họ cảm thấy sở trường được đắc dụng hơn, thu nhập được cải thiện hơn.

Đáng sợ nhất là sự nhập nhèm giữa “công” và “tư” ở đội ngũ khoác áo blouse trắng. Rất nhiều bác sĩ chỉ làm việc cầm chừng ở bệnh viện công để lấy danh phận, rồi dùng toàn bộ trí lực kiếm tiền ở bệnh viện tư với các mác “chuyên gia lâu năm ở bệnh viện lớn X hoặc Y”. Không ít bác sĩ tiếp nhận và chẩn đoán qua loa ở bệnh viện công, sau đó gợi ý cho bệnh nhân đến khám bệnh tại phòng mạch của mình.

Nguồn nhân lực y tế đang dịch chuyển từ “công” sang “tư”, một phần vì chủ trương “xã hội hóa y tế” chưa vận hành đúng mục đích. Nhiều bác sĩ đã bày tỏ sự bất bình khi xã hội hóa y tế lại thực hiện bằng cách tư nhân bỏ tiền ra mua thiết bị y tế đặt trong bệnh viện công, rồi chia nhau lợi nhuận. Nếu “công” và “tư” hợp tác như vậy tránh sao được hệ lụy “lợi ích nhóm”? Một khi “lợi ích nhóm” hình thành ở bệnh viện công, không những ảnh hưởng đến chất lượng y tế, còn không thể nâng cao đời sống cho cán bộ, nhân viên y tế.

Bệnh viện công hay tư đều đặt mục tiêu chăm sóc sức khỏe cho người dân. Thay đổi phương pháp quản trị của bệnh viện công và khuyến khích phát triển bệnh viện tư, sẽ tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động khám bệnh và chữa bệnh.

Tuy nhiên, việc sửa đổi chính sách cho bệnh viện công cần chú trọng kêu gọi sự chung tay của những nhà hảo tâm và những quỹ tài chính, để xây dựng mô hình hợp tác công tư phi lợi nhuận phục vụ sự nghiệp “lương y như từ mẫu” nhiều quốc gia văn minh đã áp dụng thành công. Bên cạnh đó, để bảo toàn và phát triển cán bộ và nhân viên cơ sở y tế công, cần phải đánh giá lại nguồn nhân lực, cũng như những chính sách để thu hút và giữ chân người tài ngành y tế.

Các tin khác