Nhiều NĐT lo ngại
Sàn HOSE sẽ giao dịch trở lại trong ngày hôm nay 25-1
Trong thông báo vừa được HOSE phát đi vào cuối giờ chiều hôm qua (24-1), sự cố kỹ thuật về cơ bản đã được khắc phục và sàn HOSE sẽ giao dịch trở lại vào ngày hôm nay (25-1). Theo ông Lê Hải Trà, thành viên phụ trách HĐQT HOSE, sự cố lỗi phần mềm của hệ thống đã khiến sàn giao dịch bị mất kết nối, dẫn đến tình trạng hệ thống giao dịch của HOSE gặp sự cố cuối phiên giao dịch chiều 22-1. Hiện cán bộ kỹ thuật đã khoanh vùng được nguyên nhân sai sót và tiếp tục tìm các phương án giải quyết hiệu quả nhất để những sự cố như vậy sẽ không xảy ra trong tương lai.
Trong khi UBCKNN HOSE và các chuyên gia từ Sở Giao dịch CK Thái Lan (đơn vị cung cấp hệ thống) đang loay hoay khắc phục sự cố trong phiên giao dịch chiều ngày 22-1, thì trên thị trường xuất hiện thông tin giả mạo: “Được sự chấp thuận từ UBCKNN, HOSE sẽ bù thêm giờ giao dịch do đóng cửa ngày 23-1 cho phiên ngày 24-1.
Theo đó, phiên sáng bắt đầu từ 6 giờ 30 và nghỉ giữa phiên lúc 11 giờ 30 phút, phiên chiều mở cửa lúc 13 giờ và đóng cửa lúc 16 giờ”. Thông tin giả mạo này, cộng với việc xử lý sự cố chậm chạp (tiếp tục đóng cửa phiên 24-1) càng khiến cho nhiều NĐT thêm lo lắng về tài khoản của mình liệu có bị ảnh hưởng.
Sự cố “sập sàn” và giải pháp khắc phục không đúng như kế hoạch cũng khiến cho giới đầu tư nghi ngờ về hệ thống của HOSE sau hàng loạt công trình đầu tư quan trọng. Trước đó, năm 2014, HOSE đã đưa vào sử dụng trung tâm dữ liệu dự phòng tại Công viên Phần mềm Quang Trung (TPHCM) hiện đại nhất Đông Nam Á, với tổng vốn đầu tư lên đến 300 tỷ đồng.
Phát biểu tại lễ động thổ công trình, ông Trần Đắc Sinh, lúc đó là Chủ tịch HĐQT HOSE, cho biết đây sẽ là trung tâm dịch vụ công nghệ thông tin với nhiều chức năng đa dạng như lưu trữ dữ liệu cho HOSE, cho các đơn vị của Bộ Tài chính tại phía Nam, cho cả CTCK và định chế tài chính. Đây cũng là cơ sở để triển khai các dịch vụ hạ tầng công nghệ thông tin để phát triển năng lực hoạt động cho các thành viên thị trường, hỗ trợ kỹ thuật, đào tạo và cung cấp các dịch vụ công nghệ thông tin khác cho TTCK.
Theo chuyên gia Đinh Thế Hiển, dù HOSE có khắc phục thành công thì sự cố lần này vẫn cho thấy rằng hệ thống phần mềm nói riêng và cả hệ thống giao dịch của HOSE đã không đạt yêu cầu với quy mô sàn giao dịch có vốn hóa đã vượt mốc 100 tỷ USD. Cũng theo ông Hiển, HOSE đã không tính đến phương án dự phòng nên mới để tình trạng ngừng giao dịch xảy ra dài và cảnh báo: “Nếu không khắc phục, nâng cấp đảm bảo thì chưa thể nói trước được sự cố có lặp lại trong những phiên sắp tới hay không”.
NĐT chịu thiệt
Các sự cố như vậy có thể gây tổn hại cho thị trường, đặc biệt trong con mắt của NĐTNN. Việc đóng cửa trong một vài ngày sẽ bắt đầu có ảnh hưởng đến tâm lý của thị trường, đặc biệt là các NĐTNN mới tham gia thị trường hoặc đang có ý định đầu tư tại Việt Nam.
Ông Tyler Cheung,
Giám đốc khối khách hàng CTCK ACB
Giám đốc khối khách hàng CTCK ACB
Ngay sau khi xảy ra sự cố ngày 22-1, ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch UBCKNN cho biết đây là sự cố kỹ thuật đáng tiếc nhưng cũng cần phải nhìn nhận những sự cố như thế này là rủi ro trong hoạt động mà bất cứ thị trường nào cũng có thể gặp phải. Trong quá khứ, TTCK Việt Nam đã từng gặp sự cố kỹ thuật và phải dừng giao dịch liên tục 3 ngày vào tháng 5-2008. “Khi thị trường gặp sự cố tất nhiên sẽ ảnh hưởng đến tâm lý và lòng tin của NĐT dù ít hay nhiều.
Trong những trường hợp như vậy, điều quan trọng là các cơ quan quản lý cần thông báo kịp thời đến các thành viên thị trường và NĐT để biết và đánh giá mức độ ảnh hưởng đến hoạt động và quyết định đầu tư” - ông Dũng nói. Thực tế, các sàn giao dịch CK hàng đầu thế giới và khu vực cũng từng rơi vào tình trạng sập như New York (NYSE), London (LSE), Singapore (SGX), Indonesia (ISE), Ấn Độ (NSE).
Dù các cơ quan quản lý đã lên tiếng trấn an, nhưng chưa thể giải tỏa hết bức xúc từ phía các NĐT bởi những thiệt hại mà họ phải gánh chịu khi thị trường đóng cửa. Thiệt hại đầu tiên chính là cơ hội mua/bán CP với mức giá mà NĐT đang kỳ vọng. Thiệt hại này có thể không “đong đếm” được, nhưng thiệt hại về tài chính với những NĐT có sử dụng margin là có thể tính toán được.
Đối với các NĐT sử dụng margin, cơ hội được tính bằng ngày, CP còn nằm “chết” trong tài khoản ngày nào NĐT phải gánh thêm lãi vay ngày đó. Thực tế, dù chưa có con số thống kê chính xác số liệu margin, nhưng dư nợ tính đến hết quý III-2017 đã lên đến hơn 36.000 tỷ đồng.
Có cơ lên cũng sẽ có rủi ro
Sau đó là 3 phiên tăng liên tục đến ngày 22-1 lại xảy ra sự cố sập sàn vào phiên đóng cửa. 5 ngày, 2 rủi ro, 1 đến từ cung-cầu, 1 đến từ hệ thống giao dịch, khi VN Index ở trên đỉnh 1.000 điểm. Nếu chỉ nhìn đơn thuần vào những thống kê dường như vùng 1.050-1.100 điểm của VN Index đang bị thử thách dữ dội và điều này cũng là bình thường, bởi VN Index đang hướng đến việc vượt mốc 1.100 điểm và cao hơn đỉnh cũ được thiết lập vào năm 2007.
Nhìn lại chặng đường tăng giá từ đầu năm 2017 đến nay, cứ mỗi giai đoạn tăng được 50 hoặc 100 điểm, VN Index đều có những đợt điều chỉnh giảm trở lại theo nhiều cách thức khác nhau. Một quy luật mà bất cứ NĐT nào cũng nắm rõ, thị trường hay CP càng tăng, cơ hội càng nhiều nhưng rủi ro cũng càng lớn. Và rủi ro cũng có nhiều loại chứ không đơn thuần chỉ có cung-cầu, margin… mà còn đó những rủi ro liên quan đến các vấn đề khác như hệ thống, công nghệ. Cũng cần nhắc lại vào năm 2010, khi đó các đội lái tung hoành trên thị trường đã khiến cho nhiều CP có biến động điên rồ, nhưng nhiều CP đã ngã rạp sau khi Tổng giám đốc Dược Viễn Đông bị bắt vì làm giá CP. Thị trường sau vụ việc này đã có một số phiên điều chỉnh đáng kể để lành mạnh hóa. Rủi ro đơn giản là không thể kiểm soát cũng như nhận diện tuyệt đối mà chỉ có thể hạn chế và chấp nhận sống chung mà thôi.
Dòng tiền đổ vào thị trường trong khoảng 10 ngày qua khi nhìn vào thanh khoản được đẩy lên mốc gần 10.000 tỷ đồng/phiên là một minh chứng cho việc đẩy giá CP tăng mạnh. Có những CP mất 2 tháng 11 và 12 chỉ để tăng được 15-20%, nhưng cũng những CP đó chỉ mất 2 tuần để tăng giá với tỷ lệ tương tự như vậy, cho thấy thị trường đang nóng như thế nào.
Các ý kiến cho rằng NĐT sẽ bị thiệt hại hoặc hưởng lợi sau khi thị trường ngưng giao dịch 2 ngày đơn thuần chỉ là phỏng đoán, và chỉ diễn ra trong từng phạm vi NĐT. Bởi đơn giản, nếu lập luận rằng CP đã mất 2 ngày tăng (mất lãi) thì CP cũng có thoát giảm 2 ngày (không bị lỗ). Và nếu cho rằng NĐT thất thu thì chính HOSE cũng sẽ bị ảnh hưởng khi không có 2 ngày giao dịch. Nếu như Hoa Kỳ hay châu Âu còn có thể sập sàn thì sự cố những ngày qua tại HOSE (dù không muốn) cũng là bình thường. Chắc chắn chẳng NĐT nào vì vài ngày sập sàn mà lại… chán TTCK hay chuyển từ trạng thái mua sang bán. Dù không giao dịch 2 ngày 23 và 24 nhưng CP về tài khoản vẫn tính đủ ngày T, cho thấy hệ thống thanh toán vẫn hoạt động bình thường. Trên bảng điện của một số CTCK ngày 23 vẫn còn “treo” lệnh ATC thì đến ngày 24 đã không còn treo, giá cuối cùng trong phiên khớp lệnh liên tục (phiên 2) ngày 22-1 đã được chọn làm giá tham chiếu cho phiên kế tiếp và cũng không còn lệnh ATC. Điều đó cho thấy nỗ lực của cơ quan quản lý và các CTCK trong việc sớm đưa giao dịch trở lại bình thường.
Thái Ca