Tự tin đón đầu cơ hội

Sớm có sự đầu tư vào các cụm công nghiệp sản xuất nguyên phụ liệu ngành da giày nên Công ty Giày Gia Định khá tự tin về khả năng tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do Việt Nam tham gia đàm phán và ký kết, đặc biệt là TPP. ĐTTC đã có cuộc trao đổi với ông NGUYỄN CHÍ TRUNG (ảnh), Tổng giám đốc Công ty Giày Gia Định, xung quanh câu chuyện đầu tư sản xuất nguyên phụ liệu.

Sớm có sự đầu tư vào các cụm công nghiệp sản xuất nguyên phụ liệu ngành da giày nên Công ty Giày Gia Định khá tự tin về khả năng tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do Việt Nam tham gia đàm phán và ký kết, đặc biệt là TPP. ĐTTC đã có cuộc trao đổi với ông NGUYỄN CHÍ TRUNG (ảnh), Tổng giám đốc Công ty Giày Gia Định, xung quanh câu chuyện đầu tư sản xuất nguyên phụ liệu.

PHÓNG VIÊN: - Da giày được đánh giá là một trong những ngành hàng hưởng lợi nhiều khi TPP được ký kết. Ông nhìn nhận cơ hội này như thế nào? 

Ông NGUYỄN CHÍ TRUNG: - TPP cũng như các hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã ký kết là cơ hội Nhà nước mang đến cho DN nhằm đẩy mạnh xuất khẩu. Những ngành hàng được hưởng lợi nhiều từ các hiệp định này là dệt may, da giày, nông-lâm-thủy-hải sản.

Riêng TPP, hiện nay Hoa Kỳ và Nhật Bản là 2 đối tác thương mại lớn của Việt Nam. Theo đánh giá của các chuyên gia và DN, khả năng tăng trưởng ngành da giày khi TPP có hiệu lực vào khoảng 30%. Tất nhiên, cơ hội luôn song hành với thách thức. Ngoài những yêu cầu rất chặt chẽ về lao động, con người, quan trọng chính là yêu cầu về nguồn nguyên phụ liệu phục vụ cho sản xuất hàng xuất khẩu để hưởng được ưu đãi. Theo đó chúng ta phải tự sản xuất được nguyên phụ liệu, hoặc phải nhập khẩu từ các nước trong hiệp định. Và đây chính là vấn đề Chính phủ cũng như các DN rất trăn trở, bởi thực tế công nghiệp phụ trợ của Việt Nam hiện nay quá yếu. Chúng ta vẫn phải nhập rất nhiều từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan… Mới đây, Chính phủ có ban hành Nghị định 111/2015/ND-CP về phát triển công nghiệp hỗ trợ, trong đó nói đến những ưu đãi cho DN khi đầu tư vào lĩnh vực này. Song, theo đánh giá của tôi, để triển khai đồng bộ từ Trung ương tới địa phương cần có thời gian và DN thực sự vẫn còn phải đối mặt nhiều khó khăn.

- Được biết Nghị định 111/2015 sẽ có hiệu lực từ ngày 1-1-2016. Vậy trước đó khi Gia Định đầu tư 2 cụm công nghiệp có được hỗ trợ gì không? Ông có thể nói rõ những khó khăn của DN khi đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ?

- Trước hết, phải khẳng định giày Gia Định có sự chuẩn bị rất chu đáo để đón đầu cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do. Chúng tôi không chỉ sản xuất giày dép mà còn sản xuất các mặt hàng thuộc công nghiệp phụ trợ phục vụ cho Gia Định cũng như các DN khác. Chúng tôi đã có 1 cụm công nghiệp phụ trợ ở Thuận An, Bình Dương và hiện đang triển khai 1 cụm mới ở Tân Uyên, Bình Dương với diện tích 30ha. Cụm thứ hai chúng tôi vừa làm, vừa kêu gọi các DN trong và ngoài nước tham gia đầu tư công nghiệp phụ trợ. Khi cụm thứ hai hoàn thiện, chúng tôi có thể cung cấp tới 90% nguyên phụ liệu cho ngành sản xuất giày của Gia Định cũng như một số DN khác, 10% còn lại nằm ở phần thuộc da và keo dán. Về thuộc gia, liên quan đến vấn đề ô nhiễm môi trường nên chưa có tỉnh, thành nào chấp nhận cho DN đầu tư, còn keo dán liên quan đến phòng cháy chữa cháy nên chưa thực hiện được. Đây cũng chính là những vấn đề khiến chúng tôi rất băn khoăn. Sắp tới đây chúng tôi sẽ có những cuộc họp của hiệp hội ngành nghề, sau đó sẽ kiến nghị Chính phủ về việc cần có quy hoạch rõ ràng khu nào, vùng nào DN có thể đầu tư công nghệ thuộc da.

Nói về đầu tư công nghiệp phụ trợ, tài chính luôn là vấn đề nan giải, đầu tư rất tốn kém, chính vì thế không phải DN nào muốn cũng làm được. Chúng tôi đầu tư 2 cụm công nghiệp đều từ nguồn vốn tự có, tự vay mượn chứ chưa nhận được sự hỗ trợ nào của Nhà nước.

- Ông có nói về việc kêu gọi các DN cùng tham gia đầu tư, sản xuất trong cụm công nghiệp thứ hai. Vậy hiện nay đã có DN nào cùng tham gia chưa, đó là DN nội hay ngoại?

- Một thực tế đáng tiếc là chưa có DN trong nước nào đến với chúng tôi, chỉ có các DN nước ngoài. Họ tìm đến chúng tôi hàng ngày để thuê đất, để liên doanh, liên kết. Thực ra, ai cũng nhìn thấy cơ hội nhưng không phải DN nào cũng đủ năng lực để nắm bắt. Các DNNVV hiện nay đang lúng túng về vốn, công nghệ kỹ thuật, máy móc thiết bị… Chính vì thế, sự hỗ trợ của cơ quan chức năng phải kịp thời, nếu không nhanh sẽ mất thị phần. Nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra các DN Việt Nam chưa tận dụng tốt những cơ hội các hiệp định thương mại tự do mang lại cũng vì lý do này. Nhân đây cũng nói về câu chuyện liên doanh, liên kết giữa các DN nội và ngoại. Hiện nay có 2 xu hướng, nếu DN Việt Nam chưa đủ năng lực thì làm những cái nhỏ, đơn giản phù hợp với mình. Còn nếu năng lực hạn chế nên chọn con đường liên doanh, liên kết với nước ngoài để học hỏi, nắm bắt và từng bước vươn lên. Khi DN đủ lớn đương nhiên sẽ làm chủ được thị phần.

- Không ít DN da giày của Việt Nam ngại những đơn hàng lớn do không đủ năng lực đáp ứng. Vậy việc chia sẻ đơn hàng, liên kết giữa các DN nội hiện nay ra sao, thưa ông?

- Đúng là hiện nay với những đơn hàng lớn, nhất là đơn hàng từ các đối tác Hoa Kỳ, nhiều DN Việt Nam không đủ năng lực sản xuất để đáp ứng do nhà máy còn nhỏ, các yếu tố như máy móc thiết bị, năng lực quản lý chưa thể đáp ứng được yêu cầu. Còn riêng về chuyện các DN liên kết, chia sẻ đơn hàng thực tế đã diễn ra, nhưng còn rất ít và không được suôn sẻ như mong muốn ban đầu. Nguyên nhân bởi để sản xuất chung một đơn hàng phải có sự đồng bộ về chất lượng, kỹ thuật… Và khi nhiều nhà máy cùng làm, sự đồng bộ không được đảm bảo và khách hàng không chấp nhận điều này.

- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác