Tức Dụp “lửa” và “hoa”

(ĐTTCO) - Từ năm 1996 đến nay, Khu di tích lịch sử cách mạng Đồi Tức Dụp gắn liền với tên gọi: Khu du lịch Đồi Tức Dụp (xã An Tức, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang). Đây là khu du lịch sinh thái dã ngoại được rất nhiều người biết đến. 
Vào những năm 1960-1975, Đồi Tức Dụp là căn cứ địa cách mạng nổi tiếng, lá chắn thành đồng lẫy lừng thời hoa lửa, nay đang thu hút hàng triệu triệu du khách tìm về. 
Mọi người đến với biểu tượng bài ca chiến thắng của quân và dân An Giang trong hôm nay và mai sau như là sự tri ân với những anh linh can trường đã yên giấc ngàn thu trong lòng đất mẹ. Và biết đâu trong số đó, đã - đang và sẽ có rất nhiều người không quản đường xa muốn tận “mắt thấy tai nghe” những câu chuyện thật thú vị về cặp rắn hổ mây đã từng lưu dấu tại nơi này; những lời kể của người dân địa phương về nhiều giai thoại “Tức-Chup - Nước đêm”, hay vết tích của những nàng tiên “giáng trần thưởng lạc” còn sót lại đâu đó dưới chân Đồi. 
Chứng tích của cuộc chiến tranh vĩ đại và tinh thần bất khuất kiên trung bám đất giữ làng cùng với những huyền thoại về Cô Tô - Phụng Hoàng Sơn vẫn có sức thu hút chưa bao giờ vơi. 
Trước năm 2000, CTCP Du lịch An Giang (khi ấy là doanh nghiệp nhà nước) đã tiếp nhận Khu di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia Đồi Tức Dụp để khai thác dịch vụ. Dù được ngân sách tỉnh đầu tư tu bổ một số hạng mục di tích, kể cả xây mới khu vui chơi giải trí nhưng nhiều năm kinh doanh không thành công. 
Theo thời gian, Tức Dụp vẫn không thể phát huy hết giá trị lịch sử mà ngày càng xuống cấp, vì làm du lịch không thể đơn thuần chỉ “ăn mòn vào di sản có sẵn” mà còn rất cần sự liên tục đổi mới.  
Cuộc cách mạng du lịch mang tên xã hội hóa
Năm 2015, Nghị quyết tỉnh Đảng bộ An Giang lần thứ X đã chỉ rõ “cần đẩy mạnh công tác xã hội hóa ngành du lịch để lĩnh vực này trở thành kinh tế mũi nhọn của An Giang, đặc biệt không để lãng phí tài nguyên vô giá của tỉnh nhà”. Chủ trương này là bước đột phá hoàn toàn đúng đắn của Đảng bộ và chính quyền địa phương, nhằm khai thác và phát huy nội lực của các nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh. 
Đầu năm 2017, Tập đoàn kinh tế Sao Mai đã bén duyên với du lịch theo chủ trương xã hội hóa và nhanh chóng trở thành công ty mẹ của CTCP Du lịch An Giang. Trong thời điểm ấy, nhiều đơn vị khác đang loay hoay với bài toán sinh tồn thì Sao Mai đã mạnh dạn tái cấu trúc bộ máy quản lý và đầu tư hạ tầng dịch vụ. 
Với cách làm bài bản và chuyên nghiệp, tập đoàn đã vực dậy CTCP Du lịch An Giang từ kết quả kinh doanh lỗ lã kéo dài hàng chục năm, thì hơn 1 năm qua công ty này đã có lãi hàng chục tỷ đồng. Và đương nhiên, bước đầu Sao Mai đã đáp ứng được niềm kỳ vọng về một sứ mệnh và trách nhiệm phải làm thay đổi cục diện của lĩnh vực du lịch địa phương. 
Vào tháng 1-2019, thông qua CTCP Du lịch An Giang, Tập đoàn Sao Mai đã thực hiện Lễ khởi công tôn tạo các hạng mục của Khu di tích lịch sử Đồi Tức Dụp nằm trong Khu du lịch sinh thái dã ngoại Đồi Tức Dụp. 
Theo kế hoạch của nhà đầu tư, đối với các hạng mục mang tính chất di tích lịch sử sẽ được tôn tạo bảo tồn giá trị thiêng liêng vốn có. Đối với khu vực dịch vụ du lịch, bên cạnh nâng cấp các hạng mục hiện có sẽ được đầu tư thêm nhiều cơ sở vật chất mới, để nâng tầm đẳng cấp và đa dạng hóa loại hình dịch vụ, phục vụ nhu cầu ngày càng cao của du khách. 
Được biết, Sao Mai đang lập quy hoạch chi tiết để lấy ý kiến đóng góp của các ngành và thông qua Thường trực Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh An Giang để đưa ra phương án xây dựng phù hợp nhất. Trước mắt, Đền thờ các anh hùng liệt sĩ được nhà đầu tư khẩn trương xây dựng (đạt gần 90% khối lượng) sẽ khánh thành trước Tết Nguyên đán 2020. Đây là công trình “tâm linh” và “tâm ý” hết sức nhân văn, thể hiện lòng biết ơn của bao thế hệ người dân An Giang đối với các bậc cha chú đã hy sinh trọn vẹn đời mình cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. 
“Hiện nay, chúng tôi đang tiếp tục đầu tư cho khuôn viên chân Đồi trở thành Công viên Màu hoa đỏ, dựa trên giá trị bất tử của lịch sử hào hùng ở cứ điểm này”, đại diện nhà đầu tư chia sẻ. 
Tức Dụp “lửa” và “hoa” ảnh 1 Đền thờ tại Khu di tích lịch sử Cách mạng Tức Dụp đang được Sao Mai Group đầu tư xây mới
Sự tham gia của Tập đoàn Sao Mai đã mang đến nhiều kỳ vọng cho những đổi thay lớn lao nơi đây trong thời gian tới, trả lại những giá trị xứng tầm cho khu di tích. Và sự kỳ vọng đó hoàn toàn có cơ sở khi mà tính nghiêm túc “nói là làm” của nhà đầu tư Sao Mai đã được chứng minh qua hiệu ứng “phủ sóng” của khu du lịch sinh thái rừng Tràm Trà Sư thời gian gần đây.
Từ khu rừng đặc dụng do kiểm lâm quản lý về tài nguyên lâm sản, đầu năm 2018, tỉnh An Giang đã cho CTCP Du lịch An Giang thuê 159ha cảnh quan rừng để khai thác du lịch. Sao Mai đã đầu tư “vun bồi” một sức sống mới cho một Trà Sư hết sức đắt giá. Và hôm nay chỉ với những đổi thay bước đầu, khu rừng đã trở thành “biểu tượng” của ngành du lịch tỉnh nhà, bởi độ nổi tiếng trên diễn đàn mạng xã hội và báo chí, thu hút hàng triệu du khách đến thưởng lãm.
Sứ mệnh lan tỏa những giá trị của lịch sử
 Trở lại với câu chuyện làm du lịch ở Đồi Tức Dụp. Có thể nói rằng cho đến nay, hàng triệu triệu du khách đã đến tham quan ngọn đồi thiêng này. Họ đến để trải nghiệm, mắt thấy tai nghe những câu chuyện huyền thoại còn lưu dấu…
Ngoài ra được tận hưởng không khí trong lành mát mẻ hữu tình và trải nghiệm những giây phút thú vị, với nhiều trò chơi của khu du lịch sinh thái mang lại. Họ đều hiểu rằng, nhà đầu tư đã phải chi nhiều khoản kinh phí không hề nhỏ để tôn tạo, nâng cấp, kể cả xây dựng mới nhiều hạng mục phục vụ cho nhu cầu giải trí, tham quan của mọi người, với mục đích cao nhất là làm lan tỏa những giá trị lịch sử của vùng đất oai hùng Tức Dụp đến với thế hệ mai sau.
Và lẽ dĩ nhiên khi đã đầu tư thì cần phải có thu hồi tái đầu tư, vận hành hiệu quả để di tích còn sống mãi với thời gian, doanh nghiệp tiếp tục với sứ mệnh mà xã hội đã giao phó. Nhìn rộng hơn, trách nhiệm đó cũng không chỉ riêng mình doanh nghiệp mà cộng đồng xã hội cần có sự chung tay góp sức.
Do đó, việc tăng giá vé vào tham quan khu du lịch là điều rất bình thường và hợp lý, đối với doanh nghiệp là để bù đắp chi phí đã bỏ ra, còn với khách tham quan, đó là cách thể hiện trách nhiệm với di tích.
Có thể nói Tức Dụp là hiện thân của cuộc cách mạng đấu tranh giải phóng dân tộc và đang nhận được sự đầu tư rất nghiêm túc của doanh nghiệp, vì lý tưởng cao đẹp cho sự phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của toàn vùng. Viết tiếp trang sử vàng trên đỉnh vinh quang là niềm khát vọng to lớn của không chỉ riêng nhà đầu tư, mà còn chuyển tải niềm kỳ vọng to lớn của người An Giang đối với di tích lịch sử.
Vì vậy, cần có cái nhìn nhận khách quan và đánh giá chính xác, nếu không lại vô tình xúc phạm “Bảo tàng máu và hoa” của bao thế hệ cha ông. 
Tức Dụp “lửa” và “hoa” ảnh 2 Tức Dụp luôn thu hút du khách vào các dịp Lễ, Tết
Ngọn đồi Tức Dụp đang được đầu tư và tôn tạo để trở thành khu du lịch đặc biệt là việc làm xứng đáng được vinh danh và ủng hộ. Do đó, việc cần làm là quảng bá thật nhiều để ngày càng nhiều người biết đến, lan tỏa xa hơn nhưng giá trị lịch sử giáo dục thế hệ con cháu mai sau. Đó không những là trách nhiệm mà còn là niềm vinh dự của mỗi người con An Giang.

Các tin khác