DƯƠNG CHÍNH, Tổng GĐ Công ty Sự Kiện Việt:
Đất nước phát triển ngày một to lớn
Chúng tôi là thế hệ sinh ra sau năm 1975, nghĩ mình rất may mắn. May mắn vì đất nước đã hòa bình, may mắn vì được học hành đến nơi đến chốn, may mắn vì đất nước mở cửa hội nhập với thế giới nên bản thân có được những cơ hội để phát triển cùng với đất nước…
Hình ảnh đất nước Việt Nam sau 46 năm thống nhất đang chuyển mình phát triển từng ngày, đời sống người dân không ngừng được cải thiện, nâng cao, uy tín và vị thế trên trường quốc tế được nâng lên. Tôi nghĩ rằng, mỗi cá nhân nỗ lực cố gắng rèn luyện học tập và làm việc thật tốt chính là góp phần xây dựng đất nước.
Ngoài ra, giáo dục tình cảm cách mạng, tinh thần yêu nước cho các thế hệ, đặc biệt là thế hệ trẻ là việc làm cần thiết tạo điều kiện để các giá trị nhân văn trong thời đại mới phát huy, liên tục thẩm thấu vào lý tưởng cao đẹp của thế hệ hôm nay, xác lập niềm tin vững chắc vào công cuộc đổi mới phát triển của đất nước.
Điều đó đang được diễn ra, bằng nhiều hình thức, cách thức, không chỉ trong những sự kiện quan trọng của đất nước, mà đã trở thành việc làm thường xuyên, liên tục, thiết thực trong cuộc sống hàng ngày.
Là doanh nghiệp chuyên tổ chức sự kiện, nhất là các sự kiện của các doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh, tôi cảm nhận sự phát triển từng ngày của đất nước, tin tưởng vào công cuộc đổi mới của đất nước. Rất nhiều dự án, khu đô thị hiện đại, văn minh được các doanh nghiệp khởi công, khánh thành đưa vào sử dụng, góp phần xây dựng bộ mặt văn minh, hiện đại cho TPHCM.
Qua đó tôi cũng cảm nhận cuộc sống của người dân ngày một nâng lên khi họ có những ngôi nhà đầy đủ tiện ích, nhất là lớp trẻ sinh ra, trưởng thành sau năm 1975.
TRẦN NGUYỄN LÊ VĂN, Giám đốc Vexere.com:
Phải biết nắm bắt cơ hội
Là người trẻ thuộc thế hệ 8X, chúng tôi biết đến ngày 30-4-1975 qua lời kể của ông bà, cha mẹ và qua những bài học lịch sử trên bục giảng. Những năm sau ngày đất nước hòa bình, vẫn dựa theo lời kể của những thế hệ đi trước, dựa theo những kiến thức tìm tòi và học hỏi, chúng tôi hiểu rằng đất nước vẫn còn không ít khó khăn.
Thế nhưng khó khăn cũng từng bước qua đi, Việt Nam đang mở rộng cánh cửa hội nhập, kinh tế phát triển, cuộc sống người dân ngày một tốt hơn. Đặc biệt những người trẻ như tôi được tiếp cận với tri thức nhiều hơn, được học hỏi những điều hay của thế giới và trở về đóng góp cho quê hương.
Thời điểm tôi khởi nghiệp với mô hình bán vé xe khách trực tuyến cách đây vài năm, nhiều người còn cho rằng tôi làm quá sớm. Thế nhưng khi bắt tay vào thực hiện ý tưởng của mình, tôi và những người đồng hành hiểu rằng không sớm. Việt Nam đang từng bước số hóa và con đường đi của chúng tôi là chính xác.
Đặc biệt khi dịch Covid -19 ập đến, tốc độ số hóa của Việt Nam càng nhanh hơn. Mọi tiện ích giờ đều xoay quanh các cá nhân. Cuộc sống của mỗi người được nâng lên một tầm cao hơn. Covid -19 mang đến nhiều khó khăn, nhưng cũng mang đến cơ hội chuyển mình cho những doanh nghiệp biết nắm bắt.
Đất nước mở cửa còn mang đến cơ hội lớn cho những người trẻ khởi nghiệp như chúng tôi. Đó là cơ hội tiếp cận dễ dàng hơn với những nguồn vốn quốc tế để phát triển. Nếu so sánh với những nước trong khu vực Đông Nam Á, giới khởi nghiệp của Việt Nam có rất nhiều lợi thế.
Với tốc độ phát triển và mở cửa như hiện nay, tôi tin tưởng rằng Việt Nam sẽ còn tiến xa hơn, cơ hội sẽ đến nhiều hơn nữa cho những người làm kinh doanh nói riêng và cho mọi người nói chung.
Th.S LƯU MINH SANG, Giảng viên Trường Đại học Kinh tế - Luật:
Trưởng thành cùng sự chuyển mình đất nước
Từ lúc còn nhỏ, tôi đã yêu thích lịch sử Việt Nam và luôn hiếu kỳ về những sự kiện đã xảy ra trong quá khứ. Vì thế, ông bà thường kể cho tôi nghe về lịch sử, nhất là sự kiện ngày 30-4-1975, một cột mốc lịch sử trọng đại của đất nước và cũng như của chính ông bà tôi. Rồi khi được đến trường, tôi có cơ hội tìm hiểu nhiều thông tin hơn từ những trang chính sử, các quyển hồi ký của người trong cuộc cũng như góc nhìn đa chiều từ nhiều nguồn sử liệu.
Sau tất cả, tôi cho rằng mỗi cột mốc lịch sử lớn đều có ý nghĩa quan trọng đối với sự thay đổi của đất nước và sự kiện ngày 30-4-1975 cũng như vậy. Tôi biết ơn những bậc tiền nhân đã hy sinh máu xương để mang lại cuộc sống hòa bình trên đất nước này.
Là thế hệ sinh ra trong những năm đầu của thời kỳ đổi mới, tôi có cơ hội cảm nhận được sự cơ cực, khó khăn, lạc hậu của điều kiện vật chất những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước. Khi ấy, ở quê tôi mọi thứ đều khó khăn, không điện, không đường, không trường, không trạm.
Thật may mắn khi hành trình trưởng thành của tôi lại gắn liền với quá trình chuyển mình của nền kinh tế đất nước. Các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế và các lĩnh vực xã hội khác được củng cố và tăng cường, kinh tế đã có những biến đổi quan trọng, đạt được nhiều thành tựu.
Thành quả phát triển của đất nước đã mang lại cho tôi và những đứa học trò vùng quê như tôi được mở rộng cơ hội học tập, tiến thân, thay đổi cuộc sống. Những dấu ấn phát triển trên các mặt trận kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội 46 năm qua đã làm thay đổi căn bản diện mạo đất nước.
Theo đó, đời sống vật chất của xã hội giờ đây trở nên đủ đầy và tiện nghi hơn. Tuy nhiên, những thành quả đã đạt được dường như vẫn chưa đủ để khiến toàn dân được hưởng cuộc sống an toàn và hạnh phúc, bên cạnh đó những mối lo về ô nhiễm môi trường, suy thoái văn hóa… cũng còn là vấn đề trăn trở.
Nhìn về phía trước, tôi bày tỏ sự kỳ vọng về một Việt Nam thịnh vượng và gắn với sự an toàn, hạnh phúc trong đời sống vật chất và tinh thần của mỗi người dân.
Tôi mong hành trình phát triển tiếp theo của Việt Nam hướng đến mục tiêu phát triển bền vững và công bằng xã hội, khơi dậy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực mới cho sự phát triển, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
HUỲNH PHAN BỬU HOÀNG, nhà đầu tư chứng khoán:
Luôn cố gắng sống cuộc sống có ích
Tôi sinh ra trong những ngày đầu TP Sài Gòn vừa được giải phóng. Dù không còn phải đối mặt với những hiểm nguy của thời chiến, nhưng phải đương đầu với những khó khăn thời hậu chiến. Nơi tôi ở (quận 2 cũ) là những cánh đồng ruộng bát ngát, cư dân thưa thớt chủ yếu sống bằng nghề nông, đời sống bấp bênh do không có công việc ổn định. Nhiều bạn cùng trang lứa phải bỏ học nửa chừng, hàng ngày đón phà vào trung tâm để tìm việc làm phụ giúp gia đình.
Chỉ cách một chuyến phà nhưng bên này Thủ Thiêm chỉ là những căn nhà tạm trên sông sụp sệ, ẩn mình sau hàng dừa nước tối tăm và ẩm ướt. Trong khi phía đối diện là đô thị với người xe sôi động cả ngày lẫn đêm.
Những đứa may mắn như tôi, không phải bỏ học, chiều chiều lại tụ tập bên này sông nhìn sang những ngôi nhà cao tầng được điểm tô bằng những ánh đèn nhiều màu sắc, lấp lánh đầy mê hoặc.
Hồi đó, ước mơ lớn nhất của những đứa trẻ như chúng tôi là được một lần bước chân vào những tòa nhà cao trọc trời phía bên kia bờ sông. Và nếu có nằm mơ chúng tôi cũng không tưởng tượng rằng sẽ có một ngày chúng tôi được sống trong một đô thị được xây dựng ngay trên vùng quê nghèo này.
Trong khoảng 10 năm trở lại đây, vùng đất từng được gọi là huyện nghèo của TPHCM thay da đổi thịt chóng mặt. Đường sá được mở rộng; trường học, bệnh viện được đầu tư khang trang, hiện đại. Hạ tầng ngày càng hoàn thiện đã giúp cho vùng đất nơi tôi sinh ra và lớn lên nhanh chóng trở thành đô thị hàng đầu cả nước với tên gọi mới TP Thủ Đức.
Hôm nay đi trên những con đưởng rộng thênh thang của khu đô thị mới Thủ Thiêm, được ngắm nhìn hệ thống metro thẳng tăm tắp trên Xa lộ Hà Nội, hay đường hầm vượt sông Sài Gòn hiện đại nhất Đông Nam Á… tạo cho tôi cảm xúc lâng lâng khó tả.
Bên cạnh niềm tự hào được sống trên một TP mới hiện đại, bản thân chúng tôi, những người sinh ra sau ngày 30-4-1975, luôn cố gắng sống có ích hơn nhằm góp phần xây dựng TP Thủ Đức mang đầy đủ phẩm chất của TPHCM văn minh, nghĩa tình.
VĂN QUỲNH NHUNG, sinh viên tại Florida, Mỹ:
Tự hào khi kể về Việt Nam với bạn bè quốc tế
Là người trẻ thế hệ 9x, sinh ra và lớn lên trong thời bình, không phải trải qua bất kỳ những khó khăn, gian khổ của tháng năm bom rơi, đạn lạc, tôi thực sự luôn nhắc nhở bản thân mình 2 chữ “biết ơn”. Tôi biết ơn khi được sống trong thời kỳ kinh tế đất nước phục hồi và liên tục có những bước tiến. Thế hệ chúng tôi không chỉ được ăn no, mặc ấm còn là ăn ngon, mặc đẹp.
Đó là những chính sách khuyến khích khởi nghiệp, cuộc chuyển đổi công nghệ số trong mọi lĩnh vực, đã mang đến những nền tảng hỗ trợ chúng tôi phát huy những tiềm năng và đến gần hơn với thế giới.
Hiện tôi đang sinh sống và học tập tại bang Florida, Hoa Kỳ, tôi mới càng có thêm những nhìn nhận khách quan về những gì Việt Nam đã và đang đạt được. Tôi rất tự hào khi kể về Việt Nam, giới thiệu những danh lam thắng cảnh, công trình kiến trúc cho bạn bè quốc tế. Rất nhiều bạn trẻ ngạc nhiên khi nhìn thấy Phú Quốc, Hạ Long hay công trình Cầu Vàng Đà Nẵng...
Họ không thể tin được đó là Việt Nam - một dân tộc trong suy nghĩ của họ gắn liền với những cuộc chiến.
Khi sinh sống tại Việt Nam, tôi rất yêu quê hương mình và khi định cư tại nước ngoài, tình yêu đó trong tôi đã trở thành sự tự tôn dân tộc. Tôi luôn ý thức rằng có thể ở Việt Nam, tôi được biết đến với tên gọi Quỳnh Nhung, nhưng trong mắt người nước ngoài tôi được biết đến danh xưng “người Việt”.
Tôi luôn ý thức được điều này, để dù mình chỉ là chiếc lá giữa nước Mỹ bao la nhưng sẽ luôn là một hình ảnh người Việt Nam tử tế trong mắt bạn bè quốc tế. Tôi tin rằng những nỗ lực của mỗi cá nhân các bạn trẻ, những ý thức xây dựng quê hương chính là lời cảm ơn rõ ràng nhất thế hệ chúng tôi có thể hồi đáp với cha ông.
ABHA RANI SINGH, giảng viên đại học tại TPHCM:
Người Việt Nam linh hoạt và kiên nhẫn
Nói về ký ức cuộc chiến tranh ở Việt Nam, tôi không bao giờ quên hình ảnh một bé gái trần truồng vừa chạy vừa kêu cứu từ một ngôi làng vừa bị phi cơ Mỹ ném bom napalm. Hình ảnh này đã được đăng tải trên toàn thế giới và gây tiếng vang lớn và có sức lay động lương tri những người yêu hòa bình trên toàn thế giới.
Trong chuyến đầu tiên của tôi đến Việt Nam khoảng 12 năm trở lại đây, tôi đã đến thăm tất cả điểm tham quan nổi tiếng trong và xung quanh TPHCM. Khi tôi đến địa đạo Củ Chi, không có gì tôi đã đọc trước đó có thể giúp tôi bớt kinh ngạc khi nhìn thấy những phương tiện phức tạp và tài tình được người Việt Nam sáng tạo ra để sinh tồn trong chiến tranh.
Khi bước vào một địa đạo rộng lớn ở Củ Chi và thở hổn hển, tôi đã tự hỏi mình nhiều lần: “Người Mỹ đang nghĩ gì, tại sao họ lại vượt đại dương để tiến hành một cuộc chiến không hồi kết chống lại những con người bình dị như vậy, những người thậm chí không muốn hại một con ruồi!”.
Trong một bài báo có tựa đề “Sài Gòn”, đăng trên tạp chí Conde Nast Traveller vào tháng 10-1995, Robert Olen Butler, người từng phục vụ tại Việt Nam cho quân đội Mỹ, đã viết rất chính xác: “Nếu bạn muốn hiểu người Việt Nam, không có cách gì tốt hơn là học cách băng qua đường của họ”. Tính linh hoạt và kiên nhẫn của người Việt Nam hoàn toàn thể hiện trong quá trình này…
Nếu năm 1962, John F. Kennedy cử Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân đến Sài Gòn và yêu cầu ông học cách qua đường và đưa ra khuyến nghị, vị Đại tướng hẳn đã báo cáo 2 kết luận: “Đầu tiên, chúng ta không bao giờ có thể thắng cuộc chiến đó. Thứ hai, chúng ta không cần phải chiến thắng trong cuộc chiến đó, vì khi những thất bại của hệ thống đã rõ ràng với người Việt Nam, họ sẽ chỉ xoay quanh họ”.
Người Việt Nam đã chiến đấu bằng xe đạp chống lại sức mạnh của thực dân Pháp, và họ không chịu thua một đội quân tiên tiến của Mỹ, họ đã chiến đấu kiên cường với kinh phí không nhiều và một tinh thần đồng đội có một không hai.
Kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát vào đầu năm 2020, người dân Việt Nam đã cùng nhau kiên quyết đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia an toàn nhất trên thế giới. Việt Nam đã phát triển về đặc điểm và cấu trúc kể từ khi thống nhất đất nước, và vẫn đang tiếp tục phát triển với tốc độ cực kỳ nhanh chóng, với những nét văn hóa tinh túy đẹp đẽ của đất nước vẫn không thay đổi.