“Thay da đổi thịt” từng ngày
Bộ mặt của TP Thủ Đức đang thay đổi rõ nét thông qua “dòng chảy” cư dân ngày một đông đúc hơn. Nếu như 6 năm trước, các phường như Long Trường, Trường Thạnh, Phú Hữu, Long Thạnh Mỹ, Long Bình (Quận 9 cũ) vẫn còn là những vùng đất khá hoang vắng, nhà cửa thưa thớt thì hiện nay những dải dân cư dần hình thành đô thị nhộn nhịp từng ngày.
Đóng góp một phần vào sự lột xác của TP Thủ Đức phải kể đến tác động tích cực của những mô hình đô thị vệ tinh. Trong đó, hai trọng điểm là KĐT Thủ Thiêm ở cực nam với vai trò là trung tâm kinh tế tài chính mới của TPHCM và Vinhomes Grand Park ở cực bắc – với vai trò là đại đô thị kiểu mẫu – nơi đáp ứng sự dịch chuyển của dân cư cao cấp, đội ngũ chuyên gia, kỹ sư đa quốc gia đến làm việc và sinh sống tại thành phố thông minh.
Sự xuất hiện những động lực mới, khu đô thị mới, hiện đại ít nhiều tác động tích cực vào sự tăng trưởng của BĐS xung quanh. Khảo sát cho thấy, giá căn hộ tại TP Thủ Đức xuôi chiều tăng nhanh, mức giá trước đây chỉ dao động 20-35 triệu/m2, hiện nay mức giá đã vọt lên 60-90 triệu/m2, có nơi ở mức 100-300 triệu/m2.
Ngoài các yếu tố khách quan, dấu ấn nội lực của TP Thủ Đức ngày càng hiện rõ là “vùng lõi” trung tâm tài chính, kinh tế kỹ thuật cao trọng điểm quốc gia, việc này đồng thời sẽ kéo nhiều cộng đồng dân cư mới xuất hiện; trong khi quỹ đất đang dần cạn kiệt sẽ là những yếu tố gây áp lực khiến giá căn hộ tại TP Thủ Đức sẽ vươn lên mặt bằng mới trong tương lai gần.
Bên cạnh sự lột xác ngoạn mục của thị trường BĐS thì sự “thay da đổi thịt” của nền hạ tầng cũng ghi nhiều dấu ấn đậm nét. Hàng loạt dự án hạ tầng, tiện ích công được ưu ái cho TP Thủ Đức trong khoảng 3 năm gần đây, tạo bệ phóng cho thành phố trọng điểm, cửa ngõ TPHCM. Mục tiêu đến năm 2025 thành phố có 25% dân số sử dụng phương tiện công cộng; tăng 60% số km đường phục vụ giao thông công cộng; hình thành dự án và nguồn vốn cụ thể bổ sung tuyến BRT.
Ngoài ra, đầu tư hệ thống 5G, hoàn thành khép kín Vành đai 2 và triển khai xây dựng Quốc lộ 13, đường Vành đai 3, dự án tuyến metro số 1, triển khai xây dựng cầu Cát Lái, cầu Nhơn Trạch... cũng sẽ là nền tảng để TP Thủ Đức cất cánh, xứng tầm trung tâm kinh tế mới của quốc gia.
TP Thủ Đức được định hướng phát triển trở thành một đô thị thông minh
Tăng tốc hướng tới mục tiêu thành phố thông minh
Trong đề án thành lập, TP Thủ Đức được định hướng phát triển trở thành một đô thị thông minh, sáng tạo dựa trên nền tảng ứng dụng công nghệ để thúc đẩy phát triển về mọi mặt kinh tế xã hội.
Hiện đây cũng là đơn vị hành chính duy nhất được định hướng là mũi nhọn thúc đẩy ngành kinh tế tri thức, trung tâm đổi mới sáng tạo, góp phần vào sự phát triển của TPHCM và vùng Đông Nam Bộ.
Với tầm vóc và định hướng rõ ràng, tương lai TP Thủ Đức sẽ là trung tâm lao động chất lượng cao, thị trường sẽ tập hợp lượng lớn nguồn nhân lực là chuyên gia cao cấp, người nước ngoài… Với vai trò là thành phố thông minh, tiếp tục sẽ là “cục nam châm” hút các nhà khoa học, kỹ sư, cư dân công nghệ, tầng lớp tri thức đến sinh sống và làm việc.
Trong phát triển đô thị, hạ tầng luôn phải đi trước một bước, vì vậy với áp lực tăng trưởng dân số đột biến và đặc thù dịch vụ vệ tinh liên quan tới công nghệ, kỹ thuật cao, Thủ Đức sẽ trở thành nơi tập trung cao ốc, văn phòng. Dự kiến năm 2030 dân số toàn TP Thủ Đức đạt khoảng 1,5 triệu người; năm 2040 đạt khoảng 2,2 triệu người, hướng đến 3 triệu người sau năm 2040. Vì thế, đất đai đành cho xây dựng đô thị đến năm 2030 vào khoảng gần 19.000ha; đến năm 2040 dự kiến đất xây dựng đô thị khoảng 20.000ha.
Nếu phát triển đúng hướng, sau 5-10 năm nữa, năng suất lao động của TP Thủ Đức sẽ gấp 3 lần năng suất lao động của TPHCM, với dân số và lực lượng lao động chiếm 10% của thành phố, trở thành nền kinh tế thứ 3 cả nước, chỉ sau TPHCM và Hà Nội. Đồng thời cũng sẽ có hàng triệu căn hộ, hàng chục triệu mét vuông văn phòng phục vụ nhu cầu xã hội hoá.
Rõ ràng “mũi nhọn” thành phố thông minh sẽ mang đến diện mạo đô thị kiểu mới văn minh, chất lượng cao hoàn toàn mới tại Việt Nam cho TP Thủ Đức.