Khi còn là Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư, ông Bùi Quang Vinh chủ trì soạn thảo Luật Doanh nghiệp và Đầu tư năm 2014, đã thuyết phục được Quốc hội một điểm rất quan trọng: các ĐKKD chỉ được ban hành từ cấp nghị định trở lên, có nghĩa chỉ Thủ tướng mới được quyền ban hành điều kiện kinh doanh.
Quy định này nhằm chấm dứt tình trạng ĐKKD mọc như nấm sau mưa, lên tới gần 7.000 trong thời gian này. Đáng tiếc, tinh thần này lại không được truyền vào Luật Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, nên ảnh hưởng và tác động của nó lên quá trình ban hành chính sách đã bị hạn chế.
Trong Chỉ thị 20/CT-TTg ban hành giữa tháng 7 vừa rồi, Thủ tướng nghiêm cấm các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tự đặt thêm ĐKKD, danh mục hàng hóa, thủ tục kiểm tra chuyên ngành trái quy định của pháp luật.
Chỉ thị yêu cầu cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 50% ĐKKD; phương án cắt giảm, đơn giản hóa ĐKKD phải thực chất, không gộp nhiều điều kiện thành 1 điều kiện theo kiểu cơ học hoặc chỉ thay đổi tên gọi trước ngày 15-8. Tuy nhiên, trong nhiều lĩnh vực quản lý nhà nước lại xuất hiện các văn bản đi ngược với tinh thần như vậy. Và dự thảo nghị định về kinh doanh bằng xe ô tô là thí dụ điển hình.
Theo Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), dự thảo có 22 lần quy định giao thẩm quyền, tức ban cho Bộ Giao thông-Vận tải (GTVT) được quy định thêm. Chẳng hạn “… theo quy định của Bộ trưởng Bộ GTVT” (16 lần), hoặc “Bộ trưởng Bộ GTVT quy định…” (6 lần). Vậy Bộ trưởng GTVT sẽ quy định điều gì trong những văn bản thuộc thẩm quyền?
Vì sao những quy định đó nếu có không đưa vào trong dự thảo, mà lại quy định úp mở như vậy. Điều đó làm cho dự thảo nghị định kém minh bạch, hay thay đổi, không tiên liệu được và tùy tiện. Quy định như vậy vừa trái với Luật Kinh doanh, vừa vô tình hoặc cố ý tạo dư địa để tùy ý can thiệp vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hoặc đưa ra các công cụ quản lý theo hướng tạo thuận lợi cho cơ quan, công chức nhà nước; tạo rào cản hay đẩy khó khăn, rủi ro cho doanh nghiệp.
Hoặc quy định đơn vị kinh doanh vận tải hành khách, theo hợp đồng trước khi thực hiện vận chuyển hành khách phải cung cấp đầy đủ các nội dung tối thiểu của hợp đồng vận tải đến Sở GTVT, nơi cấp giấy phép kinh doanh vận tải bằng văn bản. Mỗi ngày, chỉ riêng TPHCM có hàng ngàn chuyến xe hợp đồng, từ chở khách liên tỉnh, đưa học sinh đi tham quan, đám cưới, đám ma... Theo quy định này, lái xe phải cử người mang bản hợp đồng đó lên Sở GTVT, và sở này phải cắt cử bao nhân viên để nhận hàng ngàn bản hợp đồng đó?
Điều đáng nói, trong bản dự thảo này, CIEM phát hiện có tới 85 ĐKKD được bổ sung, trong khi chỉ có 12 ĐKKD bị cắt bỏ. Trong số đó, có những ĐKKD rất buồn cười. Thí dụ: “Trong thời gian 1 tháng, mỗi xe không được thực hiện quá 30% tổng số chuyến của xe đó có điểm khởi hành và điểm kết thúc trùng nhau”. Rõ ràng các quy định này là những điều kiện thể hiện sự cấm đoán, gây khó khăn và hạn chế quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp.
Trong báo cáo của CIEM gửi Văn phòng Chính phủ, cơ quan này cho rằng nội dung của dự thảo thể hiện cách tiếp cận chi phối là người dân, doanh nghiệp chỉ được kinh doanh những gì do pháp luật quy định và theo quy định của pháp luật. Cách tiếp cận này trái với Hiến pháp, trái với Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp là người dân, doanh nghiệp được quyền kinh doanh tất cả những gì luật không cấm.
Cách tiếp cận của Bộ GTVT thể hiện rất rõ là “siết chặt kinh doanh vận tải”, không phải là bãi bỏ ít nhất 1/2 số ĐKKD hiện hành, mở rộng tự do kinh doanh, đảm bảo tính an toàn của hoạt động kinh doanh, tháo bỏ rào cản, giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp như chỉ đạo nhất quán, liên tục của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong gần 3 năm qua.
Xây dựng chính sách phải trên nền tảng Chính phủ đã tuyên bố là kiến tạo và cương quyết cắt giảm ĐKKD. Các quy định của dự thảo nghị định trên lẽ ra phải thúc đẩy phát triển, đảm bảo quyền tự do kinh doanh hơn cho người dân và doanh nghiệp, không phải đẻ ra nhiều thủ tục để bắt bẻ họ.
Cắt giảm ĐKKD, tạo môi trường kinh doanh đầu tư thông thoáng để huy động nguồn lực cho phát triển đang là quyết tâm rất lớn của Chính phủ. Những văn bản trái với tinh thần đó cần gỡ bỏ mới tạo niềm tin người dân và doanh nghiệp.