Tỷ giá niêm yết sát trần

Ngay sau khi NHNN quyết định  điều chỉnh biên độ tỷ giá giữa VNĐ và USD tăng lên ±2% sau 5 năm liên tục giữ ở biên độ ±1%, tỷ giá niêm yết tại các NH đồng loạt tăng vượt mức 22.000 VNĐ/USD, sát mức trần cho phép.

Ngay sau khi NHNN quyết định  điều chỉnh biên độ tỷ giá giữa VNĐ và USD tăng lên ±2% sau 5 năm liên tục giữ ở biên độ ±1%, tỷ giá niêm yết tại các NH đồng loạt tăng vượt mức 22.000 VNĐ/USD, sát mức trần cho phép.

 

Theo Quyết định 1595/QĐ-NHNN của NHNN, với tỷ giá bình quân liên NH ở mức 21.673 VNĐ/USD, biên độ tỷ giá mới sẽ cho phép tỷ giá biến động trong phạm vi trần 22.106 VNĐ/USD và tỷ giá sàn 21.240 VNĐ/USD. NHNN cho biết tiếp tục thực hiện các giải pháp điều hành để ổn định tỷ giá theo định hướng đề ra từ đầu năm, và việc nới biên độ tỷ giá là để tạo sự chủ động, linh hoạt cho tỷ giá trước các tác động bất lợi trên thị trường quốc tế, đảm bảo khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.

Ngay sau thông báo điều chỉnh, quan sát cho thấy tại Vietcombank, giá bán USD niêm yết ở mức 22.090 VNĐ/USD, tăng 205 đồng so với phiên đóng cửa gần nhất và giá mua 21.990 VNĐ/USD, tăng 245 đồng. Trước khi có sự điều chỉnh chính thức này, Vietcombank cũng đã tăng 10 đồng mua vào và 20 đồng bán vào phiên giao dịch ngày 7-8, trở thành NH có mức tỷ giá neo cao nhất trước khi điều chỉnh ổn định trở lại. Tại BIDV niêm yết giá bán USD 22.090 VNĐ/USD, trong khi giá mua vào 22.010 VNĐ/USD.

Trong khi đó, giá mua bán USD tại VietinBank lại cao hơn nhiều, lần lượt 22.045 VNĐ/USD và 22.100 VNĐ/USD. Giá niêm yết USD tại các NHTM cũng đã thay đổi. Cụ thể, Eximbank niêm yết giá mua bán 21.980-22.080 VNĐ/USD, giá mua bán tại ACB 22.000-22.100 VNĐ/USD, OCB niêm yết giá mua bán ở mức 21.980-22.100 VNĐ/USD.

TS. Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, nhận định: “Tôi đã từng đưa ra đề xuất tương tự. Sự điều chỉnh của NHNN là thể hiện sự linh hoạt trong điều hành tỷ giá, giúp thị trường linh hoạt hơn. Việc điều chỉnh biên độ này là động thái tích cực và không liên quan gì đến việc điều chỉnh tỷ giá.

Trước đây vào năm 2011, biên độ tỷ giá được điều chỉnh từ ±3% xuống ±1% và việc tăng lên ±2% như hiện tại là hoàn toàn bình thường”. Còn theo ông Alan Phạm, chuyên gia kinh tế trưởng Quỹ VinaCapital, cũng cho rằng việc điều chỉnh biên độ tỷ giá là hành động rất đúng thời điểm của NHNN, giúp thúc đẩy xuất khẩu trong bối cảnh các công ty xuất khẩu đang chịu áp lực rất lớn từ các thị trường Hoa Kỳ và EU.

Theo NHNN, diễn biến kinh tế thế giới đã xuất hiện nhiều yếu tố mang tính đột biến nằm ngoài dự đoán của các tổ chức quốc tế lớn, như việc giá dầu giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại, sự cộng hưởng của việc Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) dự kiến tăng lãi suất, sự suy thoái của kinh tế châu Âu và cuộc khủng hoảng kinh tế Hy Lạp đã làm cho đồng USD tăng giá cao hơn nhiều so với dự kiến của FED.

Đặc biệt, với việc đồng NDT được điều chỉnh giảm 2 lần liên tục lên gần 3,5% là mức giảm giá mạnh nhất trong vòng 2 thập niên qua, kéo theo một loạt đồng tiền châu Á chủ chốt khác cũng như chỉ số giá trên thị trường hàng hóa quốc tế sụt giảm. Với đặc thù Trung Quốc là đối tác chiếm tỷ trọng thương mại lớn của Việt Nam, việc điều chỉnh tỷ giá đồng NDT sẽ có tác động bất lợi tới nền kinh tế Việt Nam.

Các tin khác