Điều đó có nghĩa khả năng Fed sẽ tiếp tục dừng tăng lãi suất trong kỳ họp giữa tháng 12 tới, thậm chí là kỳ họp tháng 1-2024. Theo đó, giá USD so với tất cả các đồng tiền chủ chốt khác đều lao dốc mạnh. Trong nước tỷ giá tự do giảm 120 đồng và tính từ đầu tháng 11 giảm khoảng 0,83%.
Vì sao chứng khoán “sợ” tỷ giá?
TTCK toàn cầu trong ngày 15-11 đều tăng mạnh. Ngay từ đêm ngày 14-11, chứng khoán Mỹ cũng phản ứng rất tích cực với tin CPI, chỉ số Dow Jones tăng 1,43%, S&P500 tăng 1,91%, Nasdaq tăng 2,37%. Trong nước, chỉ số VN Index ngày 15-11 tăng 1,2%.
Rõ ràng TTCK rất hào hứng với triển vọng Fed sẽ không tăng thêm lãi suất, từ đó giúp hạ nhiệt đà tăng nóng của đồng USD. Thực ra kỳ vọng giảm giá của USD đã bắt đầu từ đầu tháng 11, sau khi đồng tiền này lên mức cao nhất năm 2023.
Trong nước, tỷ giá USD/VNĐ cũng đạt đỉnh trong thời gian tương ứng. VN Index đã tạo đáy ngay đầu tháng 11 khi tỷ giá đạt đỉnh, và sau đó phục hồi hơn 9%. Sự kiện ngày 15-11 với số liệu CPI của Mỹ được công bố góp phần xác nhận kỳ vọng này. Chỉ số USD Index - công cụ đo lường giá trị của đồng USD so với một rổ gồm 6 loại tiền tệ khác, chỉ trong một đêm giảm từ 105,69 xuống 104,08 điểm, tương đương giảm 1,52%.
Nếu nhìn lại diễn biến của VN Index, thì nhịp giảm lớn nhất năm 2023 kéo dài 2 tháng từ tháng 9 tới hết tháng 10, với mức điều chỉnh gần 18% gắn liền với nhịp tăng đạt đỉnh của tỷ giá. Trong bối cảnh nền kinh tế có tín hiệu phục hồi tích cực quý III cũng như trong tháng 10-2023, nhưng TTCK lại không coi trọng điều đó mà quan tâm nhiều hơn tới tỷ giá.
Đằng sau đó là mối lo khác lớn hơn, bao gồm rủi ro dịch chuyển dòng vốn gián tiếp nước ngoài và sự cản trở tiến trình giảm mặt bằng lãi suất cho vay - vốn là động lực để kích thích tăng trưởng thời gian tới.
Xu hướng tăng giá của đồng USD so với VNĐ đã kéo dài suốt từ tháng 4-2023, nhưng chỉ nổi lên sau khi tỷ giá vượt ngưỡng 24.000 VNĐ/USD vào khoảng cuối tháng 8 đầu tháng 9. Mặc dù VNĐ giảm giá sẽ có lợi cho xuất khẩu, nhưng lại tăng nhập khẩu lạm phát. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sau nhiều lần liên tiếp giảm mặt bằng lãi suất huy động và duy trì mức rất thấp, cũng đã cố gắng tiến tới giảm lãi suất cho vay.
Do đó việc VND mất giá quá nhiều là tình huống bất lợi, vì chênh lệch lãi suất giữa hai đồng tiền quá lớn càng thúc đẩy nhu cầu cao hơn với đồng USD. Kết quả là NHNN từ ngày 21-9 đã phải phát hành tín phiếu để hạn chế bớt tiền đồng trong hệ thống ngân hàng và đẩy lãi suất liên ngân hàng với VND lên. Đó là hành động ngược với nỗ lực thúc đẩy tín dụng để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Do đó TTCK lo ngại tình huống mâu thuẫn này sẽ cản trở cơ hội tăng trưởng, hơn là lo ngại việc thiếu tiền đồng, nhất là khi tăng trưởng tín dụng đang quá chậm. Nếu lạm phát của Mỹ không được kiềm chế và có tín hiệu chậm lại, thì Fed sẽ chịu sức ép phải tăng tiếp lãi suất hoặc vẫn duy trì mức lãi suất cao hiện tại trong thời gian dài hơn, nghĩa là sức ép bên ngoài đối với tình huống ngược mà NHNN gặp phải sẽ còn lớn.
Đó là chưa kể rủi ro lãi suất cao khiến kinh tế Mỹ trì trệ hoặc suy thoái, kéo theo các khu vực khác (do cũng phải tăng lãi suất tương đồng với Mỹ) có ảnh hưởng rất lớn tới xuất khẩu của Việt Nam. Vì vậy con số CPI tháng 10 của Mỹ chính là một bằng chứng xác nhận rằng, điều tồi tệ nhất của tình huống này có lẽ đã qua đi. TTCK bật tăng mạnh mẽ để “ăn mừng” là điều không khó đoán.
Cơ hội cho chứng khoán
Sự hạ nhiệt của tỷ giá trong nước cũng được củng cố bằng việc NHNN từ ngày 9-11 đã dừng phát hành thêm tín phiếu. Điều đó đồng nghĩa với các đợt tín phiếu đáo hạn sẽ quay trở lại hệ thống ngân hàng. Ước tính từ đầu tháng đến ngày 14-11, đã có khoảng 91.700 tỷ đồng được trả lại thị trường thông qua tín phiếu đáo hạn.
Việc dừng hút tín phiếu cũng không hẳn là được TTCK trông đợi sẽ có nhiều tiền hơn, mà chỉ là một tín hiệu xác nhận rằng rủi ro mà thị trường lo sợ trong tháng 9 và tháng 10 đã kết thúc.
Kể từ đầu tháng 11 đến nay, chỉ số VN Index đã phục hồi khoảng 9%. Sau khi “bóng ma” tỷ giá đã “lộ sáng”, TTCK quay lại với những kỳ vọng cơ bản như tín hiệu phục hồi kinh tế trong tháng 10, như chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 4,08%, xuất khẩu tăng 5,7%, doanh thu bán lẻ tăng 7,7%...
Thực ra trước khi tỷ giá nóng lên, xu hướng cải thiện dần của các yếu tố vĩ mô đã có, thậm chí còn kiến tạo một nhịp tăng mạnh từ tháng 5 tới tháng 9 vừa qua. Rất nhiều dự báo, phân tích của các tổ chức trong và ngoài nước đều nhấn mạnh vào cơ hội phục hồi kinh tế rõ nét hơn trong quý IV-2023 và năm 2024.
Vì vậy không có lý do gì cản trở TTCK quay lại quỹ đạo tương thích với triển vọng vĩ mô, nhất là sau khi nhịp lao dốc 2 tháng qua đã đưa thị trường trở về điểm xuất phát từ đầu năm 2023.
TTCK vốn rất nhạy cảm với các yếu tố tích cực cũng như bất lợi và trong từng thời điểm, mối quan tâm nào lớn hơn dễ lấn át các yếu tố còn lại. Thí dụ giai đoạn quý III và IV-2022, thị trường bỏ qua mọi yếu tố khác, chỉ quan tâm tới câu chuyện trái phiếu doanh nghiệp, nhưng đến 2023 câu chuyện này đã trở nên nhạt.
Giai đoạn quý II và III-2023, thị trường chỉ lắng nghe động thái giảm lãi suất của NHNN bất chấp tiến trình tăng lãi suất của Fed và tỷ giá tăng, dù kết cục tỷ giá nóng lên không hề khó đoán. Tương tự, tháng 9-10 vừa qua thị trường bỏ ngoài tai mọi yếu tố vĩ mô tốt dần lên, chỉ thấp thỏm với tỷ giá.
Giờ là lúc câu chuyện tỷ giá cũng trở nên nhạt dần và các yếu tố tích cực đang được quan tâm trở lại.