Tỷ lệ người dân cảm nhận và lo ngại tình trạng kinh tế gặp nhiều khó khăn đang tăng cao trở lại, theo kết quả khảo sát công bố trong Báo cáo Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh năm 2023 (PAPI 2023) do Văn phòng Thường trú của Tổ chức Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam công bố hôm 2-4.
Kết quả phân tích dữ liệu PAPI 2023 cho thấy, đói nghèo, việc làm và tăng trưởng kinh tế là 3 vấn đề người dân quan ngại nhất, và điều này phản ánh những thách thức về kinh tế và việc làm mà Việt Nam đã phải đối mặt trong năm 2023.
Trong số 10 vấn đề dẫn đầu tổng hợp từ hơn 40 vấn đề người dân nêu lên, đói nghèo được 22,39% số người dân lựa chọn, trong khi việc làm là mối quan tâm lớn nhất của 12,79% số người trả lời. Tăng trưởng kinh tế đứng thứ 3 với 9,2% người dân đề cập.
Tiếp theo là dịch vụ công (gồm đường sá và giáo dục) với tỷ lệ người dân lựa chọn lần lượt là 6,85% và 6,38%. Tham nhũng đứng thứ sáu với 5,25%. Mối lo ngại về ô nhiễm môi trường không còn nằm trong nhóm 10 vấn đề hệ trọng nhất năm 2023.
Phân tích so sánh nhóm các vấn đề cần Nhà nước tập trung giải quyết cho thấy, người dân đặc biệt quan tâm đến tình hình kinh tế trong năm 2023. Mối quan tâm này cũng đã tăng dần qua các năm từ năm 2017. Cụ thể, tỷ lệ người trả lời cho rằng vấn đề kinh tế và tăng trưởng kinh tế cần được Nhà nước ưu tiên giải quyết tăng từ 23% năm 2017 lên 33% vào năm 2023.
Tình hình kinh tế ảm đạm năm 2023 có thể lý giải cho xu thế này, phản ánh qua tỷ lệ 26% số người trả lời cho rằng tình hình kinh tế hộ gia đình kém hơn so với 5 năm trước, chỉ đứng sau tỉ lệ này của năm 2021 (năm đỉnh điểm của đại dịch Covid-19) sau nhiều năm ở mức dưới 20%.
Tương tự, tỷ lệ người trả lời cho rằng tình hình kinh tế của đất nước ở trạng thái “tốt” giảm từ 66% năm 2022 xuống còn 54% năm 2023 (giảm tới 12% sau 1 năm). Những con số này cho thấy người dân có cảm nhận bi quan hơn về tình hình kinh tế vào năm 2023, và đề xuất Nhà nước ưu tiên cải thiện trong thời gian tới.