(ĐTTCO) - Với 360 tỷ EUR nợ khó đòi, 55% trong số đó có mức độ rủi ro cao, ngành ngân hàng Italia đang bên bờ vực thẳm. Roma chạy đua với thời gian để cứu nguy lĩnh vực ngân hàng, trong khi quy định mới về luật ngân hàng của châu Âu gây thêm khó khăn cho chính phủ Italia.
Chưa đo lường được hết tác hại của Brexit, Liên minh châu Âu (EU) lại phải chuẩn bị tinh thần đối phó với một cuộc khủng hoảng ngân hàng ngấp nghé đe dọa Italia. Cuối tháng 7 vừa qua, kết quả trắc nghiệm về khả năng đối phó với khủng hoảng kinh tế và tài chính của 51 ngân hàng thuộc Khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone) cho thấy, 2 ngân hàng hàng đầu của Italia bị đánh giá không an toàn gồm Monte dei Paschi di Siena (BMPS) và UniCredit. Trong đó, BMPS đứng cuối cùng trong danh sách đen, bị cho là yếu kém nhất trong số 13 ngân hàng của châu Âu có tỷ lệ vốn cơ bản dưới ngưỡng tối thiểu 7%. Cuộc trắc nghiệm trên dựa vào một số tiêu chuẩn như tỷ lệ vốn cơ bản của một ngân hàng, khả năng nhanh chóng huy động vốn, chất lượng tài sản (bao gồm cả vốn và tín dụng)…
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, kết quả trắc nghiệm của Italia không có gì ngạc nhiên. Đang nắm giữ 360 tỷ EUR nợ xấu, tương đương 22% GDP của nền kinh tế lớn thứ 3 eurozone, ngành tài chính Italia đang là một quả bom nổ chậm. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) từng nhận định Italia là mắt xích yếu kém nhất của EU. Những người bi quan nhất không loại trừ kịch bản khủng hoảng ngân hàng làm tiêu tan hy vọng tăng trưởng của Italia. Hay tệ hơn nữa đất nước hình chiếc ủng lâm vào kịch bản tương tự Hy Lạp. Nếu một ngân hàng bị đe dọa phá sản, chính phủ Italia buộc phải ra tay để tránh khủng hoảng từ ngành tài chính ngân hàng lan sang xã hội. Nhưng do còn nợ nần chồng chất (nợ công tương đương 130% GDP) lại không có tăng trưởng, Rome không có phương tiện để dập tắt ngọn lửa trong trường hợp phải đối mặt với hỏa hoạn.
Monte dei Paschi di Siena bị đánh giá là ngân hàng yếu kém nhất trong đợt kiểm tra. |
Càng khó hơn khi EU vừa thay đổi luật, từ tháng 1-2016 Ngân hàng Trung ương châu Âu và Cơ quan Giám sát các hoạt động của ngành ngân hàng trong EU quy định, trong trường hợp một ngân hàng mất khả năng huy động vốn để tiếp tục hoạt động, trước hết các cổ đông của tập đoàn tài chính đó phải tiếp sức ngân hàng này. Kế tới những thân chủ ủy thác trên 100.000EUR phải can thiệp. Chỉ ở giai đoạn 3, tức là sau khi 2 chiếc phao thoát hiểm đầu tiên đều hỏng cả, khi đó chính phủ mới lấy thuế của dân để tăng vốn cho ngân hàng bị nạn. Với luật mới của EU, trước sau gì gánh nặng đó cũng bị đùn đẩy cho tư nhân.
Giải pháp nào cho Rome? EU ý thức được rằng bất ổn chính trị tại Italia nếu như Thủ tướng Renzi phải từ chức sau cuộc trưng cầu dân ý vào tháng 10 sắp tới, Italia sẽ trở thành mục tiêu tấn công của giới đầu cơ. Thêm vào đó đe dọa BMPS phá sản có thể đẩy toàn bộ khu vực tài chính của Italia vào cảnh tức nước vỡ bờ. Khi đó hệ thống ngân hàng của toàn khối châu Âu không được nguyên vẹn. Vì vậy, các giới chức ngân hàng châu Âu rất thận trọng khi thông báo kết quả kiểm tra vừa qua và dường như chỉ khuyến cáo 2 ngân hàng Italia trong số 5 ngân hàng bị kiểm tra. Về phía Rome, nhà nước huy động quỹ đầu tư công cộng Atlante hỗ trợ BMPS qua cơn nguy biến. Hướng đi này đang tiến triển tốt và đã được EU đồng thuận với điều kiện BMPS phải nhanh chóng giải tỏa các khoản nợ khó đòi, ít nhất là bán lại hơn 9 tỷ EUR nợ xấu từ nay cho tới năm 2018.