Chiều 15-1, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) gửi câu trả lời chính thức liên quan đến việc nhà đầu tư phản ánh liên tục gặp sự cố, khó khăn khi đặt lệnh mua, bán các cổ phiếu được niêm yết trên sàn giao dịch của Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE).
Theo đó, phía SSC thừa nhận: từ ngày 21-12-2020 có hiện tượng một số lệnh giao dịch của nhà đầu tư qua các công ty chứng khoán (CTCK) không gửi được vào hệ thống giao dịch tại HOSE, hiện tượng này xảy ra khá thường xuyên.
SSC cho biết đã khẩn trương họp với HOSE và các CTCK lớn. Qua đó đánh giá nguyên nhân chính của việc "nghẽn lệnh" là do "Năng lực thiết kế của hệ thống giao dịch của HOSE có giới hạn về số lượng lệnh trong một ngày giao dịch, không đáp ứng được nhu cầu giao dịch tăng đột biến ngoài dự đoán của thị trường chứng khoán trong thời gian vừa qua".
Để đảm bảo thị trường hoạt động thông suốt, khắc phục tình trạng quá tải hệ thống giao dịch, SSC cho biết đã báo cáo Bộ Tài Chính và chỉ đạo HOSE triển khai đồng bộ nhiều giải pháp.
Về ngắn hạn, thực hiện ngay các giải pháp để tối ưu hóa lượng lệnh giao dịch nhập vào hệ thống, gồm nâng đơn vị giao dịch từ 10 lên 100 cổ phiếu/lô để hạn chế giao dịch lô lẻ từ ngày 4-1-2021, phối hợp và yêu cầu các CTCK rà soát, hạn chế lỗi phát sinh từ phía công ty, hạn chế giao dịch tự động... nhằm tránh tác động xấu đến hệ thống, thực hiện rà soát nội bộ, kiểm soát rủi ro, hạn chế lỗi có thể xảy ra đối với hệ thống giao dịch, hoàn thiện quy trình xử lý sự cố, tăng cường trực ca vào thời gian giao dịch cao điểm.
Giải pháp trung hạn, SSC yêu cầu HOSE nghiên cứu xây dựng hệ thống dự phòng cho hệ thống giao dịch hiện tại, đảm bảo các giao dịch diễn ra suôn sẻ, thông suốt cho đến khi hệ thống công nghệ thông tin thị trường chứng khoán mới (KRX) chính thức đi vào hoạt động.
Về dài hạn, SSC yêu cầu HOSE và các đơn vị đẩy nhanh tiến độ đưa hệ thống KRX sớm vào hoạt động, thay thế cho hệ thống hiện nay trong thời gian sớm nhất để giải quyết triệt để vấn đề quá tải hệ thống giao dịch.
4 nguyên nhân lượng lệnh giao dịch chứng khoán tăng đột biến thời gian qua
1. Việt Nam là một trong số ít nước giữ được mức tăng trưởng dương 2,91% GDP và được dự báo phục hồi ở mức 6,5 - 6,8% trong năm 2021. Đây là động lực chính giúp củng cố lòng tin của nhà đầu tư và thu hút dòng vốn vào chứng khoán.
Bên cạnh đó, cơ quan quản lý đã có nhiều chính sách hỗ trợ thị trường trong dịch COVID - 19 như giảm giá một số dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán, ban hành thông tư quy định mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch....
Qua thống kê, dòng tiền mới liên tục đổ vào giúp thanh khoản của thị trường cổ phiếu tăng mạnh lên mức kỷ lục.
Cả năm 2020, giá trị giao dịch bình quân trên thị trường cổ phiếu đạt trên 7.400 tỷ đồng/phiên, tăng hơn 2 lần so với năm trước. Riêng tháng 12-2020, giá trị giao dịch bình quân đạt trên 15.000 tỉ đồng/phiên. Số lượng tài khoản nhà đầu tư mở mới tăng 109% so với năm 2019 và 54% so với năm 2018.
2. Vốn rẻ, giá trị cho vay kí quỹ margin của các CTCK tăng mạnh gấp 1,6 lần so với đầu năm cũng góp phần đẩy thanh khoản tăng cao.
3. Sản phẩm chứng quyền có bảo đảm đã hấp dẫn hơn với các nhà đầu tư, khối lượng giao dịch bình quân tăng 312% và giá trị giao dịch bình quân tăng 202% so với năm trước.
4. Thị trường chứng khoán phái sinh tăng trưởng mạnh mẽ, gia tăng thanh khoản thị trường cơ sở. Khối lượng giao dịch bình quân 77% so với bình quân năm trước. Khối lượng mở OI toàn thị trường tăng 143% so với cuối năm 2019.