Ở góc độ khác, dịch Covid-19 cũng trở thành chất xúc tác, góp phần thúc đẩy nâng cao năng lực lãnh đạo DN, gắn kết giữa chủ DN và đội ngũ quản lý cùng nhau phát triển. Hiện nay, nhiều doanh nhân, DN đã “bắt tay” xây dựng nội lực, để DN sẵn sàng ứng biến trước mọi hoàn cảnh. Trong đó, xu hướng chuyển đổi số đã thúc đẩy DN không ngừng thay đổi nhằm thích ứng với diễn biến mới của thị trường, kết nối giữa các quốc gia, doanh nhân, DN trên toàn cầu.
Theo một nghiên cứu của Microsoft năm 2020, 74% người giữ vai trò ra quyết định kinh doanh ở châu Á - Thái Bình Dương cho rằng đổi mới hiện là bắt buộc chứ không còn là lựa chọn. Các DN thấy rằng khả năng đổi mới đóng vai trò quan trọng với hiệu suất và khả năng chống chịu. Hầu hết (98%) các DN tiên phong với nền văn hóa đổi mới tiên tiến nhất tin rằng đổi mới là chìa khóa để nhanh chóng đáp ứng thách thức và cơ hội của thị trường. Những DN này vững vàng hơn trước các cuộc khủng hoảng và có khả năng phục hồi nhanh hơn.
Đi vào cụ thể, ông Bruce Delteil, Tổng giám đốc McKinsey & Company Việt Nam, chia sẻ, mô hình lãnh đạo ứng biến trong xu hướng toàn cầu, cách các DN thế giới điều chỉnh từ mô hình quản trị truyền thống chuyển sang quản trị linh hoạt, cái nhìn bao quát thì các nhà quản lý còn lại đều đã có những ứng biến phù hợp, tạo đột phá cho DN của họ trong tình hình vô cùng khó khăn, mang đến những góc nhìn đa chiều, đa ngành, quy mô khác nhau.
Có thể tái cơ cấu hoạt động là đương nhiên phải làm, làm thật nhanh, linh hoạt và tạo ra giá trị cao của Unilever, trong mọi hoàn cảnh, Unilever luôn ưu tiên cho phát triển nguồn nhân lực. Do đặc trưng nguồn nguyên liệu được khai thác từ lòng đất nên gốm sứ Minh Long đã chú trọng xây dựng nhà máy tự động hóa, tinh gọn, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất để tạo ra những sản phẩm cao cấp, đáp ứng nhu cầu cao của người tiêu dùng…
Thành lập vào năm 1995, trải qua 2 lần chuyển đổi, từ một công ty chuyên sản xuất thiết bị, vật liệu điện, đến nay Alphanam đã trở thành tập đoàn đa ngành lớn mạnh tại Việt Nam, sở hữu 40 công ty con ở 3 lĩnh vực là sản xuất công nghiệp, bất động sản, đầu tư tài chính, và từng là công ty niêm yết trên sàn chứng khoán. Ở lần chuyển đổi thứ hai, Alphanam tập trung đào tạo thế hệ kế thừa để cống hiến cho xã hội. Bài học ứng biến của Alphanam vẫn còn nguyên giá trị.
“Ứng biến khác với thích nghi. Sự thích nghi có chủ động thì gọi là ứng biến, tạo đột phá để vươn mình thì sang một chủ đề cao hơn nữa. Chủ động vượt qua được những thách thức, rào cản, vượt qua thực trạng để vươn lên, đòi hỏi cần phải có bản lĩnh, ý chí, thời gian và đặc biệt phải có môi trường để phát triển”, ông Nguyễn Tuấn Hải, Chủ tịch Tập đoàn Alphanam chia sẻ.
Ông Hải cho biết thêm, trong giai đoạn thứ 3, khi dịch Covid-19 xảy ra, việc ứng biến của một nhà lãnh đạo DN phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Không phải đến lúc DN bị dồn vào chân tường mới tìm cách ứng phó. Để thành công, mỗi DN cũng cần phải thay đổi ngay trong điều kiện bình thường nhất.
“Tuổi trẻ thì sự ứng biến sẽ nhanh, mạnh, quyết liệt. Đến tuổi trung niên sẽ điềm tĩnh hơn. Giới tính cũng rất quan trọng. Nữ sẽ thích nghi ứng biến giỏi hơn nam, sự tương thích của phụ nữ đặc biệt là phụ nữ Việt Nam tốt hơn bởi họ biết chấp nhận tình huống để ứng biến phù hợp với thực tế”, ông Nguyễn Tuấn Hải đúc kết.
Nhiều ý kiến cho rằng, thế giới sau đại dịch Covid-19 sẽ là thế giới khác với những quy luật khác. Các DN có những thách thức cần phải vượt qua và đổi mới không còn là điều xa xỉ. Nó phải trở thành cốt lõi, là yếu tố thiết yếu để các DN thích nghi nhanh chóng, đảm bảo tính liên tục trong kinh doanh cũng như khả năng chống chịu trong tương lai.
Nghiên cứu cho thấy, trong các khía cạnh của văn hóa đổi mới, con người và công nghệ được DN coi là hai ưu tiên hàng đầu trong thời điểm hiện nay. Điều này cũng đồng nghĩa, đầu tư cho nguồn nhân lực và đầu tư cho công nghệ để ứng phó tốt hơn với xu hướng chuyển dịch cả trong sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng sẽ quyết định sự thành công của DN trong điều kiện bình thường mới.